Cần thêm 60.000 nhân sự mỗi năm
Theo ghi nhận, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn và các khu resort nổi tiếng trên cả nước hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nhân lực cho các bộ phận. Có thể thấy rõ mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đến nhân sự ngành du lịch qua các con số "biết nói".
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy vào thời điểm "đỉnh cao" vào năm 2019, ngành du lịch tại Việt Nam đã có hơn 2,5 triệu lao động, trong đó có 750.000 lao động trực tiếp.
Thế nhưng vào năm 2020, gần 60% số lao động trong ngành du lịch phải nghỉ hoặc tạm nghỉ việc. Sang năm 2021, chỉ có 25% số lao động còn làm việc đủ thời gian, 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, 35% tạm nghỉ việc và 10% đang làm việc một cách cầm chừng.
Giám đốc một khách sạn 5 sao nổi tiếng tại TP.HCM cho biết khi dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, một phần không nhỏ nhân sự phục vụ ngành này đã chuyển ngành, trong khi số lao động mới lại e ngại những rủi ro tương tự như COVID-19 có thể tiếp tục xảy đến.
Hiện nay, đơn vị này vẫn đang tăng cường tuyển dụng để đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Một số vị trí "khát" nhân sự như bộ phận F&B, buồng phòng cho đến cả một số vị trí quản lý.
Chia sẻ với truyền thông vào tháng 3-2023, bà Cao Thị Ngọc Lan - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - thông tin ngành du lịch đang cần khoảng 485.000 lao động cho cơ sở lưu trú du lịch với công suất trên 70%, trong đó có khoảng 45.000 nhân sự quản trị.
Đến năm 2025, nhu cầu lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch dự kiến sẽ đạt trên 800.000 người, và đến năm 2030 sẽ lên tới hơn 1 triệu. Do đó, trong giai đoạn từ 2022 đến 2030, cần bổ sung trung bình hơn 60.000 lao động mỗi năm.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp - nhà trường
Trước bài toán thu hút nhân sự, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang tìm cách khắc phục. Một số biện pháp đã được thực hiện, bao gồm triển khai các chính sách đẩy mạnh lợi ích, môi trường làm việc và an toàn cho nhân viên. Ngoài ra, việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện hữu cũng được coi là một giải pháp gấp rút.
Theo các chuyên gia, ngành du lịch cũng cần tăng cường quảng bá các cơ hội việc làm và lợi ích của công việc hấp dẫn. Đồng thời, thông qua các chiến dịch truyền thông và các sự kiện như hội thảo, hội chợ việc làm, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này có thể nâng cao nhận thức của công chúng về sự tiềm năng phát triển của ngành.
Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành du lịch và các trường đào tạo nhân lực ngành du lịch uy tín cần được đặt lên hàng đầu.
Ở chiều ngược lại, mối kết nối này sẽ giúp học viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế công việc, tham gia vào các công việc thực tế và tạo mạng lưới và mở rộng cơ hội việc làm trong ngành.
Học viên Ngành quản lý và kinh doanh Khách sạn trường Saigontourist kiến tập tại Khách sạn
Bà Võ Thị Mỹ Vân - hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist trực thuộc Saigontourist Group - nơi điển hình về mối liên kết giữa doanh nghiệp và trường đào tạo du lịch - chia sẻ: "Nằm trong hệ thống 80 đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng... của tập đoàn, đồng thời có mối quan hệ hợp tác với đa số các công ty trong ngành du lịch cả nước, Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist luôn đảm bảo việc làm cho học viên sau tốt nghiệp, qua đó góp phần tham gia vào việc giải bài toán nhân sự cho ngành".
Bà Vân cho biết thêm, trường dành 70% thời lượng học cho sinh viên thực hành, trong đó 25% là tại doanh nghiệp.
Sinh viên Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist luôn được sự hướng dẫn của nhiều giảng viên từ các doanh nghiệp và được nhận phản hồi trực tiếp để điều chỉnh, bổ sung kiến thức và kỹ năng kịp thời. Nhờ vậy, gần như 100% học viên ra trường đều có việc làm và được doanh nghiệp đánh giá cao.
Học viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn trường Saigontourist học thực hành
Về phía nhà trường, việc lắng nghe doanh nghiệp, thị trường và cập nhật chương trình giảng dạy được thực hiện thường xuyên. Bộ phận chuyên môn phải họp thường xuyên để xem xét, cải thiện và tìm cách đáp ứng tốt nhất những nhu cầu thay đổi hàng ngày, hàng giờ trong xã hội.
"Chúng tôi rất mong đợi nhận được phản hồi trực tiếp từ các doanh nghiệp liên quan đến việc đánh giá sinh viên và những đóng góp thực tế để giúp hệ thống đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của ngành", bà Vân thông tin thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận