Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khen thưởng các lực lượng phá chuyên án ma túy 218LP của Bộ Công an và thành tích của Công an TP.HCM bắt giữ 895 bánh heroin chiều 29-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có thể thấy rõ TP.HCM vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn trung chuyển ma túy trong nội địa và quốc tế...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Tại buổi lễ khen thưởng thành tích phá chuyên án ma túy 218LP và bắt giữ 895 bánh heroin do Công an TP.HCM tổ chức chiều 29-3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chia sẻ những lo lắng của ông về vấn nạn buôn bán ma túy.
Kiểm soát tình hình trung chuyển ma túy tại TP.HCM
Dẫn số liệu đánh giá, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay VN hiện đang vừa là địa bàn trung chuyển ma túy vừa là địa bàn tiêu thụ ma túy (khoảng 20% tiêu thụ trong nước, 80% vận chuyển đi nước thứ ba).
Trong đó, TP.HCM hội đủ các yếu tố thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động: là trung tâm kinh tế sôi động, xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp; các tuyến giao thương thuận lợi. Trong khi đó số người nghiện tại TP.HCM cao nhất nước. Tính đến cuối năm 2018, TP.HCM có hơn 23.500 người nghiện, chiếm hơn 10% toàn quốc, tạo nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn.
Bộ trưởng chỉ ra TP.HCM cần phải đánh giá đúng, thực chất con số người nghiện, nhu cầu về ma túy, trên cơ sở đó sẽ có các biện pháp quản lý hiệu quả.
"Hiện các đối tượng không còn giao vài tép, vài bánh nữa mà cả ký để tiêu thụ" - ông Lâm nói và chỉ đạo quản lý người nghiện là công tác cơ bản, phải có biện pháp phối hợp làm tốt công tác lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện đi cai, làm giảm "nguồn cầu" ma túy.
Đặc biệt, cần kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các sự kiện lễ hội tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy...
Ông Lâm cũng đề nghị TP.HCM lưu ý kiểm soát tình hình trung chuyển ma túy đang nổi lên tại TP.HCM. Bởi lẽ, theo ông Lâm: "Việc bắt giữ 895 bánh heroin vừa qua (chỉ qua tuần tra, kiểm soát giao thông) cho thấy còn "tảng băng chìm" rất lớn trong hoạt động của tội phạm mà chúng ta chưa phát hiện được. Những diễn biến hoạt động của tội phạm ma túy vừa qua cho thấy tội phạm ma túy đang chuyển trọng tâm về TP.HCM. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay".
Số lọt có thể rất nhiều
Dẫn vụ việc bắt 895 bánh heroin, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng số lượng ma túy có thể bị lọt "còn rất nhiều", TP.HCM cần phải tập trung lực lượng để đánh giá. Những biện pháp tháo gỡ, theo ông Lâm, là giải quyết những sơ hở trong quản lý dự án đầu tư và quản lý thông tin tội phạm.
Cần lưu tâm các dự án đầu tư do người nước ngoài đầu tư, ở địa bàn khó quản lý, có hoạt động xuất nhập khẩu rất ít. Các doanh nghiệp này nhờ người Việt để tạo những pháp nhân nhằm tồn tại ở TP.HCM một cách hợp lý, rồi lợi dụng để vận chuyển, sản xuất ma túy...
"Việc quản lý các doanh nghiệp này rất sơ hở. Thông tin quản lý tội phạm của chúng ta là thiếu chặt chẽ. Có những đối tượng khi bắt giữ, phối hợp các nước xác minh thì đều là tội phạm hình sự từ các nước, thậm chí có đối tượng vào nước ta cũng đã phạm những tội danh khác như lừa đảo, tội phạm hình sự, gian lận thương mại" - ông Lâm cho hay.
Ông Tô Lâm đề nghị lãnh đạo TP.HCM quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy, công tác cai nghiện; xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy...
Hướng đi của những lô ma túy vừa bị bắt tại TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Cần cơ chế đặc thù ngăn tái nghiện
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay TP.HCM cần có cơ chế đặc thù ngăn ngừa tái nghiện.
"Chúng tôi đã giao cho cơ quan công an chuẩn bị chuyên đề về phòng chống và khắc phục tệ nạn ma túy để báo cáo thường vụ, báo cáo Quốc hội, Chính phủ để có cơ chế đặc thù, còn nếu cứ làm như vừa rồi không có kết quả" - ông Nhân nói và yêu cầu rà soát lại hệ thống phát hiện, quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà hàng, quán bar, vũ trường...
Trao đổi với Tuổi Trẻ về các biện pháp ngăn chặn TP.HCM thành trung tâm trung chuyển ma túy nội địa và khu vực, trung tướng Lê Đông Phong - giám đốc Công an TP.HCM - cho hay Công an TP.HCM đã có chủ trương, biện pháp để đấu tranh.
"Thời gian qua, TP.HCM đã tập trung vào các biện pháp toàn diện, kiểm soát và đấu tranh tội phạm ma túy từ nơi sản xuất, tới vận chuyển, nơi tiêu thụ...".
Bộ Công an cũng yêu cầu đơn vị chức năng khẩn trương tham mưu triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào, góp phần duy trì và đẩy mạnh khí thế tấn công, trấn áp tội phạm ma túy.
Đại tá Nguyễn Bá Dũng (phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum): Tăng phối hợp giữa công an 3 nước
Qua vụ vận chuyển ma túy qua khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Công an tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, phối hợp với hệ thống chính trị ở khu vực biên giới triển khai công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm về ma túy.
Đặc biệt, ngành công an cũng tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa ba nước Lào - Campuchia - Việt Nam với 6 tỉnh giáp giới đường biên ở khu vực Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) để triển khai công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy.
Với các tội phạm ma túy, công an của ba nước sẽ phối hợp thông tin để triển khai kế hoạch đấu tranh.
H.C.ĐÔNG ghi
PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm ĐHQG TP.HCM): Rà lại các quy trình quản lý còn yếu kém
Những vấn đề cụ thể trong nhận định của thiếu tướng Phan Anh Minh (phó giám đốc Công an TP.HCM) về việc trung chuyển ma túy ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã hàm chứa giải pháp.
Đó là việc quản lý thanh toán tiền mặt, quản lý ngoại tệ của chúng ta còn yếu kém, không tương thích được với thế giới đã tạo điều kiện cho tội phạm buôn lậu, buôn bán ma túy hoạt động nên phải siết chặt.
Kiểm soát tại các cửa khẩu còn sơ hở thì chúng ta phải tìm cách khắc phục và xem lại quy trình quản lý. Tội phạm trung chuyển ma túy có tính chất xuyên quốc gia, do đó cần phải có sự phối hợp kết nối, tương trợ tư pháp với các nước trên thế giới để cùng nhau đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy mang tính quốc tế.
SƠN BÌNH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận