Vấn đề tranh cãi đáng quan tâm
Trao đổi về vấn đề có hay không chuyện mãn kinh ở đàn ông (male climacteric), bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đây vẫn đang là một vấn đề thời sự nóng hổi không chỉ trong giới y học mà còn là mối quan tâm sâu sắc của những người đàn ông.
Người đồng tình, kẻ phản đối, nhưng trong y học cổ truyền, trạng thái này đã được các y thư cổ đề cập đến từ rất sớm với cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do thiên quý, tinh khí và thận khí suy giảm.
Có thể hiểu một cách đơn giản đó là sự biến đổi theo chiều hướng đi xuống của hệ thống nội tiết tố, trong đó vai trò của các hormone sinh dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bác sĩ Toàn phân tích testosterone là một nội tiết tố nam quan trọng nhất, được tiết ra chủ yếu ở tinh hoàn. Nồng độ testosterone trong máu thay đổi trong ngày, cao nhất vào buổi sáng, thấp nhất vào ban đêm, ở người trưởng thành chỉ số này dao động từ 10 - 35 nmol/l, trung bình là 28 nmol/l.
Lượng testosterone đạt đỉnh cao trong giai đoạn dậy thì, từ sau 30 tuổi nồng độ testosterone trong máu giảm dần, đặc biệt là từ 40 tuổi trở đi, làm cho cơ thể người đàn ông có nhiều biến đổi sâu sắc.
Trên thực tế hội chứng mãn kinh ở đàn ông là một giai đoạn có tính chất quá độ từ tuổi trung niên bước sang tuổi già.
Lúc này toàn bộ cơ thể dần dần bị lão hóa, hệ thống nội tiết tố nói chung, đặc biệt là nội tiết tố sinh dục bị giảm thoái, sự điều tiết sản xuất và nồng độ testosterone trong máu bị rối loạn làm xuất hiện hàng loạt triệu chứng rối loạn biểu hiện chủ yếu ở hệ thống tâm thần kinh, thần kinh thực vật và chức năng tình dục.
Hội chứng này thường gặp ở lứa tuổi từ 55 - 60. Tùy các đặc tính khác nhau về thể chất, trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, đời sống tâm lý... của từng người mà triệu chứng xuất hiện nhiều hay ít, nặng hay nhẹ...
Trong y học cổ truyền không có bệnh danh này. Nhưng căn cứ trên các biểu hiện lâm sàng có thể thấy hình ảnh của các tình trạng mãn kinh ở đàn ông nằm rải rác trong các chứng "hư lao", "huyễn vận", "tâm quý", "uất chứng", "thất miên"...
Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do thần khí suy dần, tình khí ngày càng giảm sút, lục phủ ngũ tạng ngày càng suy tổn và cuối cùng thiên quý cạn kiệt mà không thể sinh hoạt tình dục và sinh con đẻ cái được nữa.
Điều chỉnh hội chứng mãn kinh mang lại sức khỏe và hạnh phúc?
Để điều chỉnh hội chứng "mãn kinh" ở đàn ông, theo quan điểm của y học cổ truyền cần phải căn cứ vào tình trạng bệnh mà phân chia thành những loại bệnh khác nhau như thận âm hư, thận dương hư, thận âm dương lưỡng hư, can thận âm hư, tỳ thận dương hư, can uất tỳ hư... rồi trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Nguyên tắc chung là phải bồi bổ cơ thể và phải điều hòa cân bằng âm dương, trong đó đặc biệt chú trọng đến các tạng thận, tỳ và can. Theo y học cổ truyền, biện pháp hữu hiệu nhất là phải thực thi "thuật hồi xuân" một cách toàn diện và kiên trì.
Nội dung của "thuật hồi xuân" hết sức phong phú, song không ngoài ba vấn đề cơ bản: kiện thân, dưỡng tâm và mỹ dung.
Kiện thân là thực hiện ăn uống đầy đủ và đúng cách, dùng thuốc hợp lý và vận động tập luyện tích cực để làm cho cơ thể được khỏe mạnh, kinh mạch lưu thông, khí huyết sung túc.
Trong đó phải hết sức lưu ý vấn đề dùng thuốc, bởi hiện nay do đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, người ta có xu hướng đua nhau đi tìm các loại thực phẩm có lợi cho hoạt động tình dục, nhưng do thiếu hiểu biết nên nhiều khi lợi bất cập hại.
Cách thức duy nhất đúng đắn là phải biết cơ thể thiếu cái gì thì bù đắp cái đó, không được lạm dụng bừa bãi.
Dưỡng tâm còn gọi là dưỡng thần, là việc sử dụng các liệu pháp cần thiết để điều hòa đời sống tinh thần, tình cảm, cốt sao đạt được sự ổn định và cân bằng.
Trên thực tế, trong giai đoạn đầy sóng gió này hầu hết đàn ông đều lâm vào tình trạng rối loạn tâm lý ở các mức độ khác nhau, nếu không biết cách điều chỉnh có thể dẫn đến những thương tổn thực thể về mặt thể chất và đổ vỡ trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ tình cảm vợ chồng.
Mỹ dung còn gọi là làm đẹp, chú ý chăm sóc sắc đẹp. Người đàn ông phải tạo được cái đẹp có tính chỉnh thể, đẹp cả trong lẫn ngoài, cả thể xác và tâm hồn, cái mà y học cổ truyền gọi là nguyên tắc "hình thần kiên cố, nội ngoại đồng trị".
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều nhà tâm bệnh học, chỉ riêng việc chủ ý chỉnh trang sắc đẹp bên ngoài đã giúp cho một tỉ lệ khá lớn những người đàn ông (và cả đàn bà nữa) phòng tránh được khá nhiều bệnh tật trong giai đoạn mãn kinh đầy biến cố của cuộc đời.
Y thư kinh điển Nội kinh tố vấn trong chương "Âm dương ứng tượng đại luận" đã mô tả hội chứng này như sau: 40 tuổi âm khí hao đi một nửa, hoạt động suy yếu; 50 tuổi mình nặng, tai kém, mắt mờ; 60 tuổi liệt dương, sinh khí suy yếu nhiều, các lỗ tự nhiên không thông lợi, trên thực dưới hư, nước mắt chảy suốt.
Hay như sách Thiên kim dực phượng mô tả: Con người ta ở tuổi 50 trở đi, khí dương suy kém từng ngày, sức lực giảm dần, hay quên, hưng phấn kém, tai nặng, mắt mờ, mọi sự tàn tạ, tâm tính không yên, dễ cáu giận, ăn không ngon, ngủ không yên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận