17/05/2023 16:56 GMT+7

Cứu bệnh nhân bị xương cá rô phi xuyên thủng thực quản

Sau khi ăn cá rô phi, một phụ nữ bị xương cá đâm xuyên thực quản, may mắn đã được bác sĩ cứu sống.

Cứu bệnh nhân bị xương cá rô phi xuyên thủng thực quản - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra bệnh nhân bị xương cá đâm thủng thực quản - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 17-5, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết đã cứu sống ngoạn mục một phụ nữ bị xương cá rô phi đâm thủng thực quản. Đây là một tai nạn cực kỳ hiếm gặp, diễn tiến nhanh chóng và tỉ lệ tử vong lên đến hơn 90% nếu không kịp can thiệp.

Một buổi trưa tháng 4, chị N.T.N.G. (34 tuổi, Bến Tre), mua 1,3kg cá phi (tên người địa phương gọi cá rô phi) về ăn. Đây là một loại cá thịt ngọt nhưng xương nhiều, cứng và sắc.

Đang ăn trưa, cảm thấy hơi khó chịu vùng cổ, chị nuốt thêm vài miếng cơm thì thấy tức ngực. Nghĩ do công việc buôn bán mệt mỏi nên chị đi nằm nghỉ.

Đến chiều cùng ngày, cảm thấy cơn đau không giảm nên chị đi khám bệnh, lại được điều trị trào ngược dạ dày, thực quản.

Sau hai ngày điều trị, tình trạng đau tức ngực, nuốt vướng ngày càng nặng, chị G. được người nhà đưa đến Trung tâm Y khoa Hòa Hảo TP.HCM.

Qua nội soi thực quản, bác sĩ quan sát thấy vùng vách trái thực quản viêm đỏ, đồng thời phát hiện một phần dị vật như xương cá đang cắm lún vào thực quản.

Người bệnh sau đó được CT-scan ngực. Hình ảnh cho thấy dị vật đã xuyên thủng thành thực quản, tiến tới nằm sát cung động mạch chủ ngực. Đây là một động mạch lớn, nếu bị dị vật xuyên thủng có thể làm người bệnh tử vong do mất máu cấp.

Sau đó chị G. được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân để điều trị. Tại thời điểm nhập viện cấp cứu, chị G. sốt, vẻ mặt lừ đừ, đau tức ngực và mệt nhiều. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị vật sắc nhọn xuyên thành thực quản, làm thủng động mạch chủ ngực hết sức phức tạp.

Cuộc hội chẩn toàn viện được tổ chức trong sự phối hợp với các bác sĩ Viện Tim TP.HCM.

Bác sĩ Hồ Khánh Đức - trưởng khoa phẫu thuật tim - mạch máu Bệnh viện Bình Dân - cho hay dị vật đã xuyên qua các mô liên kết, tiến vào trung thất gây viêm trung thất.

Các bác sĩ phẫu thuật đã mở ngực trái, tiếp cận cung động mạch chủ ngực và thực quản. Ống nội soi tiêu hóa với đèn và camera giúp các bác sĩ ngoại tiêu hóa xác định lỗ thủng để khâu.

Sau gần 30 phút tìm kiếm, ê kíp các bác sĩ phẫu thuật tim, mạch máu xác định dị vật là một chiếc xương cá và gắp ra ngoài. Chiếc xương cá có chiều dài khoảng 3cm, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 0,6cm nằm cao sát cung động mạch chủ trên.

Làm gì để không bị hóc xương cá?

Qua trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân khuyến cáo:

- Khi chế biến món ăn cần lấy sạch xương cứng và sắc để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật.

- Trong hoặc sau bữa ăn, nhất là đang ăn các loại thức ăn có xương cứng và sắc, nếu thấy đau đột ngột ở ngực, bụng thì nên nghĩ đến khả năng đã nuốt phải xương.

- Khi đã biết nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, người bệnh đừng cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho trôi vì có nguy cơ tổn thương ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.

Xương cá nằm trong bàng quang phát triển thành khối áp xe Xương cá nằm trong bàng quang phát triển thành khối áp xe 'khủng'

TTO - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết vừa cấp cứu cho một ca bệnh hy hữu khi bệnh nhân mắc xương cá, đi xuống bàng quang rồi phát triển thành áp xe 'khủng' gây viêm nhiễm, nguy hiểm tính mạng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên