25/06/2016 06:00 GMT+7

CSGT xử phạt ra sao trước bằng chứng người dân cung cấp?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN

TTO - Người dân đi đường thấy vi phạm giao thông có quyền ghi lại và trình báo để các cơ quan chức năng xử lý?

K
Khi thấy những vi phạm giao thông như thế này, liệu người dân có quyền tố cáo? - Ảnh: Ngọc Hiển

Hội nghị triển khai nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm giao thông do Tổng cục Đường bộ VN tổ chức ngày 22-6 tại Sở GTVT TP.HCM có đề cập đến việc tăng cường sự giám sát của nhân dân thông qua việc người dân được quyền ghi hình những hành vi vi phạm, từ đó cảnh sát giao thông sẽ thu thập tư liệu, xác minh và xử lý người vi phạm.

Trước đó đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề liệu rằng người dân có được cung cấp bằng chứng và tố cáo vi phạm giao thông hay không hay đó chỉ là đặc quyền của cảnh sát giao thông (CSGT)?

Rất nhiều ý kiến người dân đồng tình cho rằng việc tăng cường giám sát của người dân sẽ góp phần làm giảm tai nạn, ổn định trật tự giao thông.

Đột phá khi người dân cung cấp bằng chứng vi phạm 

Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng việc thu thập chứng cứ về các hành vi vi phạm giao thông không nên là độc quyền của riêng CSGT.

Nên tạo điều kiện về luật pháp để người dân hoặc các tổ chức có thể dùng các phương tiện ghi hình, ghi âm hiện đại như máy quay phim, máy chụp ảnh, điện thoại, máy ghi âm… để ghi lại hành vi vi phạm giao thông, sau đó gửi đến cơ quan chức năng để họ xử lý.  

Theo LS Bùi Quang Nghiêm, việc này không những giúp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm để có các hình thức xử lý răn đe kịp thời mà còn giúp tăng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, trật tự giao thông sẽ ổn định hơn khi người tham gia giao thông luôn có ý thức tuân thủ luật giao thông mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ tuân thủ khi thấy bóng dáng CSGT.  

Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc người dân ghi hình hành vi vi phạm, từ đó CSGT thu thập, xác minh và xử lý vi phạm thì đây sẽ là một nội dung có tính chất đột phá.

Bởi lẽ, số lượng CSGT không thể bao quát được tất cả các đoạn đường, cũng như kiểm tra tình trạng tham gia giao thông của tất cả người dân và xử lý mọi vi phạm.

“Việc người dân cung cấp thông tin về vi phạm được xem là sự phối hợp có ý nghĩa, người dân sẽ có thể tự bảo vệ bản thân và bảo đảm an ninh trật tự. Thêm vào đó, họ cũng sẽ có niềm tin hơn vào các quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định pháp luật thì việc ghi hình luôn được xem là một nguồn chứng cứ quan trọng trong việc xử lý vi phạm, đồng thời giúp người vi phạm thấy được hành vi của mình và đạt được mục đích giáo dục” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Khi thấy những phương tiện không đảm bảo an toàn như thế này chạy trên đường phố liệu người dân có quyền tố cáo? - Ảnh: T.M

Hình ảnh các phương tiện không đảm bảo an toàn lưu thông trên phố được người dân chụp lại - Ảnh: T.M.

 

Bằng chứng của người dân cần được xác thực

Theo LS Bùi Quang Nghiêm, người cung cấp bằng chứng về các vi phạm giao thông phải chứng minh được bằng chứng của mình là xác thực. Trước khi căn cứ vào bằng chứng người dân cung cấp về hành vi vi phạm Luật giao thông phải có bước xác minh, kiểm định độ chính xác của bằng chứng.

“Phương tiện kỹ thuật hiện đại bây giờ có thể nhận biết rất nhanh đoạn phim hay tấm hình đã chụp là thật hay đã qua chỉnh sửa. Người bị phát hiện làm giả bằng chứng phải bị xử lý theo tội vu khống người khác theo Luật hình sự” - LS Bùi Quang Nghiêm nói.

Mặt khác, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng việc người dân cung cấp bằng chứng vi phạm giao thông cũng tồn tại một số mặt tiêu cực.

“Cần phải nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng hình ảnh đưa lên các trang thông tin xã hội nhằm mục đích không tốt như xuyên tạc, vu khống, cho rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Một hành vi chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi đã có quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Có nên trả tiền cho người cung cấp bằng chứng?

Việc nên hay không nên trả tiền cho người cung cấp bằng chứng vi phạm như một hình thức trao đổi thông tin cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

LS Bùi Quang Nghiêm cho rằng sau khi người vi phạm giao thông đã bị xử phạt hành chính, có thể trích lại một phần số tiền xử phạt này cho người cung cấp bằng chứng để khuyến khích người dân tố giác vi phạm.

Tuy nhiên LS Nguyễn Hữu Thế Trạch lại cho rằng không nên áp dụng hình thức trả tiền cho người dân như một hình thức mua thông tin.

“Bởi trách nhiệm của công dân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật là phải tố giác. Nếu sử dụng hình thức trả tiền sẽ không còn bảo đảm tính công bằng, dẫn đến tình trạng “thương mại hóa” việc tìm kiếm các hành vi vi phạm pháp luật” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch.

Nên khuyến khích người dân tố cáo cả vi phạm của CSGT

Nhiều người cũng cho rằng đồng thời với việc khuyến khích người dân tố cáo vi phạm giao thông, cũng nên tạo điều kiện cho họ tham gia tố cáo tiêu cực của CSGT.

Vào năm 2014, thượng tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, khẳng định với báo Tuổi Trẻ là sẽ luôn hoan nghênh, khuyến khích người dân, cơ quan báo đài cung cấp thông tin, chứng cứ liên quan đến những tiêu cực của cán bộ CSGT.

Theo LS Thái Văn Chung, quyền ghi hình, chụp hình là quyền của công dân, từ trước đến nay không có bất kỳ quy định nào cấm công dân ghi hình chụp hình, ngoại trừ các trường hợp chụp hình ghi hình liên quan đến đời tư cá nhân, bí mật nhà nước, an ninh quốc phòng.

Trước đây, Cục CSGT đường bộ - đường sắt có công văn 1042 quy định về việc quay phim, chụp ảnh CSGT, trong đó có nêu nhiệm vụ của CSGT: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp thì công văn này có dấu hiệu sai trái và vượt quá thẩm quyền. Chính vì vậy, ngày 23-8-2013, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã có công văn số 2315 về việc hủy điểm 2 trong công văn số 1042.

Còn theo LS Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), nên có những quy định cụ thể hơn để khuyến khích người dân tham gia công tác đấu tranh phòng ngừa tai nạn giao thông cũng như tố giác những tiêu cực của CSGT.

“Bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào công dân cũng có quyền khiếu nại, tố cáo” - LS Trần Ngọc Quý cho biết.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài: 

>> LS Bùi Quang Nghiêm: 

>> LS Trần Ngọc Quý: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục