20/04/2019 09:49 GMT+7

Dân 'chơi' đờn ca tài tử có đấu lại nổi với chuyên nghiệp cải lương?

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Liên hoan đờn ca tài tử Hoa sen vàng 2019 diễn ra tại TP.HCM từ 16 đến 18-4 cho phép nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia. Sự thay đổi này đã gây ra những ý kiến trái chiều. Có tài tử than: Đưa người chuyên nghiệp ra thi sao 'tụi tui' đấu lại?

Dân chơi đờn ca tài tử có đấu lại nổi với chuyên nghiệp cải lương? - Ảnh 1.

Chuông vàng vọng cổ 2013 Kim Luận (bìa trái) trong tiết mục song ca cùng tài tử Phạm Vũ Thành bài Tình mẹ với quê hương, chương trình dự thi của CLB đờn ca tài tử TTVH Q.3 - Ảnh: L.ĐOAN

Tối 17-4, khi CLB đờn ca tài tử của Trung tâm văn hóa (TTVH) Q.3 thi xong, có những lời xì xào: "Chắc rinh giải nhất quá, toàn dân thứ dữ đi thi không mà!".

Tôi cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia có cả nghệ sĩ chuyên nghiệp là điểm mới mẻ, khiến thành phần tham gia liên hoan đa dạng, có sự cọ xát giữa các môi trường khác nhau, từ mô hình câu lạc bộ tới sân khấu cải lương chuyên nghiệp.

NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải

Tài tử có "đấu" lại với nghệ sĩ chuyên nghiệp?

Sở dĩ có những lời bàn tán đó vì đội hình của Q.3 ra quân kỳ này có tài tử ca là vợ chồng NSƯT Lê Tứ - Hà Như, có Kim Luận từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ năm 2013. Dàn đờn toàn những tay đờn cứng cựa và quen mặt trong nhiều giải ĐCTT, Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng, Tài tử miệt vườn... như nghệ nhân Út Tỵ, Duy Kim, Trường Giang, Hoàng Vũ.

Vợ chồng NSƯT Lê Tứ - Hà Như trong tiết mục ca ra bộ Sui gia hụt - Video: Linh Đoan

Không chỉ Q.3, ở một số quận còn lại cũng có khá đông lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp, chủ yếu là từ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, ngoài ra còn có các nghệ sĩ từ các tỉnh như: Hải Yến, Điền Trung, Lệ Trinh, Cao Mỹ Châu, Tô Tấn Loan, Hoài Long, Kim Thùy, Quỳnh Khôi, Mỹ Diện...

Lê Tứ - nghệ sĩ giỏi nghề của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - là cái tên được nhắc nhiều trong liên hoan vì bị cho là có quá nhiều giải thưởng và bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp mà vẫn đi thi.

Anh thẳng thắn nói: "Lúc được mời tham gia liên hoan, tôi đã hỏi rõ thể lệ có đúng là đồng ý cho nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia không. Thật ra, tôi xuất thân từ dân đờn ca tài tử, sau đó mới học và phát triển ở sân khấu cải lương. Vì vậy tôi biết rằng không phải ca hay cải lương là cũng có thể ca hay bên tài tử bởi bộ môn này rất khó. Tôi yêu mến đờn ca tài tử và xem việc đi thi là cơ hội để mình có dịp ôn lại những bài bản tài tử".

Chuông vàng vọng cổ 2013 Kim Luận trong tiết mục Gương liệt nữ - Video: Linh Đoan

Nâng chất hoạt động đờn ca tài tử

Quanh việc mở rộng đối tượng dự thi gây tranh cãi, ông Trần Thanh Bình - phó giám đốc TTVH TP.HCM, trưởng ban tổ chức liên hoan - lý giải: "Việc duy trì phong trào đờn ca tài tử là quan trọng và chúng tôi vẫn rất quan tâm đến điều đó. Chơi đờn ca tài tử hiện nay có rất nhiều thành phần, từ dân tài tử đến một số nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp có thể hát được các bài bản tài tử, vì vậy chúng tôi quyết định mở rộng đối tượng để có nhiều người tham gia liên hoan hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn phong trào đờn ca tài tử được nâng chất hơn, chúng ta vẫn có những cuộc giao lưu, chơi đờn ca tài tử giản dị, mộc mạc ở những nhóm, CLB đờn ca tài tử, tuy nhiên đối với những chương trình biểu diễn trình độ cao, có đẳng cấp hơn, chúng ta vẫn cần một lực lượng trình diễn có nhiều kinh nghiệm".

NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải, trưởng ban giám khảo liên hoan, bày tỏ quan điểm của mình: "Vấn đề đặt ra ở đây là thước đo nào để đánh giá tài tử và người chuyên nghiệp? Tôi nghĩ những tài tử tham gia liên hoan hãy yên tâm vì chúng tôi khi chấm đánh giá cao về hơi điệu, chất giọng, đúng nhịp. Các nghệ sĩ bên cải lương thật ra chỉ ưu thế hơn dân tài tử ở phần ca ra bộ, trong liên hoan này có bạn ca hay, luyến láy tốt nhưng rớt nhịp thì vẫn phải chịu điểm thấp.

Việc thay đổi này, theo tôi có ưu điểm là dung hòa giữa sân chơi tài tử và sân khấu cải lương. Các nghệ sĩ cải lương sẽ có cơ hội học thêm về những bài bản lớn, hay, chất mộc mạc, dung dị bên đờn ca tài tử, còn dân tài tử có thể nghiên cứu thêm về hình thức trình bày, cách biểu diễn, xây dựng một tiết mục đờn ca tài tử để có thể lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử đến công chúng một cách hấp dẫn, hiệu quả".

Là một trong những đơn vị khẳng định không mời "người ngoài" đi thi, bà Nguyễn Thị Hương - chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử TTVH Q.6 - tâm sự: "Chúng tôi cũng nhận được thể lệ từ trước là được quyền mời nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định sử dụng "cây nhà lá vườn", thứ nhất về kinh phí chúng tôi không đủ khả năng, thứ hai anh em tài tử sinh hoạt trong CLB mình bao nhiêu năm, giờ đi thi tự nhiên không chọn, họ buồn tội lắm. Tôi luôn cố gắng đưa các em trẻ đi thi để có sự cọ xát và trưởng thành".

Giải Hoa sen vàng có sự tham gia của 24 đơn vị đến từ TTVH quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Tối 20-4 sẽ diễn ra chương trình báo cáo, tổng kết và trao giải tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Mừng trăm năm, xem cải lương xưa, nghe đờn ca tài tử Mừng trăm năm, xem cải lương xưa, nghe đờn ca tài tử

TTO - Tối 17-12, tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã diễn ra lễ khai mạc mở màn các hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương (1918 - 2018).

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên