03/03/2018 13:54 GMT+7

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Mig-21 sau 47 năm mất tích

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Một nhóm “tìm kiếm nghiệp dư” đã vừa tìm thấy mẫu vật nghi là của máy bay Mig-21 mất tích 47 năm trước. Chuyến đi tìm xuất phát từ tâm nguyện của TS toán học Nguyễn Lê Anh.

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Mig-21 sau 47 năm mất tích - Ảnh 1.

Nhóm người địa phương giúp TS Nguyễn Lê Anh tìm thấy một mẫu kim loại có dính dây điện, nghi là bộ phận của máy bay Mig - 21 rơi 47 năm trước - Ảnh: NVCC

Ngày 30-4-1971, máy bay Mig-21 thuộc trung đoàn không quân 921 trong khi bay huấn luyện trên bầu trời Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mất liên lạc và mất tích. 

Trên máy bay khi đó có phi công trẻ Công Phương Thảo và huấn luyện viên, đại úy không quân Liên Xô Poyarkov Yuri Nikolaevich.

Ông Poyarkov và phi công Thảo đã vì tất cả chúng ta, vậy nên có lẽ chúng ta nợ gia đình ông một câu trả lời. Bởi không ai phải bị quên lãng và không có điều gì có thể lãng quên...

TS Nguyễn Lê Anh

Các lực lượng chức năng đã tìm kiếm dài ngày nhưng không kết quả. Và thật bất ngờ, những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, nhóm tìm kiếm do TS toán học Nguyễn Lê Anh (63 tuổi, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) dẫn đầu đã tìm thấy mảnh vỡ nghi là bộ phận của máy bay Mig-21 ở khu vực phía bắc dãy Tam Đảo.

Tính toán của nhà toán học

TS Lê Anh cho biết bài viết về câu chuyện mất tích của phi công Liên Xô năm 1971 được đăng lên Facebook của nhóm và thu hút sự quan tâm, vì các thành viên trong nhóm đa số là những trí thức, người nghiên cứu khoa học, nhiều người từng học tập tại Nga.

"Thông tin về chiếc Mig-21 cùng 2 phi công mất tích ở Tam Đảo gần như không tìm thấy trên mạng. Chắp nối rất nhiều thông tin, tôi tạm đưa ra nhận định máy bay bị mất tích khi bay huấn luyện ở khu vực Tam Đảo trên đường chuẩn bị quay về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài)".

Sau khi thu thập, tính toán, TS Nguyễn Lê Anh nhận định: sự cố xảy ra khoảng 10h tới 12h ngày 30-4-1971. Ngày hôm ấy trời quang. Sự cố xảy ra do mất tín hiệu liên lạc. Khoảng thời gian cất cánh là 10h sáng...

Thời gian bay tới không vực tập bay là 5 phút. Thời gian bay tập là 10 phút. Sự cố xảy ra sau khi bài bay tập đã hoàn thành và Công Phương Thảo xin phép bay về.

Thời gian bay tập trong không vực là 10 phút. Độ cao bay từ 2.000-3.000m cách mặt đất. Dựa vào hướng của sân bay, TS Anh cho rằng để hạ cánh được máy bay phải bay ở độ cao 300m thấp dần trong khoảng 10km để tới đường băng. 

Như vậy nhiều khả năng trong khi hạ độ cao để hạ cánh thì máy bay đâm vào núi. 

Trong khu vực thì có dãy Tam Đảo, với độ cao khoảng 1.400m và khả năng đâm vào dãy Tam Đảo ở độ cao từ 1.300m trở lên, trong bán kính 10km, ở khu vực tây bắc của dãy Tam Đảo.

3 ngày tìm kiếm trong mưa, rét

Khi nhóm của TS Nguyễn Lê Anh xác định khả năng máy bay rơi ở phía bắc của Tam Đảo và chuẩn bị bắt đầu công việc kiếm tìm thì gần tết, một thành viên tên T. (quê ở Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết rất nhiều người ở quê anh đều nói thời điểm những năm 1970 và đến cả những năm 1990 có một số người ở xã Yên Mỹ, Đại Từ đã tìm thấy nhiều mảnh nhôm, vỏ máy bay trong rừng. Thậm chí, dân địa phương còn vào rừng mở lò, nấu nhôm lượm được.

Ngay sau tết, ngày 23-2, nhóm của TS Anh gồm 4 người lên Đại Từ, gặp 4 người dân "thổ công, thổ địa" am hiểu rừng núi trong vùng. Trong số này có ông P., từng tham gia lượm, nấu nhôm năm 1997.

"Hai ngày liền tìm kiếm trong mưa rả rích, rét tê tái vẫn không có kết quả. Cứ vừa đi vừa phát quang, những sườn dốc, bờ suối. 

Trong nhóm, có người bị cao huyết áp, người thì có dấu hiệu xuống sức và cũng vì "bế tắc" khi tìm kiếm cả ngày không thấy tín hiệu gì nên phải rút ra ngoài. Đến cuối ngày kiếm tìm thứ hai thì nhóm chỉ còn tôi với 4 người dân dẫn đường" - TS Anh kể lại.

Sang ngày thứ ba, các thành viên đều bị ngấm nước mưa, rét và đuối sức hơn. Đến khoảng 14h, nhóm đến khu vực nấu nhôm hồi năm 1997. 

Nhôm đã bị nấu sạch, không còn dấu vết. May sao, TS Anh phát hiện có 2 đầu dây điện lấp ló trên mặt đất. Bới và kéo lên thì hiện ra một mảnh nhôm bật lên. 

"Lúc đó khoảng 15h ngày 26-2, tôi như vỡ òa vì sung sướng!" - TS Nguyễn Lê Anh kể.

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Mig-21 sau 47 năm mất tích - Ảnh 3.

TS Nguyễn Lê Anh - Ảnh: NG.KHÁNH

Không ai bị lãng quên...

Vậy động cơ gì khi một nhóm người không quen biết lại quyết tâm vào cuộc, kiếm tìm phi công và máy bay Mig-21 đã mất tích 47 năm?

"Chỉ là một comment vu vơ vào Facebook của nhóm thôi, nhưng sau đó mình thấy day dứt và quyết phải làm gì đó, dù mình cũng như anh chị em trong nhóm chẳng liên quan gì đến không quân, càng không quen biết, liên quan gì đến hai phi công trên máy bay mất tích và thân nhân của họ. 

Máu mê toán học và đặc biệt là tình cảm với người dân Xô viết, hơn nữa mình từng là quân nhân nên mình quyết định sẽ vào cuộc" - vén hai tay áo để lộ những vết xước chi chít do những ngày băng rừng leo núi, TS Nguyễn Lê Anh nói.

TS Nguyễn Lê Anh từng học toán học ở Nga, sau đó mới về công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Nay đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia một số nhóm Facebook. 

Một ngày đầu năm 2018, một người bạn trong nhóm có nhắc lại một status đã đưa lên Facebook của nhóm từ ngày 26-9-2017, với tựa đề "Không ai được lãng quên, không gì được lãng quên", nói về một cô gái Nga là cháu gái của một sĩ quan Xô viết đã mất tích tại Việt Nam năm 1971 đang nỗ lực tìm dấu vết người ông của mình.

Đó là ông Poyarkov Yuri Nikolaevich (sinh năm 1933) là đại úy, là trung đoàn phó không quân của đơn vị không quân của Liên Xô làm nhiệm vụ ở Việt Nam với vai trò phi công huấn luyện. Ngày 30-4-1971, trong một chuyến bay tập, máy bay của ông đã bị rơi. Và từ đó đại úy Poyarkov được coi là mất tích.

"Ông Poyarkov và phi công Thảo đã vì tất cả chúng ta, vậy nên có lẽ chúng ta nợ gia đình ông một câu trả lời. Bởi không ai phải bị quên lãng và không có điều gì có thể lãng quên... Mình từng học ở Nga, lại từng là một quân nhân. Đó là động cơ để mình vào cuộc tìm kiếm..." - ông Nguyễn Lê Anh tâm sự.

Xác 2 người lính ở đâu?

TS Nguyễn Lê Anh bày tỏ dự định: "Chúng tôi sẽ sớm trở lại hiện trường để tìm, xác định chính xác vị trí máy bay rơi.

Đồng thời cố gắng làm rõ: khi rơi, phi công có bung dù không? Nếu có tử nạn thì xác ở đâu và phải tiếp tục tìm kiếm xác..." - TS Nguyễn Lê Anh nói.

Ông Nguyễn Lê Anh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc, nhất là tìm kiếm được hai phi công mất tích.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên