31/05/2014 08:28 GMT+7

Cuối năm 2015 sẽ thông qua Luật biểu tình

LÊ KIÊN - QUỐC THANH
LÊ KIÊN - QUỐC THANH

TT - Tại phiên họp chiều 30-5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Giữa năm 2015, trình quốc hội dự án Luật biểu tìnhNăm 2015 Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật biểu tình Thực tế đòi hỏi sớm có luật biểu tình

UsT2hV78.jpg
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cho biết mỗi năm VN nhập 3 triệu tấn phế liệu và cảnh báo: nếu vẫn chủ trương nhập phế liệu thì VN sẽ thành bãi rác của thế giới - Ảnh: V.Dũng

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung năm dự án: nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp đang diễn ra); nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 9; Luật biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015), thông qua tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015); Luật về hội và Luật tiếp cận thông tin vào chương trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Đừng để thành bãi rác của thế giới

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận lần cuối về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 23-6. Nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị cân nhắc, thận trọng, phải quy định các điều kiện nghiêm ngặt, chặt chẽ nhằm bảo vệ bằng được môi trường sống khi luật cho phép nhập khẩu phế liệu, nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ...

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) lưu ý: hằng năm có khoảng 3 triệu tấn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch như pin, ăcquy chì phế thải; vi mạch điện tử cũ, hỏng; máy móc, thiết bị lạc hậu, hỏng, hết hạn sử dụng có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường. “Nếu vẫn chủ trương cho phép nhập khẩu phế liệu thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới” - ông cảnh báo.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) còn cho rằng việc cho nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường không khác gì nhập phế liệu. Do vậy cần kiểm soát việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ như đối với kiểm soát nhập phế liệu.

Mạnh mẽ và quyết liệt hơn, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng nêu rõ quan điểm dứt khoát không đồng tình việc cho phép nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, trong đó có việc thu phế liệu, vì “lợi ít hại nhiều”. “Đây chính là hình thức vận chuyển các chất thải nguy hại trên quy mô toàn thế giới và hậu quả là các nước nghèo sẽ nhận được ngày càng nhiều chất thải, nhất là chất thải nguy hại” - đại biểu Hoàng nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận các ý kiến trên xác đáng, nên đã chỉ đạo chỉnh sửa quy định về nhập khẩu phế liệu, trong đó quy định phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng quy định...

Hải quan có quyền tạm giữ người

Trước đó trong buổi sáng, tại phiên thảo luận Luật hải quan (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội đồng ý trao thẩm quyền cho lực lượng hải quan được truy đuổi, dừng phương tiện, tạm giữ và áp giải người vi phạm.

Đại biểu Võ Trọng Việt (tư lệnh Bộ đội biên phòng) cũng đề nghị cần mạnh dạn cho phép hải quan được trang bị những công cụ hỗ trợ, vũ khí tương ứng, bởi nếu không được trang bị thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan hải quan, công chức hải quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử” vì băn khoăn trình độ và điều kiện bảo đảm của nước ta. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải cải cách, đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai trong những năm qua, đến cuối năm 2013 đã có 50.100 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, chiếm hơn 96% số lượng doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trên toàn quốc, “cho thấy năng lực tiếp cận thủ tục hải quan điện tử của Hải quan Việt Nam và của các doanh nghiệp là khả thi, có cơ sở thực tiễn” - báo cáo viết.

Dự thảo luật sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa để Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này.

LÊ KIÊN - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên