21/01/2009 06:32 GMT+7

Đại sứ Canada Deanna Horton: Ưu tiên phát triển hợp tác giáo dục

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà tân đại sứ Canada Deanna Horton khẳng định: một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ làm việc tại VN là thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc thu hút thêm nhiều lưu học sinh VN đến học tập tại Canada. Bà D. Horton cho biết:

* Lưu học sinh được làm việc tại Canada ba năm sau khi tốt nghiệp

V9PdG81C.jpgPhóng to
Bà D.Horton - Ảnh: T.H.
TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà tân đại sứ Canada Deanna Horton khẳng định: một trong những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ làm việc tại VN là thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc thu hút thêm nhiều lưu học sinh VN đến học tập tại Canada. Bà D. Horton cho biết:

- Ngay khi đến VN, tôi đã có cơ hội khai trương triển lãm giới thiệu giáo dục Canada tại Hà Nội và TP.HCM. Tôi cảm nhận được rất rõ ở VN người dân ngày càng quan tâm đến giáo dục và có nhiều người quan tâm đến nền giáo dục của Canada. Điều đó cho thấy giữa hai nước có thể có nhiều cơ hội hợp tác. VN là một nơi có tiềm năng để thu hút nhiều SV giỏi đến học tập tại Canada.

* Vậy phía Canada sẽ có những chính sách khuyến khích như thế nào để thu hút lưu học sinh VN?

- Từ giữa năm 2008, Chính phủ Canada đã sửa đổi quy định về việc cho phép SV nước ngoài được làm việc tại Canada sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo hợp pháp, đủ điều kiện, được công nhận tại các cơ sở đào tạo sau trung học của Canada. Đây là một nỗ lực nhằm thu hút thêm lưu học sinh đến học tập tại Canada. Theo quy định mới sửa đổi, cho phép SV nước ngoài sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo ở Canada có thể ở lại làm việc trong thời gian ba năm và áp dụng trong toàn quốc thay vì chỉ được phép làm việc từ 1-2 năm tùy theo từng bang như trước đây.

Một quy định mở và kéo dài hơn thời hạn làm việc tại Canada đối với SV nước ngoài sẽ giúp các lưu học sinh có cơ hội tích lũy thêm kinh nghiệm và phát triển các kỹ năng làm việc sau khi được đào tạo tại đất nước chúng tôi. Trong quá trình làm việc, đáp ứng được các yêu cầu của các nhà tuyển dụng và thị trường lao động, được làm việc tại các công ty lớn của Canada, các SV này chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều. Những kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp các lưu học sinh thuận lợi hơn trong việc đáp ứng các điều kiện để được chấp nhận ở lại lâu dài tại Canada.

Chính sách này sẽ giúp Canada thu hút được nhiều SV quốc tế đến Canada học tập hơn.

r8RWIk5T.jpgPhóng to
HSSV tìm hiểu triển lãm du học Canada tại TP.HCM tháng 11-2008-Ảnh: MINH ĐỨC

* Canada có chính sách gì để thu hút lưu học sinh VN, thưa bà?

- Năm 2008, tổng số visa chúng tôi cấp cho lưu học sinh đến học tập tại Canada tăng 90%. Tôi cho rằng đó là một thành công và cho thấy những chính sách hỗ trợ, thu hút của chúng tôi đã được các lưu học sinh VN quan tâm. Khâu xét cấp visa cho người đến học tập tại Canada đã được rút ngắn rất nhiều so với trước đây, chỉ còn ba tuần. Đặc biệt, những người tại TP.HCM và khu vực phía Nam có thể tới xin cấp visa ngay ở lãnh sự quán tại TP.HCM mà không cần phải ra đại sứ quán ở Hà Nội nữa.

Tìm kiếm cơ hội học tập tại Canada khá dễ dàng vì chúng tôi có một hệ thống giáo dục ĐH đẳng cấp thế giới với 92 trường ĐH, trong đó có nhiều trường sử dụng đồng thời hai thứ tiếng Anh và Pháp. Các bạn cũng nên lưu ý còn một điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh nữa là mức học phí ở các cơ sở đào tạo tại Canada rẻ hơn nhiều so với một số quốc gia khác.

* Thưa bà, với chính sách khuyến khích và thu hút SV quốc tế của Chính phủ Canada như vậy, lưu học sinh VN có thể tìm thấy các nguồn học bổng để du học tại Canada?

- Mới đây, Canada đã công bố một chương trình học bổng của chính phủ có tên gọi là chương trình học bổng sau ĐH Vanier Canada (viết tắt là CGS). Đây là một chương trình học bổng lớn và bắt đầu được thực hiện từ năm 2009. Chương trình cấp mỗi năm 165 suất học bổng cho các nghiên cứu sinh thực hiện luận án tiến sĩ tại các trường ĐH của Canada. Mỗi suất học bổng Vanier có giá trị 50.000 đôla Canada/năm và cấp trong ba năm. Các SV xuất sắc của VN hoàn toàn có thể tiếp cận chương trình học bổng này hằng năm.

Chúng tôi còn một số chương trình học bổng khác như Canadian Commonwealth Scholarship Program, Goverment of Canada Awards Program... Ngoài ra, các SV cũng có thể nộp đơn xin học bổng trực tiếp ở các trường ĐH... Tôi có một gợi ý đối với các SV VN khi nộp đơn dự tuyển học bổng Vanier, các bạn hãy chú ý không nên nộp đơn dồn vào một vài trường mà nên đăng ký vào những trường khác nhau để tăng thêm cơ hội được nhận học bổng.

* Xin cảm ơn bà đại sứ.

Tiêu chuẩn để nhận được học bổng sau ĐH Vanier Canada

Ông Laurent Beaudoin - chủ tịch ban tuyển chọn của chương trình học bổng sau ĐH Vanier Canada - cho biết để có đủ tiêu chuẩn đề cử cho chương trình, các ứng viên phải: được một trường ĐH Canada đề cử, xin hỗ trợ để theo học chương trình tiến sĩ lần đầu tiên (hoặc tương đương), đang theo học chương trình tiến sĩ (hoặc chương trình kết hợp thạc sĩ/tiến sĩ) hoặc chưa nhận được học bổng nào từ SSHRC, NSERC hoặc CIHR để theo học hoặc hoàn thành chương trình tiến sĩ hoặc chương trình kết hợp thạc sĩ/tiến sĩ...

Những ứng viên được đề cử sẽ được đánh giá dựa trên kết quả học tập, tiềm năng nghiên cứu và khả năng lãnh đạo, cụ thể như sau: kết quả học tập trước đây được thể hiện trong bảng điểm, giải thưởng và thành tích, chương trình học và những đóng góp tiềm năng cho việc phát triển kiến thức và sự sáng tạo (tư duy lôgic, tính sáng tạo) cũng như tiềm năng về các kỹ năng lãnh đạo; ngành học và kinh nghiệm làm việc phù hợp, bao gồm tiềm năng nghiên cứu và khả năng lãnh đạo tiềm năng, được thể hiện thông qua kinh nghiệm làm việc, tham gia các hoạt động cộng đồng, tham gia các công trình đã phát hành, các bài trình bày hoặc công trình nghiên cứu tại hội nghị...

Để biết thêm thông tin về tiêu chuẩn lựa chọn có thể truy cập trang thông tin www.vanier.gc.ca.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên