08/06/2019 08:40 GMT+7

Công đoàn VN có 5 năm... tự làm mình hấp dẫn

TIẾN LONG thực hiện
TIẾN LONG thực hiện

TTO - 'Bây giờ là thời điểm Công đoàn Việt Nam buộc phải đổi mới thực chất, đi vào những vấn đề cốt lõi, nếu không người lao động sẽ không đến với Công đoàn Việt Nam mà tham gia tổ chức của người lao động khác...'.

Công đoàn VN có 5 năm... tự làm mình hấp dẫn - Ảnh 1.

Công đo àn cơ sở Công ty Dona Standard (Khu công nghiệp Xuân Lộc, Đồng Nai) có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động như xây dựng Trường mẫu giáo Dona Standard cho con em công nhân - Ảnh: BÌNH AN

Đó là trao đổi của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường với Tuổi Trẻ trước áp lực cạnh tranh khi các tổ chức người lao động (người lao động) khác được phép thành lập theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cũng theo ông Cường, Công đoàn Việt Nam có 5 năm vừa tự làm hấp dẫn mình, vừa xây dựng những văn bản pháp luật tương thích cho hoạt động công đoàn.

Công đoàn Việt Nam buộc phải đổi mới

* "5 năm tự làm hấp dẫn" là sao, thưa ông?

- Khi gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ có tối đa 5 năm chuẩn bị pháp lý cho phép thành lập các tổ chức đại diện người lao động khác ở cấp cơ sở và 7 năm để cho phép các tổ chức này có thể liên kết ngang, liên kết dọc nhằm thành lập tổ chức cấp trên cơ sở.

Nếu sau 5 năm chưa cho phép thành lập có thể sẽ bị các nước thành viên CPTPP trừng phạt thương mại. Trong thời gian này, nếu không có quy định khác, công đoànViệt Nam vẫn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động.

Công đoàn Việt Nam phải tận dụng thời gian này, đổi mới mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả hơn để thu hút đông đảo người lao động đến với mình. Trước đây chỉ một tổ chức duy nhất có thể chần chừ hoặc làm từng bước, nhưng bây giờ buộc phải làm, phải đổi mới.

Công đoàn VN có 5 năm... tự làm mình hấp dẫn - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Cường - Ảnh: V.DŨNG

* công đoàn đã đàm phán những nội dung gì để đảm bảo quyền lợi người lao động và kết quả đạt được thế nào?

- Trước đây, nội dung thương lượng chủ yếu "chép lại" quy định pháp luật và chỉ thêm nội dung hỗ trợ ốm đau, trợ cấp khó khăn, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao... Nhưng đến nay đã tập trung nhiều hơn đến các nội dung như tăng tiền lương, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thời giờ nghỉ ngơi...

Tuy nhiên kết quả đạt được rất thấp, chỉ có hơn 60% các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước này. Ngoài ra, không ít thỏa ước sao chép các quy định của pháp luật, không có điều khoản có lợi cho người lao động.

Sẽ đề xuất sửa luật

* Theo ông, tại sao số lượng thỏa ước có lợi hơn cho người lao động lại thấp?

- Có nhiều bất cập, trong đó lãnh đạo nhiều địa phương, ngành và các cấp công đoàn chưa quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác thương lượng tập thể. Chưa có cán bộ, bộ phận chuyên trách về thương lượng tập thể tại các cấp công đoàn.

Mặt khác, quy định hiện nay bắt buộc chủ tịch công đoàn cơ sở - người "ăn lương" từ doanh nghiệp lại là người trực tiếp ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.

Nếu vị này đấu tranh mạnh mẽ cho người lao động, không ký thỏa ước theo ý đồ của chủ doanh nghiệp thì ông chủ sẽ tìm cách gây khó dễ, hoặc tìm cách sa thải.

Ở nước ngoài, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp ký, nếu không đạt được thỏa thuận họ sẽ không ký, thậm chí kêu gọi đình công. Vì vậy, chúng tôi sẽ đề xuất sửa luật để tổ chức cấp trên tham gia tích cực vào thỏa thuận thỏa ước lao động tập thể.

* Ông có thể nói thêm về những nội dung theo hướng đổi mới thực chất?

- Có năm nhóm giải pháp phải quan tâm. Trong đó, đầu tiên là đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tập trung nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Theo đó, rất nhiều việc phải làm như xây dựng đội ngũ luật sư công đoàn, chương trình đào tạo cán bộ...

Kế đến, tập trung chăm lo lợi ích đoàn viên, phải làm cho người lao động thấy là đoàn viên công đoàn đến với Công đoàn Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích cụ thể.

Công đoàn Việt Nam đang thực hiện đề án của Chính Phủ duyệt về xây dựng nhà ở, siêu thị, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất để chăm lo một cách thiết thực nhất cho người lao động...

Cuối cùng là đẩy mạnh công tác truyền thông để công đoànViệt Nam có thể "hấp dẫn" người lao động.

Phí 2% sẽ được xử lý thế nào?

* người lao động đang quan tâm việc gia nhập công đoàn là "quyền" chứ không phải "nghĩa vụ" của người lao động. Vậy quy định bắt buộc người sử dụng lao động "đóng cứng" 2% có hợp lý? Sắp tới khi có các tổ chức người lao động khác, cơ sở nào phân chia số tiền này?

- Tổ chức công đoàn là hoàn toàn độc lập, không hoạt động bằng nguồn ngân sách mà bằng nguồn thu từ phí công đoàn và đoàn phí do đoàn viên đóng. Phí công đoàn là một sắc thuế được quy định như nhiều nước trên thế giới.

Thực tế muốn thu được thì công đoàn phải làm tốt, nếu không người sử dụng lao động sẽ không đóng. Nếu như giảm hoặc cắt khoản đóng này, ngân sách phải bù vào, như vậy sẽ không đảm bảo tính độc lập của công đoàn.

Việt Nam tham gia CPTPP và gia nhập Công ước 98, khi hình thành các tổ chức người lao động khác, pháp luật sẽ quy định cụ thể, nhưng chúng tôi nghĩ rằng số tiền phí 2% sẽ được chia theo tỉ lệ số người tham gia tổ chức công đoàn và tổ chức khác của người lao động mỗi cấp là hợp lý nhất.

* Thời gian chuẩn bị 5 năm có đủ để công đoànViệt Nam đổi mới hấp dẫn hơn không?

- Công đoàn Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ và đang đẩy mạnh ký các thỏa ước lao động theo các cấp quốc gia, ngành, địa phương và nhóm doanh nghiệp. Trong đó theo lộ trình đến năm 2021, vấn đề tiền lương Nhà nước sẽ không can thiệp mà do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.

Chúng tôi đang làm mạnh việc này, để sau 5 năm và 7 năm sẽ tạo được sức hút cho Công đoàn Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam): Cần thí điểm trước tại các doanh nghiệp

Thời gian tới sẽ có đối trọng cạnh tranh với công đoàn hiện nay. Do đó, tôi đề nghị cần có bước đi phù hợp, mà trước hết có thể thành lập tổ chức đó ở cấp doanh nghiệp.

Sau thời gian thí điểm, căn cứ vào thực tiễn chúng ta mới tính đến khuôn khổ pháp luật và các quy định cho hệ thống này được mở rộng ngoài hệ thống công đoàn.

T.B.DŨNG ghi

Xóa tư duy Xóa tư duy 'thăm nom hiếu hỉ' của tổ chức công đoàn

TTO - Quyết tâm mạnh mẽ sẽ tự thay đổi chính mình, chấp nhận nhiều thử thách để gia nhập vào CPTPP được Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định trước Quốc hội.

TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên