17/07/2016 09:45 GMT+7

Đảo chính quân sự: chuyện thường ngày ở Thổ

LÊ NGỌC SƠN (nghiên cứu sinh về quản trị khủng hoảng, ĐH Ilmenau, CHLB Đức)
LÊ NGỌC SƠN (nghiên cứu sinh về quản trị khủng hoảng, ĐH Ilmenau, CHLB Đức)

TTO - Với giới nghiên cứu về khủng hoảng chính trị, các cuộc đảo chính quân sự là một điều không lạ lẫm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ sau thập niên 1950 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua bốn cuộc đảo chính 
quân sự.

Một người ủng hộ chính phủ nằm chắn trước xe tăng để phản đối cuộc đảo chính - Ảnh: Reuters
Một người ủng hộ chính phủ nằm chắn trước xe tăng để phản đối cuộc đảo chính - Ảnh: Reuters

Ngày 27-5-1960, 38 sĩ quan quân đội tiến hành lật đổ chính quyền và xử tử thủ tướng đương nhiệm lúc đó là Adnan Menderes. Tướng Cemal Gursel lên nắm quyền lực.

11 năm sau, ngày 12-3-1971, quân đội Thổ lại tiếp tục “lên tiếng” sau khi nền kinh tế nước này lạm phát lên đến gần 80%. Quân đội đã buộc thủ tướng Suleyman Demirel phải từ chức.

Đến ngày 12-9-1980, các sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại ra thông báo rằng họ đang thiết quân luật và giải tán chính phủ. Trong ba năm liền sau đó, đất nước này đặt dưới tình trạng quân quản, cho đến khi Kenan Evren được bổ nhiệm làm tổng thống mới.

Gần đây nhất, ngày 28-2-1997, một lần nữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại buộc thủ tướng đương nhiệm lúc đó, ông Necmettin Erbakan, phải từ chức để mở đường cho ông Mesut Yilmaz thành lập chính phủ mới…

Mỗi lần có những “cuộc bể dâu” có dính líu đến quân đội kể trên, đất nước cửa ngõ Á - Âu này phải trải qua những thiệt hại nặng nề. Chỉ đến khi ông Tayyip Erdogan lên nắm quyền, nền chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ “ổn định” hơn so với trước. Ông Erdogan trở thành thủ tướng năm 2002 và ngồi ở vị trí này 11 năm trước khi trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan và Đảng Công lý và phát triển (AK) của mình được sự hậu thuẫn của những người Hồi giáo bảo thủ, nhưng lại đối diện với những chỉ trích rất lớn từ các nước khác do việc ông dùng vũ lực trấn áp người có tiếng nói chỉ trích. Nhiều người cho rằng có lẽ những nguyên nhân sâu xa cho những bất ổn lần này nằm ở việc Thổ Nhĩ Kỳ đang thiếu một tư tưởng phát triển đúng đắn, trong khi tổng thống thì “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”.

Ông Erdogan hứa đại diện cho tất cả những người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trên thực tế lại không phải vậy.

Ông hứa chấn chỉnh nền kinh tế, nhưng thực tế cho thấy sự bết bát, đồng tiền mất giá và một cơn khủng hoảng đang chập chờn trước mắt.

Ông hứa sẽ theo đuổi hòa bình, nhưng chính sách hiếu chiến của ông lại đang tách nước này ra khỏi các quốc gia Trung Đông và nhận lấy sự ghẻ lạnh từ các nước phương Tây.

Ông cũng nhiều lần khẳng định đảm bảo an ninh, nhưng những vụ đánh bom liên tiếp xảy ra thời gian gần đây...

Rõ ràng, sự bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ đang làm cho các quốc gia châu Âu và Mỹ lo lắng bởi vị trí địa lý chiến lược và vai trò chính trị trọng yếu của nước này.

Nếu thế giới đang vận hành là một chuỗi xích, Thổ Nhĩ Kỳ hẳn sẽ là một mắt xích quan trọng để duy trì sự ổn định của châu Âu và khu vực Trung Đông. Mọi bất ổn ở xứ này sẽ là nỗi ám ảnh của lân bang và không mang lại bất cứ lợi ích nào cho các nước phương Tây.

Những người xuống đường ngăn đảo chính không hẳn vì ủng hộ các chính sách của Tổng thống Erdogan, mà bởi vì người dân Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ vị tổng thống dân cử đầu tiên.

Thực ra bảo vệ quyền dân cử là bảo vệ chính tiếng nói thông qua các lá phiếu bầu, phản đối sự vô pháp. Hơn ai hết, chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã thấm thía và chán ngán sự độc tài từ các chính quyền quân sự.

Người dân thể hiện thái độ tức giận đối với những binh sĩ tham gia đảo chính đã đầu hàng tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ   - Ảnh: Reuters
Người dân thể hiện thái độ tức giận đối với những binh sĩ tham gia đảo chính đã đầu hàng tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Chính biến bất thành, 265 người thiệt mạng

Nỗ lực đảo chính quân sự đêm 15 rạng sáng 16-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hai thành phố lớn là Ankara và Istanbul rơi vào hỗn loạn.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 16-7, Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố tình hình “hoàn toàn trong tầm kiểm soát”, các chỉ huy trung thành với chính quyền đang phụ trách quân đội.

Hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết 2.839 người thuộc phe đảo chính đã bị bắt. 

Thủ tướng Yildirim tuyên bố sẽ trừng phạt thích đáng, bao gồm cả án tử hình, đối với “những người làm mất uy tín” quốc gia. Ông cũng cho biết ít nhất 265 người thiệt mạng, phần lớn là những người theo phe đảo chính, và 1.440 người bị thương.

Theo Anadolu, người đứng đầu âm mưu đảo chính là đại tá Muharrem Kose - cố vấn pháp luật của tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay khi nỗ lực đảo chính nổ ra, tổng tham mưu trưởng, tướng Hulusi Akar, bị bắt và bị đưa đến căn cứ không quân Akincilar bằng trực thăng.

Sau đó lực lượng vũ trang của chính phủ đã giải thoát cho tướng Akar. Còn Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thì cáo buộc cuộc đảo chính được châm ngòi bởi giáo sĩ Fethullah Gulen -  từng là đồng minh thân cận của ông Erdogan trước khi sang Mỹ lưu vong trong thập niên 1990 và bị kết tội phản quốc. 

ANH THƯ

Bảo đảm an toàn cho người Việt

Thông tin từ Bộ Ngoại giao ngày 16-7 cho biết trước tình hình phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, nhân viên và các thành viên gia đình Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Istanbul, các đoàn cán bộ Việt Nam đang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại đó. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Cơ quan đại diện Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó để bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, bà Lê Thị Minh Trang - bí thư thứ nhất phụ trách lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Ankara - cho biết tình trạng hỗn loạn do cuộc đảo chính quân sự khiến bà cảm thấy vô cùng lo lắng.

“Hiện tại, tình hình liên lạc rất khó khăn, đi chợ mua nhu yếu phẩm hằng ngày cũng không được bởi lệnh giới nghiêm” - bà Trang nói.

Bà Trang cho biết chỉ có khoảng 70 người Việt sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó một nửa buôn bán hoặc đi học ở thành phố Istanbul. Theo bà, đến chiều 16-7 (giờ Việt Nam), sứ quán chưa nhận được thông tin nào về việc có người Việt bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính quân sự.

QUỲNH TRUNG

LÊ NGỌC SƠN (nghiên cứu sinh về quản trị khủng hoảng, ĐH Ilmenau, CHLB Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên