02/11/2018 14:48 GMT+7

Đại biểu có nên chất vấn lẫn nhau?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - "Chưa có lần nào Quốc hội đạt kỷ lục như lần này với 140 lượt chất vấn và hơn 80 lượt tranh luận" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Có những thời điểm, phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) trở nên "nóng bỏng" bởi sự "va đập" của các ý kiến trái chiều, thông qua tranh luận nảy lửa. 

Một số vấn đề, nội dung đã được chất vấn đến cùng bởi các đại biểu đã thông thạo việc sử dụng quyền tái chất vấn và tranh luận.

Người mệt nhất có lẽ là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bởi bà ngồi ghế chủ tọa phải nghe, ghi chép, phân loại hàng trăm câu hỏi, nội dung trả lời, ứng xử với nhiều tình huống khác nhau, vừa "giữ lửa" cho không khí chất vấn sôi động, lại vừa "giảm nhiệt" những lúc "nhiệt độ nghị trường" trở nên quá "nóng". 

Có lẽ sức ép đó đã khiến chủ tọa nhiều lần cho phép người bị chất vấn "được trả lời bằng văn bản", hoặc mời hai đại biểu tiếp tục trao đổi "phía sau hội trường".

Một đặc điểm nổi bật rất đáng được "mổ xẻ" tại phiên chất vấn này, đó là sự tranh luận, chất vấn lẫn nhau rất căng thẳng giữa một số vị đại biểu Quốc hội. 

Theo nguyên lý, chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội, đối tượng bị giám sát là những người phải trả lời chất vấn. 

Các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát (chất vấn, tranh luận, chất vấn lại) với đối tượng chịu sự giám sát. 

Như vậy, đại biểu Quốc hội nếu không phải là đối tượng chịu sự giám sát thì đương nhiên không thuộc đối tượng trả lời chất vấn và tranh luận.

Điều 15 Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng đã quy định rất rõ: "Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau đây: 

a) Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể; 

b) Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có)".

Như vậy, rất khó giải thích trước các trường hợp như: đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) sử dụng quyền tranh luận để phản pháo nội dung đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ; đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) phản pháo nội dung đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí; đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. 

Điều đáng nói, đại biểu Xuân là phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đắk Lắk, đại biểu Dũng là viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, đại biểu Cầu là giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, tức là cấp dưới của các bộ trưởng, trưởng ngành đang phải trả lời chất vấn. 

Chính vì vậy, khi các vị này sử dụng quyền tranh luận để phản pháo lại nội dung chất vấn của các vị đại biểu khác, thì dư luận và cử tri có thể hiểu rằng họ thực thi nhiệm vụ bảo vệ ngành mình, "sếp" mình.

Việc tranh luận lại, phản bác các chất vấn chưa đủ căn cứ hoặc thiếu chính xác, thuộc quyền của người trả lời chất vấn, và theo quy định của luật thì họ "không được ủy quyền". 

Các vị đại biểu Quốc hội có thể tranh luận với nhau, làm rõ vấn đề tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận dự án luật, thảo luận chuyên đề... chứ không nên "nhầm vai" trong phiên trả lời chất vấn.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên