19/11/2012 06:24 GMT+7

"Cuộc chiến" sếp - nhân viên

HỮU CÔNG - HẢI THI
HỮU CÔNG - HẢI THI

TT - 300 bạn trẻ có mặt tại báo Tuổi Trẻ sáng 18-11 dự buổi nói chuyện “ứng xử với... sếp”, nội dung mà bà Lê Quỳnh Thư - giám đốc Công ty truyền thông - giải trí Vietlink - đã ví von: đôi khi đó là một... cuộc chiến.

OSc1ix0R.jpgPhóng to
Ông Lý Trường Chiến (trái), chuyên gia tư vấn cao cấp, trao đổi với các bạn trẻ tại buổi giao lưu sáng 18-11 - Ảnh: MINH ĐỨC

Ba vị khách mời còn lại là ông Lý Trường Chiến - chuyên gia cao cấp tư vấn quản trị doanh nghiệp, bà Đường Thu Hương - giám đốc điều hành và đối ngoại Quỹ đầu tư IDG Ventures VN và bà Đỗ Thị Thúy Hằng - giám đốc điều hành ivivu.com.

Mâu thuẫn muôn thuở

Đấu cờ với sếp, chọn thắng hay thua?

Ông Lý Trường Chiến đặt ra tình huống với các bạn trẻ: “Bạn và sếp là hai đối thủ ở vòng chung kết một cuộc thi đánh cờ do cơ quan tổ chức để tranh nhất nhì, bạn chọn thắng hay thua?”. Mọi người đã cười ồ.

Sau hai luồng ý kiến tranh luận sôi nổi, ông Chiến đồng tình với cách giải quyết của Trần Mỹ Hạnh - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Nguyễn Hồ Bảo Xuyên - nhân viên thẩm định giá, rằng: “Hãy giữ thể diện cho sếp trước nhiều nhân viên khác. Còn việc bạn có thực tài hay không thời gian sẽ chứng minh thôi!”.

“Khi làm lính (nhân viên - PV), tôi nghĩ lính luôn đúng vì ngoài tính sáng tạo, linh hoạt, lính trẻ có sự cọ xát thực tế hơn so với các sếp... trên cao. Đến khi làm sếp, tôi lại có cơ sở bảo vệ quan điểm của mình trước lính vì dày dạn kinh nghiệm hơn, hiểu rõ chủ trương, đường lối của công ty hơn. Mâu thuẫn muôn đời trong mối quan hệ sếp - lính thường bắt nguồn từ đó” - bà Lê Quỳnh Thư chia sẻ với các bạn trẻ tham dự chương trình.

Giữa sếp và lính luôn có những khoảng cách, không kể tính chất của chiếc ghế đang ngồi thì đã có độ chênh về tuổi tác, quan điểm sống và làm việc nên mâu thuẫn là không tránh khỏi. Mâu thuẫn thường bắt nguồn từ việc “truyền thông” kém là nút thắt được ông Lý Trường Chiến đưa ra.

Với tình huống bị sếp... giội nước lạnh vào tâm huyết đã dành cho công việc, bà Quỳnh Thư nhắn nhủ các bạn cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, sau đó tìm cơ hội góp ý với sếp hoặc xin thêm cơ hội thể hiện. Bà cũng dẫn chứng đã bàng hoàng ra sao khi một nhân viên khóc tức tưởi trước mặt bà, đại diện các nhân viên khác trong phòng góp ý về sự thờ ơ của bà trước nỗ lực của các bạn. “Hình ảnh đó khiến tôi nhận ra: sếp không chỉ quản lý về lĩnh vực chuyên môn mà quan trọng hơn, phải là một lãnh đạo về tinh thần” - bà chiêm nghiệm.

Ngổn ngang trăm mối

Giải tỏa băn khoăn lẫn lộn tình cảm trong quan hệ công việc của anh Phùng Vân Minh Triều (huyện Củ Chi, TP.HCM), ông Lý Trường Chiến bày tỏ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ!”. Ông nhấn mạnh con người chỉ thật sự là con người khi có tình cảm. Còn chuyện để tình cảm ảnh hưởng đến công việc như thế nào thì phụ thuộc vào bản lĩnh cá nhân.

“Không được! Cái này phải cãi lại thầy Chiến một chút!” - bà Đường Thu Hương lên tiếng. Theo bà, không thể nói những người không ủng hộ chuyện tình cảm trong công việc là người thiếu bản lĩnh, bởi điều này nằm ở chỗ mình có đang muốn thực hiện một nguyên tắc hay không. Bà Hương đơn cử: “Tôi cũng là người có bản lĩnh trong việc kiểm soát tình cảm. Nhưng nếu có bản lĩnh thôi mà không có kỷ cương thì không được”. Phần tranh luận của hai diễn giả làm khán giả thú vị.

Tiếp đó, chàng sinh viên sắp tốt nghiệp Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM Lê Đức Tín thắc mắc: “Trong túi tiền hạn hẹp của người mới đi làm, có nên đầu tư vào mối quan hệ với sếp hay đồng nghiệp? Chuyện gần gũi với sếp phải nên thế nào để không bị lời ong tiếng ve?”.

Để làm cho sếp “cần” mình, bà Đỗ Thị Thúy Hằng mách nước hãy làm việc hơn sức của mình, vượt sự mong đợi của tất cả mọi người. “Việc trở thành một người mà sếp và các đồng nghiệp xung quanh luôn cần đến ý nghĩa hơn nhiều việc thu hút sự quan tâm của sếp thông qua những buổi cà phê hay gặp gỡ riêng bên ngoài” - bà Hằng nói. Còn để tránh những lời dị nghị không đáng có, bà Hương chỉ dẫn thay vì cứ phải gặp riêng sếp, chúng ta có thể thực hiện thông qua những hình thức trao đổi chính thống khác như email, nhắn tin hoặc gọi điện.

Tư vấn bỏ túi

1. Phải làm gì khi bị đồng nghiệp nói xấu với sếp? (Phạm Thị Kim Dung, nhân viên công ty sản xuất nước uống)

Ông Lý Trường Chiến: Khi nghe những điều không hài lòng từ phía ai thì hãy tìm cách nói chuyện trực tiếp với người đó để giải quyết rốt ráo vấn đề, tránh những hiểu lầm hay thông tin bị tam sao thất bổn.

2. Giải quyết thế nào khi sếp giao việc cho mình nhưng đồng thời cũng giao công việc đó cho một người khác? (Nguyễn Ngọc Anh Thư - Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM)

Bà Lê Quỳnh Thư: Điều này thể hiện sếp không tôn trọng hoặc chưa tin vào khả năng của nhân viên. Cho nên vấn đề nằm ở chỗ phải thể hiện mình làm tốt ở công việc được giao. Có thể xảy ra trường hợp này một lần, hai lần, nhưng chắc chắn sẽ không xảy ra ở những lần tiếp theo khi bạn đã làm rất tốt công việc ở hai lần đầu tiên và cho sếp thấy bạn có thể làm công việc đó tốt hơn những người khác.

3. Ứng xử thế nào khi sếp hỏi về thói xấu của đồng nghiệp? (Phan Thị Ánh Diệu, nhân viên bất động sản)

Bà Đường Thu Hương: Phải nhìn nhận sếp hỏi điều đó để xây dựng cho nhân viên hay để thử mình có phải là người buôn chuyện. Tôi ủng hộ sự trung thực trong mọi vấn đề. Hãy luôn đưa ra sự góp ý chân tình để sếp thấy rằng mình cần đi hỏi trực tiếp người kia.

HỮU CÔNG - HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên