10/11/2013 07:40 GMT+7

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Nghề chính của tôi là... chờ đợi

Đạo diễn NGUYỄN VINH SƠN
Đạo diễn NGUYỄN VINH SƠN

TT - Có mặt ở Đà Nẵng với vai trò giảng viên của khóa học toàn là các nhà làm phim trẻ, đạo diễn Trần Anh Hùng dường như trẻ lại so với tuổi 52 của anh.

Trần Anh Hùng: Điện ảnh phải chạm tới da thịt người xemĐạo diễn Trần Anh Hùng: Chắc chắn làm được phim hay với ít tiền

jh0KQIG0.jpgPhóng to
Đạo diễn Trần Anh Hùng là đạo diễn của Hà Nội chiều thẳng đứng, Tôi đến với mưa, Rừng Na Uy..., giải Camera vàng ở Liên hoan phim Cannes 1994 với Mùi đu đủ xanh, giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 1995 với Xích lô. Ở tuổi 52, anh bỗng thấy mình trẻ lại khi sống với các học viên khóa học điện ảnh nâng cao trong Gặp gỡ mùa thu 2013

* Lý do gì để anh nhận lời trở về VN với lớp học này?

- Lý do trước hết là bởi tôi có tình cảm lớn với Phan Đăng Di và những gì cậu ấy làm. Lý do thứ hai, tôi quan tâm tất cả những gì liên quan đến điện ảnh ở VN. Nên nếu có cơ hội để gặp các bạn trẻ, để trao đổi về những cảm hứng liên quan đến phim ảnh thì tôi sẵn sàng về. Khi gặp các bạn trẻ, họ có rất nhiều câu hỏi và mong muốn tìm được câu trả lời. Tôi không biết mình có đủ khả năng trả lời tất cả câu hỏi ấy không, nhưng ít nhất mình cũng tạo ra một không gian để trao đổi những ý nghĩ, cảm hứng để mỗi người nghe được câu nào đó mà đánh được vào sự tưởng tượng hay sự nhạy cảm của các bạn thì rất tốt rồi.

* Anh từng là người “truyền cảm hứng” như thế này cho các đạo diễn thế hệ trước như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di... Anh thấy họ khác với thế hệ trẻ hôm nay ra sao?

"Anh Trần Anh Hùng về VN gián tiếp góp vào thành công lâu nay của nhiều nhà làm phim trẻ, theo tôi, là tín hiệu đáng mừng. Điện ảnh VN đang khó khăn thì càng cần hơn những liên kết mạnh mẽ, những sẻ chia mạnh mẽ bởi chỉ có thế chúng ta mới cùng nhau vượt qua khó khăn này"

- Rất khác, bởi Chuyên và Di lúc đó đã có một chút kinh nghiệm về điện ảnh và đời sống. Những dự án họ đưa ra chín chắn hơn các bạn trẻ bây giờ. Bây giờ các bạn trẻ hơn, vì thế có một sự cực đoan lớn hơn trong cách các bạn ấy thể hiện, đó là một cái hay. Quan trọng là làm sao tôi phải phát hiện trong ý nghĩ của các bạn ấy cái nào đối với tôi không có chất điện ảnh, hoặc cái nào sẽ là cái bẫy cho một người làm phim. Tôi muốn chỉ cho các bạn ấy điều đó. Và nếu các bạn ấy không hiểu hoặc phản ứng dữ dội thì với tôi đó cũng là một cái hay. Các bạn ấy có một chất rất tươi, rất mạnh mẽ, may mắn tôi được gặp các bạn ấy khi các bạn ấy trẻ và cực đoan thế này!

* Vậy những cái bẫy nào anh thường thấy ở những nhà làm phim trẻ?

- Một cái bẫy điển hình mà tôi thấy là các bạn trẻ thích dùng biểu tượng và vội vã gán tính biểu tượng cho một vật hoặc một điều gì đó. Nhưng với nghệ thuật, để đi đến biểu tượng phải có một hành trình... Một cái bẫy khác mà người trẻ hay gặp là nghĩ gì làm nấy, minh họa cho ý tưởng thay vì đi đến tận cùng, thay vì đào sâu ý tưởng thì lại làm ra những thứ đơn giản.

Phim giải trí, không đủ cho một nền điện ảnh

* Nhìn rộng ra hơn, anh có tiên đoán nào không cho tương lai của điện ảnh VN?

- Tương lai của điện ảnh VN không phụ thuộc tuyệt đối với họ, vào những nhà làm phim nói chung. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ví dụ như thị trường. VN có tạo ra được một hệ thống từ sản xuất phim với đủ nguồn lực tài trợ cho nhiều thể loại phim khác nhau hay không? Và trong hệ thống rạp phim có không gian nào dành cho những loại phim hơi khó một chút không? Những phim nghệ thuật, những phim nghệ thuật đương đại, những cái thật sự mới không chỉ với VN mà mới ngay cả với thế giới, những phim có thể chiếu trong rạp hoặc trong viện bảo tàng, liệu những phim đó có thể đến rạp, chiếu bình thường cho khán giả xem được hay không? Khi trả lời được những câu hỏi trên thì mới có thể nhìn tiếp đến sự phát triển của con người trong ngành này... Tôi nghĩ khả năng và sự khao khát làm phim đã có, tôi trao đổi với họ, cảm hứng từ tuổi trẻ, cũng vô cùng ích lợi cho tôi.

* Nếu một nền điện ảnh chỉ còn toàn là phim giải trí thì sao thưa anh?

- Thì đó không thể gọi và không thể đủ để là một nền điện ảnh. Nghệ thuật là khai thác những cái mình chưa biết, còn phim thương mại khai thác những gì mình đã biết. Điện ảnh phải phong phú, chứ nếu chỉ toàn phim thương mại thì đó sẽ chỉ là một nền công nghiệp.

Phải chọn cách kiếm sống thông minh

* Còn với các dự án của anh thì sao? Hôm qua trong bữa ăn tối, anh có nhắc đến một dự án đang thành hình từ cuốn sách về ẩm thực của Mỹ?

- Tôi theo đuổi cuốn sách này 3-4 năm rồi. Đó là cuốn Heat (Cái nóng) của Bill Buford. Ông viết cuốn sách này sau một thời gian tự biến mình thành một phụ bếp trong một nhà hàng 3 sao khá nổi tiếng ở New York. Ông sống ở đó để biết không khí bếp núc nhà hàng nên câu chuyện rất phong phú. Heat là câu chuyện về con đường mà Mario Batali đã đi để trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Nhà văn Bill Buford thậm chí còn sang Ý để học cắt thịt với một người thợ thịt giỏi nhất thế giới. Tôi cũng rất lạ khi đọc vì không biết có những người có những “chức danh” đó (cười).

Heat rất hay, câu chuyện rất thả lỏng, tạo ra một bố cục rất hấp dẫn để trở thành một cuốn phim. Tôi đã gặp hụt tác giả Bill Buford, cách đây ba năm khi tôi liên lạc để mua bản quyền nhưng đã bị một người Mỹ “giật” lấy bản quyền đó trước một tuần. May thay, cách đây vài tuần, khi người Mỹ đó đến Paris quay phim thì tôi đã gặp và nói chuyện, đây sẽ có thể là những bước đầu tiên để tôi đến gần hơn dự án tạm gọi là phim ẩm thực này.

* Một dự án khác, về một gia đình người Pháp trải dài trong 100 năm của anh, bây giờ ra sao rồi?

- Kịch bản đã hoàn thành rồi. Tên nó là Eternité - đây là từ cuối cùng mà mình nghe thấy ở trong phim Rừng Na Uy, nó có nghĩa là mãi mãi. Dự án này rất lạ và mục đích của tôi là làm người xem khóc nhiều chừng nào tốt chừng ấy vì nó rất xúc động. Đó là câu chuyện về sự sinh đẻ, vào cuối thế kỷ 18, những người phụ nữ trong kịch bản của tôi liên tục sinh con rồi mất con vì khi đó chưa có thuốc ngừa, trẻ em rất dễ chết. Sự chết chóc trong một gia đình rất nhiều, như một nhân vật đẻ được tám đứa con, sau đó chồng chết, nhưng khi bà ta 50 tuổi thì chỉ còn ba đứa con. Và tôi tự hỏi những người phụ nữ này làm sao có đủ sức mạnh vượt qua những đau buồn đó để trở lại với đời sống. Đó cũng là ý nghĩa và mục đích của cuốn phim. Eternité là dạng phim nghệ thuật, sẽ hơi đắt tiền để sản xuất nên cũng khó.

* Một người như anh cũng gặp phải khó khăn chung về kinh phí khi muốn làm một cuốn phim nghệ thuật. Vậy thì trong lúc chờ đợi ấy ta nên làm gì? Làm thế nào để không nản chí?

- Nản chí hay không không thành vấn đề. Quan trọng nhất là lấy tiền đâu ra để sống? Đó là câu hỏi phức tạp nhất với tôi vì phải năm năm tôi mới làm được một cuốn phim thì lấy tiền đâu ra để sống? Tôi cũng có may mắn là lâu lâu nếu tôi hết tiền, cần một chút tiền thì tôi có thể làm một hay hai phim quảng cáo để tiếp tục sống. Nhưng thời gian này thì ngay cả phim quảng cáo cũng hiếm hoi hơn. Người ta quảng cáo chủ yếu trên Internet nên không còn cần những phim quảng cáo thật đẹp, dụng công để chiếu, bởi thế công việc này của tôi cũng ít đi. Và có lẽ cũng có nhiều bạn làm phim có nỗi lo giống tôi để buộc phải làm tất cả mà sống.

Tôi nghĩ các bạn yêu việc làm phim thì phải thông minh khi chọn cách kiếm sống, không nên tìm một công việc quá đều vì nó sẽ dẫn mình đi chỗ khác, không cho mình thời gian để làm phim nữa. Chẳng hiểu ai thấy may mắn ở điện ảnh, còn tôi chỉ thấy khó khăn, chẳng thấy gì dễ dàng. Nghề chính của tôi là nghề chờ nên chán lắm vì trong lúc mình chờ thì thời gian trôi đi, sức khỏe mất đi, năng lượng của tuổi trẻ cũng mất đi, rất đáng tiếc. Bởi có những dự án mình phải lội rừng, leo núi... vài năm nữa tôi sẽ không còn đủ sức làm những dự án như thế nữa.

Khóa học làm phim nâng cao này là một chương trình được thiết kế đặc biệt cho các nhà làm phim trẻ trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ mùa thu 2013 (từ ngày 3 đến 8-11). Sáu nhà làm phim với các dự án mới toanh của họ đã được “thầy Hùng” chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức và cả những xúc cảm cá nhân về phim ảnh. Trong căn biệt thự nhỏ ở Hội An, thầy trò cùng ăn ở bên nhau, xem phim, nghe nhạc, nói chuyện, hỏi và đáp. Học viên không phải là người mới, bởi Người đàn ông trong bể cá của Như Trang, Không có gì quý của Nguyễn Trọng Khôi, KFC của Lê Bình Giang, 16.30 của Trần Dũng Thanh Huy... đã không phải là những tên phim lạ với khán giả yêu phim ngắn. Nhưng chỉ bốn ngày, nhiều học viên đã phải thốt lên: định nghĩa về điện ảnh trong họ đã khác...

Đạo diễn NGUYỄN VINH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên