23/02/2024 06:33 GMT+7

Đào, phở và piano bỗng thành 'hot trend trong tuần', nói gì về phim nhà nước?

Đào, phở và piano thành hiện tượng là tín hiệu vui nhưng lại lộ ra bao khuyết điểm của phim nhà nước đặt hàng.

Phim Đào, phở và piano không có một tấm hình có chất lượng đẹp dành cho việc truyền thông

Phim Đào, phở và piano không có một tấm hình có chất lượng đẹp dành cho việc truyền thông

Đào, phở và piano có một suất chiếu chính thức ra mắt báo giới hồi tháng 9-2023, sau đó chiếu miễn phí ở một số nơi nhân Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Đà Lạt cuối tháng 11-2023.

Nằm trong đề án thí điểm phổ biến phim nhà nước đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đào, phở và piano ra rạp Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ mùng 1 Tết (10-2) như một "phép thử" khán giả với dòng phim nhà nước. Đây là địa điểm chiếu phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Không có chiến lược quảng bá phim

Song đáng nói là phim chỉ trở thành hiện tượng gần một tuần qua nhờ mạng xã hội. Từ vài suất chiếu ban đầu, Trung tâm Chiếu phim quốc gia phải tăng lên 18 - 20 suất. 

Thậm chí trung tâm này phải cắt suất chiếu từ phim Mai của Trấn Thành sang cho Đào, phở và piano. Tới thời điểm hiện tại, phim có 30 suất chiếu và tiếp tục tăng, ít nhất trong vài ngày tới.

Tháng 9 năm ngoái, trong một cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, đạo diễn Phi Tiến Sơn tiết lộ phim có kinh phí nhà nước cấp là 20 tỉ đồng, tuy nhiên con số này chưa bao gồm phí phát hành và quảng bá phim. 

"Ê kíp rất muốn phim đến được với công chúng rộng rãi nhưng đến được hay không nằm ở quyết định của Nhà nước", ông Sơn nói.

Đã thành thông lệ, trước khi ra mắt chính thức, các đoàn phim sẽ cung cấp trailer (đoạn video ngắn để quảng cáo phim, thường 2-5 phút) cho khán giả (chiếu ở cụm rạp hoặc đăng lên các mạng). 

Có nhiều phim, trước khi công bố trailer, đoàn phim còn ra cả teaster (đoạn phim rất ngắn có nội dung mong đợi hoặc hé lộ tình tiết bất ngờ, thời lượng dưới 1 phút).

Đào, phở và piano ra mắt sau sáu tháng (kể từ tháng 9-2023) tới nay mới có một trailer "cho có" như dân mạng nhận xét và còn không đúng tính chất một trailer thông thường. Hình ảnh trong trailer mờ nhòe, không có gì hấp dẫn.

Ngoài ra các hình ảnh diễn viên, bối cảnh phim rò rỉ nhỏ giọt, chất lượng thấp. Báo chí viết bài, tìm một tấm ảnh đẹp, hấp dẫn để minh họa cho bài báo còn "khó hơn lên trời". Đây là tình trạng hiếm gặp với các phim tư nhân.

Với các phim tư nhân, thành hay bại của bộ phim nằm ở sự ủng hộ của khán giả. Các nhà làm phim tư nhân xem khán giả là thượng đế, họ luôn tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của khán giả.

Có nhiều bộ phim chạy truyền thông quảng bá phim ngay khi khởi động phim, chứ không đợi đến khi phim hoàn tất khâu hậu kỳ và sắp chiếu. Họ cũng dành một phần lớn kinh phí cho việc tuyên truyền, quảng bá phim.

Hậu trường phim Đào, phở và piano

Hậu trường phim Đào, phở và piano

Lỗ hổng và sự bối rối

Đào, phở và piano "hot" lên, khán giả ở các tỉnh thành khác muốn xem phim. Lúc đó trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói cục cũng rất muốn phổ biến phim trên cả nước nhưng khó bởi "ở ta chưa có căn cứ pháp lý nào về việc chia tỉ lệ phần trăm khi phát hành phim nhà nước".

Tiếp theo đó là lời khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh đồng hành trong việc phổ biến phim nhà nước của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 

Tới ngày 22-2, Đào, phở và piano bắt đầu vượt thoát khỏi khuôn khổ chật chội của Trung tâm Chiếu phim quốc gia để đến với hai cụm rạp của Cinestar và Beta Media trên cả nước nhờ sự tự nguyện.

Lời khuyến khích của bộ không đi kèm chữ nào liên quan đến phân chia tỉ lệ. Hai cụm rạp tư nhân đi đầu trong việc phổ biến phim nhà nước sẽ nộp hết doanh thu từ phim về Nhà nước. 

Một lời hiệu triệu cùng một lời hồi đáp nghe có vẻ "khí thế" và hừng hực trách nhiệm xã hội nhưng ngẫm ra lại chợt buồn.

Bởi lẽ một nền điện ảnh mang thương hiệu quốc gia (điện ảnh nhà nước lẫn tư nhân) khó mà phát triển - một cách chuyên nghiệp và hợp xu thế thời đại - chỉ bằng lời khuyến khích suông cùng những cánh tay "ai đồng ý giơ tay" theo kiểu của Cinestar lẫn Beta Media.

Và cái lỗ hổng lớn trong cơ chế hoạt động của những phim nhà nước đặt hàng lâu nay vẫn còn đó. 

Phim sản xuất xong, chiếu trong một số sự kiện tuyên truyền hoặc kỷ niệm của đất nước rồi "cất kho" nên ngay từ đầu không hề có chiến lược, kế hoạch phát hành hay quảng bá phim. Cơ chế nghị định cũng chưa có điều khoản nào mở lối cho phim nhà nước hòa rạp thương mại nếu muốn.

Khi một bộ phim nhà nước bỗng nhiên trở thành hiện tượng và được khán giả quan tâm, dư luận thấy được phần nào sự bối rối của những nhà làm phim điện ảnh nhà nước, từ đơn vị cao nhất là bộ cho tới những người trực tiếp làm phim.

Đào, phở và piano có lẽ trở thành một hiện tượng của văn hóa - giải trí năm 2024. Từ cơn sốt của phim đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc phim nhà nước đầu tư cần làm chuyên nghiệp để có doanh thu thực sự chứ không phải là một cú ăn may chưa chắc có lần hai, đừng mãi là chuyện để đó.

Khán giả TP.HCM sẵn sàng coi Đào, phở và piano đến sáng trong ngày đầu công chiếuKhán giả TP.HCM sẵn sàng coi Đào, phở và piano đến sáng trong ngày đầu công chiếu

Ngày đầu công chiếu, khán giả TP.HCM đón nhận 'Đào, phở và piano' không thua kém khán giả Hà Nội. Đa số rạp cháy vé và phải bổ sung suất chiếu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên