20/06/2019 10:55 GMT+7

Đảo gió hú, Sài Gòn một thuở chưa xa... sách cho ngày 21-6

ĐOÀN KHẮC XUYÊN - PHẠM VŨ
ĐOÀN KHẮC XUYÊN - PHẠM VŨ

TTO - Nhân Ngày nhà báo Việt Nam 21-6, Thế giới sách kỳ này giới thiệu sách của nhà báo Đỗ Đình Tấn và hai cây bút phóng sự Ngọc Vinh và Bùi Nguyễn Trường Kiên.

Đảo gió hú, Sài Gòn một thuở chưa xa... sách cho ngày 21-6 - Ảnh 1.

Ảnh: P.VŨ

Nặng lòng với nhân sinh

Đảo gió hú - tập phóng sự của nhà báo Ngọc Vinh, nếu có ai muốn tìm hiểu về bức tranh xã hội giai đoạn lịch sử hiện nay có thể dựa vào, đúng như tiểu tựa của tập sách ghi: Phóng sự hiện thực xã hội đương đại Việt Nam.

Có thể nhìn thấy ở cây bút phóng sự Ngọc Vinh sự lựa chọn có ý thức phản ánh thân phận của những con người ở dưới đáy xã hội, từ cô gái bị phát hiện nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam đến những bệnh nhân AIDS đối đầu với cái chết, những cô gái lặn lội "kiếm chồng" nơi đất khách, những cô gái Khmer rời bỏ gia đình để "chui mình vào hang" là những nhà thổ trên đất Campuchia, những người làm nghề mổ xác, những người tù trong trại giam... và rất nhiều cảnh đời bất hạnh khác.

Tuy nhiên, ngòi bút Ngọc Vinh kể lại những cảnh đời đó bằng một giọng tiết chế, không cường điệu hóa, không cố tình bi thảm hóa, và chính vì vậy người đọc thấy những gì được kể là chân thực.Đạt tới sự chân thực là giá trị cao nhất của báo chí. 

Nhưng dù không cố tình bi thảm hóa để lấy nước mắt thì những gì được kể trong những phóng sự xã hội ở cuốn sách này cũng đủ để người đọc cảm nhận, đằng sau những con chữ, những câu chuyện, những chi tiết là một cái gì đó rộng hơn, sâu hơn. 

Đó là một "nỗi buồn nhân thế". Bởi xã hội có những mảng sáng nhưng cũng có đầy những mảng tối. Và một cây bút nặng lòng với nhân sinh, với cuộc đời không thể không cúi xuống, thật gần, để thấy hết cái tối tăm đang vây bủa nhiều phận người và để sẻ chia với họ cái nỗi buồn mang mang ấy. Đó vả chăng cũng là trách nhiệm xã hội của nhà báo vậy!

Đọc lại những phóng sự Sài Gòn

Sài Gòn một thuở đã xa. Những con đò lặng thầm với những mảnh đời lụi hụi trên sông Sài Gòn, một bên là trung tâm thành phố xa hoa lộng lẫy, một bên là Thủ Thiêm tối mù dừa nước, cỏ năn...

Sài Gòn một thuở chưa xa. Những người bệnh ủ rũ xếp hàng trước cổng bệnh viện lấy số thứ tự từ 4 giờ sáng. Những gánh hàng rong, chiếc xe đẩy, đội quân đánh giày, bán vé số. Những cô gái "ăn sương"...

Sài Gòn chưa xa. Những hiểm họa rình rập từ thanh niên đến thiếu niên trong các quán cà phê, karaoke, quán nhậu, tiệm game. Những vòng tay, những tấm lòng rộng mở, cưu mang có thể tìm thấy ở bệnh viện, ở bến xe, ở góc đường...

Sài Gòn với nhịp sống cuồn cuộn vận động ngày đêm, thay đổi, phát triển. Sài Gòn với những giá trị tĩnh lặng bền bỉ, những góc khuất dai dẳng, những sáng tối đan xen...

Những góc nhìn Sài Gòn ấy được ghi lại trong những tập phóng sự của nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên, những phóng sự viết và đăng báo đã hơn hai mươi năm, nhưng khi đọc lại vẫn hôi hổi nhịp thở Sài Gòn, vẫn trăn trở những số phận Sài Gòn, vẫn thao thiết tình yêu Sài Gòn.

Góc nhìn tinh tế, trái tim nhạy cảm, ngòi bút cận nhân tình, nhiệt tâm và kỳ vọng chan chứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn chưa đủ để nhà báo soi sáng được những góc khuất mình đã lăn vào, thay đổi được những vấn nạn mình đã phát hiện.

Vì thế mà bao năm qua, các phóng sự xã hội vẫn luôn nóng hổi trên các trang báo, dù đã có nhiều thay đổi trong cách thể hiện, cách tiếp cận độc giả của thời đại thông tin số, mạng xã hội. Những câu chuyện cuộc đời không cũ, những đòi hỏi xã hội lặp lại rằng: đã rất muộn, đã quá gấp để phải tìm giải pháp.


Lợi nhuận truyền thông có thách thức lợi ích công?

sach

Ảnh: L.ĐIỀN

Một tập sách quan trọng và thú vị đến mức có thể dùng làm giáo trình tham khảo cho các sinh viên báo chí vừa ra mắt: Truyền thông & kinh doanh - liệu lợi nhuận có thách thức lợi ích công?

Nhà báo Đỗ Đình Tấn một lần nữa lại trình hiện cho công chúng thấy được lòng nhiệt huyết vì một nền truyền thông tiến bộ trong bối cảnh đang còn rất khó khăn ở ta. Sau các đầu sách ấn tượng: Một nền báo chí phẳng, Báo chí lương tâm, Báo chí là mạng xã hội, nay Truyền thông & kinh doanh của tác giả ra mắt thật kịp lúc bởi đây đang là vấn đề đau đầu không chỉ đối với các tòa soạn mà nó gợi mở cho những người làm kinh tế báo chí giải quyết nhiều nan đề hóc búa.

Với tinh thần vì công bằng xã hội, tác giả liên tục lưu ý các vấn đề thuộc về lợi ích công khi đề cập đến mối quan hệ giữa truyền thông và kinh doanh trong thời nay.

Điều này càng cần thiết trong bối cảnh các yếu tố thị trường của truyền thông chưa trưởng thành và lợi nhuận từ công việc kinh doanh ở lĩnh vực này đang khiến những người làm báo quên đi sứ mệnh phục vụ lợi ích công như một thách thức bắt buộc đối với các xã hội phát triển lành mạnh.

Nhìn một cách tổng thể, tập sách này cung cấp rất nhiều quan điểm để người làm báo/hoạt động truyền thông có thể cân nhắc xem xét như thế nào là thương mại hóa hoạt động truyền thông và bằng cách nào có thể vận hành một nền báo chí truyền thông vừa có lợi cho công chúng trong việc duy trì phát triển lợi ích công, đồng thời khai thác hiệu quả công việc kinh doanh có trách nhiệm.

LAM ĐIỀN

Ảnh quý về miền Bắc nửa thế kỷ trước của nhà báo Wilfred Burchett Ảnh quý về miền Bắc nửa thế kỷ trước của nhà báo Wilfred Burchett

TTO - Không chỉ được tìm hiểu về cuộc đời làm báo dấn thân của một nhà báo có ân tình đặc biệt với người dân Việt Nam, công chúng còn được khám phá những hình ảnh quý hiếm rất thú vị về miền Bắc Việt Nam những năm 1950-1960.

ĐOÀN KHẮC XUYÊN - PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên