12/06/2016 09:59 GMT+7

Crimea du ký: Người lập dị ở quảng trường Nakhimov

PHAN XUÂN LOAN
PHAN XUÂN LOAN

TTO - Có hình ảnh mà một số người cho là “hâm” nhưng nói lên khá rõ tinh thần dân tộc của người Sevastopol.

Ông Vitali thực hiện nghi thức lần thứ 450 - Ảnh: P.X.L.
Ông Vitali thực hiện nghi thức lần thứ 450 - Ảnh: P.X.L.

Trưa 29-5 tại quảng trường Nakhimov, đang hào hứng xem một đoàn đua xe đạp về đích thì ở bên kia quảng trường, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông nghiêm trang giương cờ (một lá cờ có hình ngôi sao và cả búa liềm) đứng chờ cho đến khi đoàn xe đạp đi qua.

“Những người con của chiến tranh”

Khi những chiếc xe đạp cuối cùng và những chiếc ôtô hộ tống đã rời đi, ông già cẩn thận băng qua đường, tay giương cờ, đi thẳng tới tượng đài Nakhimov. Trong nét nghiêm trang, ông lột mũ, quỳ xuống khá lâu trước tượng đài trước khi đứng dậy cầm cờ đi quanh quảng trường, chỉ một mình.

Nhiều du khách tò mò nhìn và rồi tôi tiến đến hỏi về con số 450 ông mang trên ngực.

Người đàn ông tên Vitali Danilovich Kalf kể đây là một trong những hoạt động của ông và những người tình nguyện khác từ gần hai năm qua. 

Việc này nhằm hai mục đích: 1/ Ủng hộ Crimea, Sevastopol về với Nga; 2/ Tưởng nhớ những người Nga đã hi sinh trong Chiến tranh thế giới thứ hai để bảo vệ Tổ quốc và nhân loại khỏi ách phát xít, và để nhắc nhở thế hệ trẻ về hiểm họa này mà những diễn tiến ở Ukraine đã nói lên điều đó...

Ông bảo mục đích thứ nhất thì đã đạt được rồi, nhưng mục đích thứ hai thì chưa, nên ông và bạn bè - “những người con của chiến tranh” - sẽ luân phiên nhau nhắc nhở mỗi chủ nhật, cho đến khi hết sức... 450 là số lần các ông thực hiện nghi thức này, cho đến tận chủ nhật 29-5 vừa qua...

Hình ảnh này khiến người ta hiểu hơn vì sao ông Vladimir Putin nhanh gọn sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol trở lại Nga trong chớp nhoáng của tháng 3-2014.

Mà lịch sử Crimea đầy biến động (14 cuộc chiến tranh tổng cộng, bởi “ai kiểm soát Crimea sẽ kiểm soát biển Đen”) đã giải thích vì sao bán đảo này luôn sục sôi.

Chuyện bên vịnh Sevastopol

Đi đến đâu ở Sevastopol bạn cũng có thể gặp những nhắc nhở lịch sử của thành phố mà người Nga rất tự hào này.

Cũng không phải tự nhiên mà Sevastopol, từ thời Ukraine, đã có một quy chế đặc biệt: thời Ukraine thì Sevastopol được trung ương trực tiếp được cai quản, còn hiện nay Sevastopol là một chủ thể trực tiếp thuộc liên bang bởi vị trí chiến lược của mình.

“Danh thiếp” của thành phố là tượng đài “Những chiếc thuyền bị nhận chìm” ngay trong vịnh Sevastopol.

Tượng đài nhắc về cuộc chiến tranh Crimea 1854-1855 giữa Nga và liên minh Anh, Pháp. Để ngăn hạm đội phương Tây tiến vào bán đảo, người Nga khi đó đã cho nhận chìm hơn 80 chiếc tàu ngay cửa vịnh.

Đó là chuyện xưa. Còn chuyện nay, bà Tachiana Aleksandrovna Soldatova - hướng dẫn viên du lịch - chỉ về phía cửa vịnh kể lại câu chuyện mà truyền thông Nga tháng 4-2014 đã đưa tin nhưng không được nhắc nhiều trên báo chí phương Tây:

“Trong cao điểm căng thẳng giữa Crimea và Ukraine tháng 4-2014, Mỹ đã đưa tàu khu trục Donald Cook vào biển Đen. Đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Donald Cook có mặt tại đây từ tháng 2 để tham gia tập trận.

Tuy nhiên sau khi tập trận xong, Donald Cook chưa vội rời khu vực, mà tiến về phía vịnh Sevastopol. Cần nhắc là Donald Cook được trang bị hệ thống phòng không chống tên lửa và tên lửa hiện đại Tomahawk.

Phía Nga phản ứng mạnh bằng cách cho máy bay ném bom Su-24 lượn 12 vòng trên Donald Cook vào ngày 12-4-2014. Sau cuộc “so găng” này, Donald Cook lặng lẽ quay về Romania.

Vài ngày sau đó, báo chí Nga loan tin chiếc Su-24 đã làm tê liệt hệ thống điện tử của Donald Cook. Có thể do bức xạ điện từ quá mạnh đã vô hiệu hóa các thiết bị điện tử này, kể cả hệ thống rađa”.

Điều đó thì cũng khó ai kiểm chứng nhưng người Nga chỉ cần biết như thế và tự hào như thế!

Cuối chuyến tham quan, chúng tôi đọc được trên các phương tiện truyền thông Nga cuộc tranh cãi giữa tổng thống Nga và cố vấn của ông, chuyên gia kinh tế tài chính uy tín hàng đầu Nga A. Kudrin.

Đại khái ông Kudrin cho rằng đã đến lúc nước Nga bớt chú ý vào “sự căng thẳng địa chính trị” để tập trung vào phát triển kinh tế. Nhưng tổng thống Nga không đồng tình, khẳng định Nga sẽ không “mặc cả chủ quyền vì những lợi ích kinh tế”.

Nhìn từ bán đảo Crimea, có thể thấy cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ không dễ dàng chấm dứt, ít ra là dưới thời Tổng thống Putin.

Điều tôi vẫn chưa làm được trong chuyến tham quan là trò chuyện với người Tatar, chiếm khoảng 10% dân số, xếp thứ ba ở Crimea (chỉ sau người Nga và Ukraine), dù cuộc tham quan cũng đưa du khách tới nơi từng là cung điện của Hãn quốc, Bakhchisaray, được xây dựng từ thế kỷ 16.

Đây là nơi người Tatar Crimea sinh sống làm ăn cho đến khi bị Stalin trục xuất năm 1944.

Giờ cung điện chỉ còn lại những ngôi nhà gỗ cũ, được bảo dưỡng nhưng không đủ nhắc lại quá khứ vàng son, kể cả đài phun nước Bakhchisaray được A. Pushkin đưa vào thơ và được người Tatar tự hào như một địa danh văn hóa...

Nhìn bề ngoài, cuộc sống của người Tatar ở Crimea hiện nay không khác nhiều so với người Nga. Có khác chăng là họ chiếm phần lớn những người buôn bán ở các điểm tham quan, du lịch.

Tôi vẫn nhớ ánh mắt một người Tatar như thế, khi một nữ du khách Nga trong đoàn vô tình hất nước ngang khay thịt ông đang nướng để bán cho du khách. Hai người nói qua lại vài câu, và ánh mắt của ông khi ấy, còn đọng lại trong ký ức của tôi, có chút gì đó ẩn nhẫn, buồn...

Để thoát khỏi tình trạng khan hiếm nước (Ukraine đã cắt cung ứng nước tới Crimea theo tuyến bắc Crimea từ tháng 4-2014) và điện chập chờn hiện nay do lệ thuộc Ukraine, tạm thời Nga tiến hành đào giếng để lấy nước ngọt và sửa chữa các đường nước để tránh thất thoát.

Kế hoạch lọc nước biển cũng được xem xét nhưng gặp khó khăn do đắt đỏ. Các kế hoạch cung ứng điện cho Crimea từ nhà máy điện hạt nhân ở Rostov cũng đang được nghiên cứu.

Do lưu lượng tàu phà ngang qua eo biển Kerch đang ngày càng lớn, Nga tiến hành xây cầu bắc qua eo biển. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ khánh thành đường ôtô, và năm 2019 có đường sắt.

Còn hiện nay, Crimea vẫn trong “giai đoạn chuyển tiếp”, mà dự kiến phát triển hạ tầng cộng hòa tự trị này sẽ cần từ 500-900 tỉ rúp, một con số không nhỏ trong hoàn cảnh cấm vận kinh tế.

Vì thế, Nga chủ trương “duy trì hợp tác tối đa với các đối tác Ukraine” trong “giai đoạn chuyển tiếp” này.

PHAN XUÂN LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên