05/07/2017 13:47 GMT+7

Công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy sẽ bị cắt điện nước

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - "Những công trình tới đây vi phạm phòng cháy chữa cháy sẽ không được cấp điện cấp nước kể cả đang thi công lẫn hoàn thiện rồi" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định quan điểm.

Phiên chất vấn HĐND sáng nay - Ảnh: Việt Dũng
Phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội sáng nay - Ảnh: Việt Dũng

“Giám đốc đơn vị nào mà ký hợp đồng bán điện, nước thì phải chịu trách nhiệm. Còn chủ đầu tư nào vi phạm chây ì không khắc phục thì sẽ không cho đầu tư, không cấp phép mới nữa, xin mời đi chỗ khác”, ông Sửu nói khi trả lời chất vấn trước HĐND TP sáng nay 5-7.

"Nóng" trật tự xây dựng

Ngoài ra, theo Phó chủ tịch TP, trong số 73 chủ đầu tư vi phạm chưa khắc phục, lãnh đạo UBND sẽ giao cho đơn vị phòng cháy chữa cháy (PCCC) cứ 15 ngày vào lập biên bản một lần.

“Còn vi phạm lâu, nhiều lần sẽ căn cứ điều 240 bộ luật hình sự chuyển cơ quan điều tra với những chủ đầu tư chây ì không khắc phục vi phạm”, ông Sửu khẳng định trước HĐND.

Thực trạng các khu đô thị thiếu nghiêm trọng trường học, khu vui chơi, các lớp học quá tải, số căn hộ tăng đột biến cũng được nêu tại phiên chất vấn.

Đại biểu Hoàng Thế Cương (Ban Văn hóa xã hội HĐND TP Hà Nội) truy trách nhiệm của Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc trong vấn đề này.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Lê Vinh thừa nhận thực tế các trường học “trong quy hoạch thì đủ, nhưng ở ngoài lại thiếu”.

Ông Vinh viện dẫn do tỉ lệ trường công và trường xã hội hóa đang lệch nhiều, trong khi người dân có nhu cầu chủ yếu là học trường công, dẫn tới quá tải. Riêng đối với các khu đang phát triển có tình trạng thiếu trường học, ông Vinh nói “chúng ta đang khắc phục”.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cũng cho rằng trong nhiều năm, việc cấp phép cho các nhà đầu tư không hề có chế tài buộc họ xây dựng hạ tầng xã hội. Vì thế chủ đầu tư chỉ xây nhà xong rồi bán không quan tâm tới hạ tầng.

Ngoài ra khi Hà Nội điều chỉnh lại các dự án do hợp nhất, các dự án giáp ranh như tại Hà Đông bị chậm lại khiến quy hoạch trường học tại các khu vực này cũng bị chậm lại.

“Với các khu đô thị mới phải thúc giục các chủ đầu tư phải xây dựng hạ tầng, đưa vào quy định bắt buộc trong cấp phép”, ông Vinh nói.

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Lê Vinh trả lời chất vấn của các đại biểu - Ảnh: Việt Dũng
Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Lê Vinh trả lời chất vấn của các đại biểu - Ảnh: Việt Dũng

Không đồng tình, đại biểu Cương thẳng thắn nhận định "vi phạm quy hoạch thì không được phép điều chỉnh chứ không phải xem xét”.

Ông Lê Vinh tiếp tục lý giải: "Việc điều chỉnh quy hoạch dự án luôn bị khống chế bởi quy mô dân số. Về nguyên tắc người tăng thì hạ tầng phải tăng, tuy nhiên chỉ khi nào quy mô dân số tăng 1,5 lần thì mới phải xem lại bổ sung hạ tầng".

"Thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch tăng chưa vượt quá con số này về quy mô dân số nên chưa bổ sung hạ tầng đi kèm”, ông Vinh thông tin.

Tuy vậy, ông Vĩnh cũng thừa nhận tốc độ đô thị hóa, di cư, tăng dân số cơ học đã vượt qua dự đoán và gây áp lực lớn lên hạ tầng, trong khi thành phố chưa có biện pháp để kiểm soát. 

"Không tha" Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, Trưởng ban pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng ở một số phường, quy mô dân số tăng gấp đôi do dự án chung cư thi nhau mọc lên.

Ông Lê Vinh thừa nhận thực tế có việc điều chỉnh quy hoạch và “tới đây chúng tôi sẽ tham mưu chặt chẽ cho thành phố để kiểm soát việc này tốt hơn”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn - Ảnh: Việt Dũng


Không “phấn đấu” mà phải “dứt điểm”

Phát biểu làm rõ thêm, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng thừa nhận vi phạm trật tự xây dựng phức tạp nhưng xử lý chưa được nhiều, dù quy định, công cụ đều có đủ.

“Tình hình diễn biến rất phức tạp, những vi phạm cũ xử lý chưa triệt để, phát sinh cái mới xử lý rất chậm. Trước đây là vi phạm ở các khu đô thị, thành thị nhưng hiện nay phát sinh ở cả vùng nông thôn, khu vực đất nông nghiệp và hành lang đê điều, điện lực…”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nguyên nhân chủ yếu là ở chất lượng và sự cương quyết của bộ phận cán bộ, bộ máy quản lý trực tiếp địa bàn. “Có những nơi bộ máy này không có hiệu quả, hiệu lực trong xử lý, điều hành”, ông Hùng thẳng thắn.

Bên cạnh đó là việc chủ đầu tư, người dân cố tình vi phạm, phối hợp kiểm tra xử lý liên ngành còn kém. 

Phó chủ tịch TP thông tin rằng Hà Nội vừa thí điểm chuyển toàn bộ thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng về UBND các quận, huyện để có công cụ xử lý, và đang xin phép Chính phủ cho áp dụng luôn.

“Thành phố tiếp tục xử lý các công trình cũ và cố gắng không để xảy ra vi phạm mới”, ông Hùng cam kết.

Nghe vậy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu: “Không phải là cố gắng không để xảy ra mới mà, như Bí thư Thành ủy kết luận, là không để xảy ra vi phạm mới. Cần xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu là giám đốc sở, ngành, bí thư, chủ tịch quận, huyện, bí thư xã, phường để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng”.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên