03/02/2023 09:43 GMT+7

'Công nghiệp hóa' nghề làm bánh tráng

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Thân Hữu Tài (25 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) quyết định tiếp nối sự nghiệp ở lò bánh tráng đã ba đời của gia đình nhưng chọn hướng đi táo bạo hơn.

Thân Hữu Tài và dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động tại cơ sở gia đình ở xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Thân Hữu Tài và dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động tại cơ sở gia đình ở xã Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM) - Ảnh: NVCC

"Thay vì đi đông đi tây, tôi chọn quay về mảnh đất quê hương, tìm cách làm bánh tráng mới trên nền cái cũ đã quen thuộc, tạo công ăn việc làm cho bà con, cũng là góp phần cải thiện kinh tế khu vực", Tài chia sẻ.

Là một đoàn viên, đảng viên trẻ, tôi vẫn luôn nỗ lực vừa tham gia công tác xã hội tốt vừa làm kinh tế giỏi, làm gương để các bạn trẻ khác cùng phấn đấu, cùng phát triển.

THÂN HỮU TÀI

Phải đổi cách làm bánh tráng

Sinh ra ở "làng bánh tráng" Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM), Tài lớn lên đã quen với mùi của bột, cái nóng của lò bánh đỏ lửa cùng những giàn phơi bánh hàng hàng lớp lớp của gia đình và xóm giềng xung quanh. Nghề làm bánh tráng bao đời được "cha truyền con nối" ở xã này.

Nhưng từ đời ông đến đời cha mình, Tài đã quen với hình ảnh vất vả của nghề tráng bánh hoàn toàn thủ công, phơi khô cũng phụ thuộc ông trời. Hôm nắng còn đỡ, vào mùa mưa thì gần như nhà nào cũng phải nghỉ vì làm ra cũng không có chỗ để phơi. Không làm nông mà cũng "trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng" dữ lắm đa!

Hết phổ thông, Hữu Tài không tiếp quản liền mà thi vào đại học với quyết tâm tìm ra cách làm mới cho nghề truyền thống của gia đình, lò bánh nhà mình phải cho sản lượng tốt hơn chứ không thể mãi theo cách làm thủ công. 

Vừa học vừa tìm hiểu từ chính các hộ làm bánh tráng khác trong xã, Tài cho rằng nếu ứng dụng công nghệ tự động hóa sẽ góp phần khá lớn vào quá trình sản xuất, từ khâu tráng bánh cho đến sấy khô mà không trông chờ chuyện trời mưa hay nắng.

Tính tới lui và thấy hoàn toàn khả thi, Tài chia sẻ cùng ba mẹ ý tưởng cải tiến lò bánh tráng. Lý thuyết của anh là phải ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất mới giúp tăng sản lượng nhiều được. 

Khi gia đình đã hoàn toàn ủng hộ, đến công đoạn Tài thuyết phục ba mẹ chịu vay vốn đầu tư. Thế là mô hình sản xuất mới được vận hành tại lò bánh tráng của gia đình Tài từ năm 2018.

"Vì sản xuất thủ công trước đó nên có những thời điểm không đủ hàng cung cấp ra thị trường. Từ lúc lắp đặt hệ thống tráng và sấy khô bánh liên hoàn, sản lượng tăng gấp ba lần, không lo thiếu đơn hàng của khách. Lò bánh cũng tạo việc làm cho gần 20 nhân công thường xuyên, thu nhập ổn định hơn", Tài cho hay.

Tư duy mới

Mạnh dạn thay mô hình sản xuất mới đã mang lại năng suất lớn, đồng nghĩa với đổi thay cả nguồn lợi kinh tế cho gia đình. Nhưng không chỉ có vậy, quyết định thay đổi ấy còn thay thế cả cách làm truyền thống lâu đời qua hướng sản xuất hiện đại, tự động hóa, giảm lệ thuộc vào thời tiết, và nhất là giúp yên tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đổi dây chuyền sản xuất, Tài đầu tư tiếp đến kênh bán hàng. Ngoài bán cho thương lái truyền thống, anh khai thác thêm kênh phân phối, bán hàng qua mạng, các app và có hiệu quả khá rõ khi đơn đặt hàng tăng lên, thu hút lượng khách hàng lớn hơn.

Cơ sở nhà Tài còn gia công sản phẩm bánh tráng xuất khẩu đi một số nước. Anh nuôi khát vọng lập công ty, xây dựng thương hiệu bánh tráng riêng của gia đình, đủ tiềm lực xuất khẩu qua các nước. 

"Tôi biết để xuất khẩu cần phải có quy mô lớn hơn. Do đó, tôi đang tính toán, tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi, chuẩn bị các vấn đề liên quan, phấn đấu sao cho bánh tráng mình làm ra tiêu thụ không chỉ trong nước và đủ chuẩn để đến được với thị trường nước khác", Tài nói về mục tiêu sắp tới.

Nơi đây cũng như điểm hẹn để các bạn trẻ đến học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về cách chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề nông thôn thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ với tiêu chí bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. 

Tài khoe: "Mình luôn sẵn sàng chia sẻ những gì đã từng trải qua để giúp các bạn rút kinh nghiệm, giảm bớt thất bại và có thể thành công nhanh hơn. Điều va vấp của mình phần nào là bài học cho các bạn trong quá trình làm ăn, lập nghiệp".

Bận rộn là thế nhưng Tài nhiều năm qua còn là bí thư chi đoàn ấp, vẫn thường tổ chức các hoạt động xã hội, tình nguyện hè cùng nhiều chương trình khác như ngày hội tái chế rác thải, hội thao - trò chơi dân gian, hoạt động đền ơn đáp nghĩa các mẹ Việt Nam anh hùng, thắp nến tri ân liệt sĩ... 

Tháng 5-2022, Tài chính thức trở thành đảng viên sau hành trình phấn đấu. "Tôi luôn tự nhắc mình phải sống, làm việc xứng đáng với phẩm chất của người đảng viên", Tài nói.

Thêm sản phẩm mới

Những con số có được giúp Tài tự tin vào hướng đi mới của mình khi tổng doanh thu từ khi áp dụng mô hình mới đã đạt hơn 7,6 tỉ đồng/năm.

Trong đó, lợi nhuận tăng lên 40 triệu đồng mỗi tháng so với trước đó chỉ tầm 12 triệu đồng. Sản lượng cũng tăng gấp ba sau khi áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, đồng thời tăng hơn gấp đôi số lao động thường xuyên mới đảm bảo quy trình sản xuất.

Hữu Tài cho biết đang chuẩn bị để sắp tới có thể hiện thực hóa dự án sản xuất thêm các sản phẩm như hủ tiếu, bún, phở... cũng hoàn toàn với dây chuyền thiết bị tự động.

"Thị trường có nhu cầu về hủ tiếu, bún, phở khô nên tôi tìm hiểu để mở rộng sản xuất, đa dạng các sản phẩm sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. Và chắc chắn khi dự án đi vào hoạt động sẽ giúp tạo thêm việc làm cho thêm nhiều lao động của địa phương nữa", Tài nhẩm tính.

Trại cá koi của anh nông dân trẻTrại cá koi của anh nông dân trẻ

24 tuổi, Nguyễn Phạm Tấn Công tiếp quản và phát triển mô hình nuôi cá koi của gia đình, cung cấp cá giống cho thị trường trong nước và xuất khẩu với doanh thu tiền tỉ mỗi năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên