Ông Lê Thế Chữ, phó Tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ thành kính rải từng nắm đất thiêng Trường Sa xuống đàn Xã Tắc - Ảnh: MINH AN |
Buổi tiếp nhận đất thiêng Trường Sa vào đàn Xã Tắc được tổ chức trang trọng tại quảng trường Phu Văn Lâu, ngay chính diện kinh thành Huế.
Trước giờ trao cho đại diện Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, ông Lê Thế Chữ, phó Tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ chia sẻ, những nắm đất này được cán bộ, phóng viên báo Tuổi Trẻ đưa về từ các điểm đảo ở Trường Sa sau chuyến công tác đem đất thiêng tiếp nhận từ cả ba miền của Tổ quốc hòa quyện vào đất Trường Sa vào cuối tháng 5 vừa rồi.
Trong mỗi nắm đất có thấm máu, mồ hôi, công sức của biết bao thế hệ đã quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, có lời thề xá thân giừ giữ biển đảo quê hương: còn người còn đảo, một tất không đi, một ly không dời.
“Mỗi nắm đất thiêng ấy đều nhắc nhớ những công lao của bao thế hệ cha anh đi trước để có đất nước độc lập, thống nhất, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp xứng đáng với tiền nhân”, ông Chữ xúc động nói.
Đất thiêng Trường Sa được nâng niu đưa vào đàn Xã Tắc - Ảnh: MINH AN |
Ngay sau nghi lễ trao đất, đoàn đã di chuyển vào bên trong đàn Xã Tắc cách đó gần 1km để thực hiện nghi thức nhập đất dưới sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, chuyên gia về lễ nghi tế tự ở Huế. Ngay sau nghi lễ dâng hương, cầu khấn trang nghiêm, những nắm đất Trường Sa được lần lượt đại diện chính quyền địa phương, báo Tuổi Trẻ... rải xuống giữa giữa đàn, hòa vào đất trời.
“Đất Trường Sa hòa vào đàn Xã Tắc thể hiện ý nghĩa non sông toàn vẹn, Trường Sa ở trong lòng người dân nước Việt và thể hiện ý chí sức mạnh, trường tồn, sự nối liền không thể chia cắt của non sông Việt Nam”, ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định.
Trước đó, cùng với đàn Xã Tắc, đất thiêng từ đàn Nam Giao, Văn Miếu, Võ Miếu, Hoàng Thành Huế đã được báo Tuổi Trẻ cất vốc gửi ra Trường Sa trong hành trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa”.
Những nắm đất từ cố đô Huế thấm đẫm mồ hôi và xương máu bao thế hệ người Việt đã hòa tan vào những tấc đất, ngọn sóng thiêng liêng của Trường Sa.
Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm Gia Long thứ 5 (1806), nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống. Đàn là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức một năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua triều Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt cho nên khi xây dựng đàn Xã Tắc, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo chỉ dụ của triều đình đều phải góp đất sạch để đắp đàn. Vì vậy đàn Xã Tắc bấy giờ là biểu tượng cho đất đai Tổ quốc. |
Ông Lê Thế Chữ, phó Tổng biên tập phụ trách báo Tuổi Trẻ (trái) trao đất thiêng Trường Sa đến tay ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - Ảnh: MINH AN |
Những nắm đất thiêng liêng được đoàn công tác báo Tuổi Trẻ đem về từ các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa để nhập lên đất đàn Xã Tắc - Ảnh: MINH AN |
Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, chuyên gia về lễ nghi tế tự ở Huế tiến hành dâng hương thực hiện nghi lễ dâng đất lên đàn Xã Tắc - Ảnh: MINH AN |
Ông Nguyễn Dung, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dâng hương trong nghi lễ - Ảnh: MINH AN |
Ông Nguyễn Dung, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành rải đất thiêng Trường Sa xuống đàn Xã Tắc - Ảnh: MINH AN |
Đông đảo người dân, bạn trẻ tham gia lễ nhập đất tại đàn Xã Tắc- Ảnh: MINH AN |
Khung cảnh trang nghiêm tại nghi lễ nhập đất ở đàn Xã Tắc - biểu tượng cho đất đai Tổ quốc - Ảnh: MINH AN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận