23/05/2018 15:11 GMT+7

Đặc khu rất nhạy cảm, có nên giao đất đến 99 năm?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - "Chúng ta đang sống ở đương đại, có thể đại diện cho thế hệ cách chúng ta 100 năm nữa không?", đại biểu cao niên Dương Trung Quốc (Đồng Nai) băn khoăn về quy định có thể giao đất đến 99 năm ở đặc khu.

Đặc khu rất nhạy cảm, có nên giao đất đến 99 năm? - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại an ninh, chủ quyền quốc gia nếu giao đất đến 99 năm - Ảnh: Quochoi.vn

Băn khoăn của ông Quốc là xoay quanh quy định này trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc: Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm

"Các đặc khu này có địa điểm rất nhạy cảm, đặc biệt là Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì nó sẽ trở thành địa điểm di dân", ông Dương Trung Quốc bày tỏ.

"Chính vì vậy tôi tán đồng quan điểm là thu hẹp phạm vi ưu đãi chính sách về đất đai. Tôi đề nghị khi thông qua dự án luật cần phải 'bấm nút' riêng về quy định giao đất 99 năm".

Cũng đề cập đến vấn đề này tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay 23-5, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM) thấy chưa yên tâm: Theo đề án, xây dựng 3 đặc khu cần khoản đầu tư 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó ngân sách bỏ ra không nhỏ. Sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước... cũng chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách.

Đặc khu rất nhạy cảm, có nên giao đất đến 99 năm? - Ảnh 2.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm - Ảnh: Quochoi.vn

"Trong 10, 20 hay 30 năm nữa tất cả khoản đầu tư này cho ai, đem lại lợi ích gì? Chúng ta hi sinh ưu đãi được gì cho ai? Và mất gì? Câu trả lời tất yếu là phải được nhiều và nhiều hơn so với những gì chúng ta phải gánh chịu, so với chi phí bỏ ra", luật sư Nghĩa đặt vấn đề.

Ông tiếp tục chỉ ra lãnh thổ ba đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển: Vân Đồn tới Hải Nam chỉ cách 200 hải lý, vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo pháp luật về biên giới, biển và tài nguyên nước.

"Đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm. Thời hạn này ngang 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhường địa chỉ đất nước nghèo đói hoang sơ cần tới để thu hút nhà đầu tư"", đại biểu TP.HCM thẳng thắn.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đặt câu hỏi về việc đặc khu có cần casino không nếu chỉ để phục vụ nhu cầu cờ bạc của người nước ngoài.

"Chưa có casino mà chúng ta đã phải chịu tổn thất về cán bộ rồi. Tôi đề nghị chỉ cho mở một casino và phải cân nhắc thật kỹ", ông Nghĩa đề nghị.

Đặc khu rất nhạy cảm, có nên giao đất đến 99 năm? - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Một số quy định trong dự án luật về đặc khu vẫn còn "an toàn" - Ảnh: Quochoi.vn

Rủi ro hay quá an toàn?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lên tiếng về các chính sách ưu đãi cho 3 đặc khu: "Nếu nói đây là một sự ưu ái dành cho 3 địa phương trên thì cần phải nhìn nhận lại, bởi tôi tin rằng nhân dân Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đều không mong mỏi mình sẽ trở thành lò thí nghiệm của thể chế  lại càng không muốn nhận một sự ưu ái dành riêng cho mình so với phần còn lại của đất nước vốn còn quá nhiều khó khăn".

Ông Nhân cho rằng 3 địa phương được lựa chọn làm đặc khu kinh tế đang "gánh vác trách nhiệm vô cùng nặng nề, niềm tin lớn lao từ các tầng lớp nhân dân vào sự phát triển không phải dành riêng cho 3 tỉnh, mà chính là cho sự lớn mạnh chung của quốc gia dân tộc".

Theo đại biểu Nhân, Việt Nam không còn nhiều thời gian để trở thành quốc gia thịnh vượng bởi đã ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, vì thế "những đột phá để đổi mới, tinh thần táo bạo, dám nghĩ dám làm là điều nếu không muốn nói là cấp thiết để giảm những nguy cơ đang từng ngày hiển hiện trong tương lai gần".

Theo ông Nhân, các địa phương khác không nên coi 3 đặc khu là đối thủ, sẽ thu hút hết vốn đầu tư và khiến các địa phương khác im ắng.

Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dù trở thành đặc khu cũng vẫn là một bộ phận không thể tách rời của dãy đất hình chữ S này, đó là một điều bất biến. Ba đặc khu hiển nhiên không thể độc lập riêng một mình, tách rời các mảnh ghép còn lại. Sự phát triển của ba đặc khu phải là sự phát triển chung của đất nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Từ đó, đại biểu Bình Dương cho rằng những quy định đặc biệt, vượt trội trong dự luật là "vẫn không vượt qua được chính mình và quay về với sự lựa chọn an toàn chỉ để mong sớm nhận được sự đồng tình".

"Dường như chúng ta vẫn còn mâu thuẫn trong chính mình bởi một mặt mong muốn kinh tế đặc khu sẽ mang một hình hài mới và vượt trội so với phần còn lại, mặt khác bộ máy để điều hành kinh tế đặc khu lại vẫn để dáng dấp của mô hình hiện tại. Sự khiên cưỡng, tương thích một cách chưa trọn vẹn như trên liệu có thể phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của một đặc khu như kỳ vọng?", ông Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến được biểu quyết thông qua ngày 15-6.

Quốc hội sẵn sàng "bấm nút" khai sinh 3 đặc khu kinh tế Quốc hội sẵn sàng 'bấm nút' khai sinh 3 đặc khu kinh tế

TTO - Tại phiên họp toàn thể thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại Quốc hội sáng nay 23-5, các đại biểu đều đồng ý ban hành luật, kỳ vọng góp phần đưa đất nước "cất cánh".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên