16/09/2016 07:30 GMT+7

CSGT cẩu xe khi có người bên trong, đúng hay sai?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Câu chuyện cảnh sát giao thông (CSGT) cẩu một chiếc xe có người phụ nữ đang ngồi bên trong gây xôn xao dư luận. Có được cẩu xe khi có người bên trong hay không?

Cả xe và tài xế được kéo về Trạm CSGT Ngã ba Thái Lan để xử lý theo quy định - Ảnh: CTV

Cả xe và tài xế được kéo về Trạm CSGT Ngã ba Thái Lan để xử lý theo quy định - Ảnh: CTV

Vụ việc xảy ra vào ngày 13-9, khi bà Trần Thị Hà, 36 tuổi, ngụ thị xã Long Khánh, điều khiển ôtô vượt đèn vàng và bị bộ phận CSGT ra hiệu dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ.  Tuy nhiên, bà Hà không chấp hành và bất ngờ tăng tốc bỏ chạy.

Sau đó, theo CSGT tổ CSGT truy đuổi kịp và tiếp tục yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ nhưng bà Hà vẫn không hợp tác, không chịu ra khỏi xe.

Sau một hồi thuyết phục không thành, lực lượng chức năng đã điều xe cẩu kéo cả xe và tài xế về Trạm CSGT Ngã ba Thái Lan để xử lý theo quy định.

Có nhất thiết phải cẩu xe?

Nhiều người cho rằng phải “cẩu xe” như vậy mới là cương quyết thực thi luật pháp, nhưng theo PGS.TS Phùng Trung Tập - giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội thì hình ảnh đó rất phản cảm, CSGT đã đi quá giới hạn thẩm quyền của mình.

Theo ông Phùng Trung Tập, không nhất thiết phải có những cách giải quyết như vậy. Trong khi ta còn nhiều biện pháp khác để xử lý.

Trong trường hợp người vi phạm luật giao thông không tuân thủ hiệu lệnh, CSGT có thể áp dụng nhiều cách xử lý khác như ghi lại biển số, từ đó tìm ra chủ sở hữu phương tiện để xử phạt hành chính, không nhất thiết phải xử lý ngay tại chỗ.

“Việc “cẩu xe” như vậy thứ nhất là không cần thiết, vì phương tiện không có dấu hiệu cản trở giao thông. Thứ hai là ảnh hưởng đến thân thể, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người đang ngồi trên xe. Thứ ba là phản cảm, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh văn minh đô thị” - ông Phùng Trung Tập phân tích. 

Lực lượng CSGT yêu cầu bà Hà xuất trình giấy tờ nhưng nữ tài xế vẫn “cố thủ” trên xe không hợp tác - Ảnh: CTV

Lực lượng CSGT yêu cầu bà Hà xuất trình giấy tờ nhưng nữ tài xế vẫn “cố thủ” trên xe không hợp tác - Ảnh: CTV


Chưa có quy định cụ thể

Theo tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về trường hợp tạm giữ phương tiện (cẩu xe) mà có người đang ở trong xe.

Pháp luật chỉ có quy định riêng về các trường hợp tạm giữ người hoặc tạm giữ phương tiện.

Về việc tạm giữ người, theo quy định tại các Điều 119, 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp tạm giữ người hoặc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi người đó có một số hành vi như gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

Việc tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Việc tạm giữ phương tiện chỉ được áp dụng để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Ngoài ra, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển vi phạm.

Giải quyết sao nếu không hợp tác?

Đặt tình huống nếu người trong xe không mở cửa ra ngoài, từ chối đối thoại với lực lượng CSGT thì CSGT có quyền xử lý hay không?

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết trong mọi trường hợp, người dân khi tham gia giao thông cần phải chấp hành mệnh lệnh của nhân viên CSGT như trả lời, cung cấp các giấy tờ cần thiết khi CSGT yêu cầu.

Nếu như CSGT thực hiện không đúng quy trình thì công dân có quyền khiếu nại hành vi của người CSGT đó.

Nếu người vi phạm không cung cấp hoặc từ chối yêu cầu, CSGT phải căn cứ vào các quy định của ngành mà xử lý.

“Tuy nhiên, đối với trường hợp có người ngồi trong phương tiện thì cần đặt tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển lên trước tiên. Đừng quá cứng nhắc xử lý mà để xảy ra nhiều hệ quả đáng tiếc. Có những hệ quả mà chúng ta sẽ không thấy trước được và không mong muốn xảy ra”, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cảnh báo.

LS Lê Quang Vũ cho rằng trong những trường hợp cần phải đưa ôtô trụ sở cảnh sát giải quyết để tránh ùn tắc giao thông mà có người vẫn cố thủ trong xe,  CSGT cần bình tĩnh khéo léo để thuyết phục người dân ra khỏi xe, tránh tình trạng phải cẩu xe có cả người bên trong không an toàn vì có thể gây nguy hiểm cho người ngồi trên xe.  

"Nhiều vụ việc từng xảy ra trước đây như vụ hai cô gái tranh tranh luận với CSGT ở Phú Quốc cho thấy việc CSGT trình bày rõ ràng, hợp lý để người vi phạm có sự hợp tác với CSGT thì thuyết phục hơn rất nhiều so với những biện pháp mang tính cưỡng chế, ép buộc" - LS Lê Quang Vũ nói. 

Luật sư Phạm Công Út cũng khẳng định hiện nay không có bất cứ một văn bản pháp luật nào qui định cụ thể về việc cho phép CSGT cẩu xe khi trong xe đang có người. 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Công Út, căn cứ quy định tại điều 5, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an về quyền hạn của CSGT thì CSGT được phép áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc “những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật”.

Như vậy trong trường hợp này, có thể khẳng định việc CSGT cẩu xe khi có người trong xe chỉ là một hình thức của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính. 

Nhiều tranh luận trái chiều

Nhiều bạn đọc bày tỏ những ý kiến trái chiều về tình tiết CSGT cẩu xe khi trong xe đang có người, có người cho rằng CSGT cứng nhắc và lạm quyền, có người lại quan niệm cần phải có cách xử lý cứng rắn để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Bạn đọc Sao Băng nói: “Việc nào ra việc đó, nếu các anh ấy làm đúng quy định thì nên hoan nghênh, sai thì có pháp luật, cấp trên xử lí (có quay video lại mà, nên công bố để rõ trắng đen). Đừng mượn việc này để làm xấu hình ảnh người khác, nên nhớ không phải là tất cả công an giao thông làm sai”.

Ở chiều hướng ngược lại, một bạn đọc cho rằng: “Hiện nay, việc xử phạt lỗi đèn vàng đang gây tranh cãi, do đó không thể “mạnh tay”, “quyết liệt” hay “cứng rắn”, “nghiêm khắc” trong cách xử lý được, cần mềm mỏng hơn, có thể là nhắc nhở thôi. CSGT đừng dùng lỗi bé xé ra to như vậy”.

Đa số các bạn đọc đều cho rằng mỗi bên đều có lỗi và đều có lý lẽ của riêng mình. Cần đưa vụ việc ra điều tra, xét xử công khai thì mới có thể làm rõ bên nào đúng nhiều hơn, bên nào sai nhiều hơn.

Mời bạn đọc nghe phát biểu trong bài:

>> PGS.TS Phùng Trung Tập: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục