Những ngành chăn nuôi, nông nghiệp sẽ chịu thách thức khi tham gia CPTPP - Ảnh: VPG
Sau khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12-11-2018, Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ hôm nay 14-1.
Theo cam kết trong CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, trong đó các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam.
Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Còn theo Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng từ 54 tỉ USD lên 80 tỉ USD.
Bộ Công Thương đánh giá, các ngành có cơ hội tăng trưởng lớn như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ.
Ngoài ra, CPTPP cũng mang lại các lợi ích về cải cách thể chế, đồng thời tạo việc làm khi mỗi năm tăng bình quân 20.000-26.000 lao động...
Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng như mọi FTA khác, CPTPP không phải là mỏ vàng lộ thiên.
"Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được" - Bộ Công thương nhìn nhận.
Trong đó, các ngành chịu tác động từ CPTPP là nông sản, nông nghiệp, chăn nuôi, trong đó một số nước có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà, nhưng Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình dài, nên sẽ tạo cơ hội để hàng hóa nâng sức cạnh tranh.
Một số sản phẩm công nghiệp cũng chịu sức ép như giấy, thép, ô tô.
Bên cạnh đó, CPTPP cũng đặt ra thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế, như phải sửa đổi một số quy định về về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn...
Bộ Công thương cũng nhận định, Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dựa vào bao cấp của Nhà nước, có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động
Ngoài ra, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng một Cổng thông tin thương mại điện tử giới thiệu về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia (trong đó có Hiệp định CPTPP) với những công cụ tra cứu về các cam kết và quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, ngành hàng để doanh nghiệp dễ tiếp cận thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận