18/02/2005 21:08 GMT+7

Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ: Ấn tượng từ lối viết mới

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Cuối tháng 1-2005, Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã trao giải cho cuộc thi truyện ngắn 2003-2004 (thu hút 1.900 tác giả với hơn 2.000 truyện dự thi). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trung Trung Đỉnh, Phó tổng biên tập Báo Văn Nghệ về cuộc thi này.

qU7GbyZq.jpgPhóng to
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
Cuối tháng 1-2005, Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã trao giải cho cuộc thi truyện ngắn 2003-2004 (thu hút 1.900 tác giả với hơn 2.000 truyện dự thi). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trung Trung Đỉnh, Phó tổng biên tập Báo Văn Nghệ về cuộc thi này.

* Những vấn đề nhân sinh mà các truyện ngắn đoạt giải đặt ra có gì mới, thưa ông?

- Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Trong ba giải nhất của cuộc thi, Ván bài tỷ điểm tử của Bão Vũ mô tả hai tùy tùng của một hoàng triều tàn lụi, sau nửa thế kỷ gặp lại nhau và sự nhếch nhác, lở lói của vương triều cuối cùng hiện ra dần dần qua những hồi ức. Thực ra đây là canh-bạc-đời mà cả hai ông đều thua khi chủ soái của họ chỉ còn như một gã Thúc Sinh. Giọng văn khi mỉa mai, khi cảm khái, truyện được dẫn dắt khá biến ảo và lắt léo lồng trong truyện kể về hai ván bài cách nhau 50 năm, kẻ thua mất sạch đã đành, nhưng người thắng cũng trở thành cháy túi, gợn mãi trong ta cái vị đắng thẫm đẫm nỗi đời.

Cơn mưa hoa mận trắng của Phạm Duy Nghĩa nói về cuộc sống của những người giáo viên "cắm bản" để đưa văn hóa về vùng sâu vùng xa. Hàng ngày cuộc đấu tranh của họ không chỉ có công việc mà còn là sự đối đầu với lạc hậu, buồn chán, cô đơn và cả cái bản năng đang muốn bung phá.

Như gốc cội xù xì với giọng văn mộc mạc của Hà Thị Cẩm Anh là câu chuyện về di họa chiến tranh, để lại nhiều day dứt.

* Về mặt nghệ thuật, những truyện ngắn dự thi kỳ này có gì nổi bật so với các cuộc thi trước?

- Bên cạnh lối dựng truyện cổ điển với giọng văn mượt mà, chỉn chu, cuộc thi đã xuất hiện những lối viết mới. Văn phong không tìm đến sự tỉa tót, óng mượt mà nhắm đến lột tả và gợi, đặc biệt ngôn ngữ của nó mang đậm dấu ấn thời vi tính. Trước đây có tác giả phải dùng đến yếu tố tục (nói tục, cảnh tục) để gây hấp dẫn. Nhưng những truyện loại mới này không tính đến tục hay không tục, chợ búa hay không chợ búa mà nhằm tới sự chân xác. Nó đong đưa mà có mục đích, nó sóng sánh mà sắc cạnh.

Có một số truyện, bố cục như không có bố cục, cốt truyện được làm mờ nhòe. Vì thế, tình huống truyện không chua chát bằng lối cũ, kịch tính cũng không gay cấn bằng lối cũ, hoặc không tạo kịch tính. Nó không làm ta khóc hoặc cười nhưng nó ám ảnh ta ghê gớm. Nhiều tác giả tránh sự dàn trải, viết trong trạng thái dồn nén.

Cũng có một số truyện lại cố tình tạo ra sự rậm rạp nhưng chừng mực, có lớp lang, xa gần để không đưa người đọc đến chỗ "thấy cây mà không thấy rừng". Không khí thời đại ảnh hưởng đến người viết và cả người đọc, nhịp điệu tiết tấu trong nhiều truyện nhanh và cũng rất nhiều truyện ngắn không có đối thoại, sử dụng đối thoại rất hạn chế, song hiệu quả thẩm mỹ lại khá cao.

* Sự xuất hiện của các tác giả trẻ gây ấn tượng gì, thưa ông?

- Do ảnh hưởng tốt từ nền công nghệ mới, họ không muốn lặp lại các bậc tiền bối mà muốn tiếp thu một cái gì đó mới mẻ hơn từ bên ngoài. Văn của Nguyễn Thị Như Khanh hồn nhiên trong sáng. Văn của Trần Nhật Linh sớm chín chắn, từng trải và định hình. Sự xuất hiện của họ khiến chúng ta vui mừng và kỳ vọng.

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên