09/07/2015 09:56 GMT+7

“Con đã lớn khôn” hay “em còn bé lắm”?

CÔNG NHẬT - PHAN DƯƠNG - 
MAI NGUYỄN - BÌNH MINH
CÔNG NHẬT - PHAN DƯƠNG - 
MAI NGUYỄN - BÌNH MINH

TT - Có hai luồng ý kiến với “Tuổi 18 đã lớn chưa?”. Nhiều bạn cho rằng họ đã bước vào tuổi trưởng thành nhưng nhiều bạn khác nói ba mẹ bảo bọc thì “bình thường thôi”.

phamthihongnhung-tuoi18 - Ảnh: N.H
phamthihongnhung-tuoi18 - Ảnh: N.H

* PHẠM THỊ HỒNG NHUNG (ĐH Tài chính - marketing):

Chăm sóc quá thành có hại

Mình không thích việc cha mẹ quá quan tâm chăm chút con cái. Khi đi các chương trình tình nguyện, mình nhận ra rằng việc con cái ở nhà được cha mẹ chăm sóc sung sướng quá lại thành ra có hại.

Một số bạn được cưng chiều từ nhỏ, dù những công việc rất nhỏ nhặt như tự giặt đồ, nấu cơm cũng làm lọng cọng, đi tình nguyện mà lại rất khó ăn khó ở. Mình thấy đó sẽ là một điều thiệt thòi.

Bản thân mình cũng vậy. Ví dụ như lúc mình làm chỉ huy trưởng chiến dịch Hoa phượng đỏ ở trường THPT, công việc của mình lên kế hoạch các hoạt động, kế hoạch gây quỹ xây nhà cho người nghèo cũng như trao học bổng cho học sinh nghèo, sắp xếp nhân lực.

Ngoài ra mình cũng luôn quan tâm đến các bạn chiến sĩ, xem các bạn ấy có được thoải mái không, có gặp khó khăn, khúc mắc gì không và giúp giải quyết nếu có. Những công việc như thế giúp mình trưởng thành rất nhiều.

Ra ngoài là thế mà về nhà mình là con một, mẹ mình lo cho hết nên rất nhiều thứ mình chưa biết. Như mình chưa biết đi xe máy vì mẹ sợ mình gặp tai nạn. Mình nhận ra đó là trở ngại lớn nhất của mình.

Nguyễn Trần Anh Tuấn - Ảnh: T.A
Nguyễn Trần Anh Tuấn - Ảnh: T.A

* NGUYỄN TRẦN ANH TUẤN (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông):

Xem mình là con nít thì rất khó chịu

Mình thấy việc ba mẹ vẫn xem mình là con nít thì rất khó chịu. Một vài bạn có thể dần quen với sự khó chịu đó. Một vài bạn thì tìm cách chống đối, trở nên bướng bỉnh, ương ngạnh, cái gì càng cấm thì càng thích làm mà, nên dễ hư.

Những bạn khác tìm cách thay đổi quan điểm của cha mẹ về mình nên muốn chứng tỏ bản thân, hoàn thành tốt các trách nhiệm của mình, trở nên trưởng thành hơn. Vì cha mẹ là người hiểu con cái nhất, nên mình nghĩ cha mẹ sẽ biết đến khi nào con cái mình có thể tự giải quyết các vấn đề của bản thân.

Đến lúc đó thì mình nghĩ cha mẹ chỉ cần thể hiện sự quan tâm cho con cái là đã đủ, không cần can thiệp quá sâu, quan trọng hóa vấn đề để gây thêm những lo lắng thái quá cho con.

Phạm Bích Ngọc - Ảnh: C.N
Phạm Bích Ngọc - Ảnh: C.N

* PHẠM BÍCH NGỌC (cựu HS chuyên tin Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội):

Bao bọc quá ảnh hưởng không tốt về sau

Chuẩn bị vào ĐH thì đã đủ chín chắn. Việc phụ huynh lo lắng, chăm con kỹ lưỡng là bao bọc con quá. Đúng là giới trẻ VN vẫn còn thụ động, chưa nhiều bạn có thể sống độc lập từ 18 tuổi và điều này khác xa giới trẻ các nước.

Điều này ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống sau này. Gia đình đã tập cho tôi biết giặt đồ, lau nhà, phơi quần áo... từ rất sớm. Tôi có thể khẳng định những việc giúp mình biết tự lo cho bản thân cũng như chuyện tham gia hoạt động ngoại khóa hoàn toàn không ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Tôi biết nhiều bạn vừa học rất giỏi nhưng làm việc nhà cũng rất cừ, song song đó luôn có mặt trong nhiều hoạt động cộng đồng.

Nguyễn Thị Linh (trái)
Nguyễn Thị Linh (trái)

* NGUYỄN THỊ LINH  (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Đủ tuổi bầu cử

Cách đây hai năm khi 18 tuổi, tôi đã có thể một mình đi thi đại học với số tiền tích góp được bằng việc làm thêm ở tiệm sách cũ. Công việc ở tiệm sách cũ bắt đầu từ khi tôi học lớp 8. Mỗi tháng tôi được nhận một khoản lương nho nhỏ để phụ mẹ vào sinh hoạt phí.

Lên cấp III, công việc đó vẫn tiếp tục và những khoản lương đó được góp lại cho đến ngày đi thi. Tôi một mình từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn, càng nhiều khó khăn tôi càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống, trở nên mạnh mẽ và tự tin khi xử lý các công việc.

18 tuổi là có quyền bầu cử, được đăng ký kết hôn, có quyền sở hữu tài sản..., nói chung là có quyền và phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân nên tôi nghĩ ba mẹ bớt vòng tay chở che, bảo bọc để con bớt dựa dẫm, ỷ lại.

Cẩm Tiên
Cẩm Tiên

* NGUYỄN THỊ CẨM TIÊN  (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận, vừa thi THPT quốc gia 2015):

Đủ tuổi lo cho bản thân rồi

Do bố đi biển, mẹ lo chăm sóc nhà cửa nên mình quyết định xin mẹ đi thi chung với bạn bè, dù đây là lần đầu tiên vào thành phố. Mình và hầu hết các bạn ở Phú Quý mới lớp 9, lớp 10 đã phụ giúp bố mẹ ra cảng cá phụ khuân vác, buôn bán.

Và hầu hết việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp, làm vườn, vá lưới, gỡ cá mình đều làm ngay từ còn nhỏ. Ai cũng bươn chải phụ giúp gia đình nên khả năng tự lập khá tốt. Mình nghĩ đến tuổi 18 rồi, ai cũng có thể lo cho bản thân, tự giải quyết các tình huống gặp phải nên chuyện lên thành phố đi thi một mình rất bình thường. Với mình, đi thi mà có ba mẹ đi cùng đôi lúc lại không yên tâm khi thấy bố mẹ đứng ngoài cổng đợi.

Chưa lớn!

Mai Thúy Quỳnh
Mai Thúy Quỳnh

* MAI THÚY QUỲNH (THPT Nguyễn Khuyến, Biên Hòa): 

Chưa sẵn sàng tự lập

Theo tôi, tự lập là sống một mình, tự mình làm những việc của mình, không cần sự giúp đỡ của người thân. Bản thân tôi chưa tự lập vì tôi không thích tự lập. Đơn giản vì tôi nghĩ tôi chưa trưởng thành. Với lại tôi không biết nấu ăn, rất dở việc nội trợ, giặt giũ quần áo. Những việc đó mẹ với ngoại làm cho tôi.

Nói thế không phải là do nhà tôi giàu có gì, nhà tôi bình thường, tiền lương cả bố và mẹ cộng lại chưa tới 15 triệu đồng/tháng, phải nuôi ba người con, một chuẩn bị học đại học, một học THCS, một mới lên 4 tuổi. 

Tôi nghĩ độ tuổi tự lập thì tùy mỗi con người, tùy hoàn cảnh nữa, cơ bản nhất là suy nghĩ thế nào cho chắc chắn rằng mình đã trưởng thành và có thể tự lập.

Theo tôi, độ tuổi an toàn là khi chuẩn bị lập gia đình. Tôi thấy những bạn trong độ tuổi tôi vẫn có một số bạn đã bắt đầu tự lập nhưng 9/10 bạn đã không thành công. Lý do là còn bồng bột, không có công việc làm ổn định để trang trải đời sống.

Nguyễn Nguyễn Hồng Phúc
Nguyễn Nguyễn Hồng Phúc

* NGUYỄN NGUYỄN HỒNG PHÚC (khoa báo chí - truyền thông Đại học KHXH&NV TP.HCM): 

Đây là giai đoạn lưng chừng

Tuổi 18 đối với mình thì chưa lớn. Đây là giai đoạn lưng chừng, phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là việc chọn ngành nghề cho tương lai, đôi khi không biết đi đâu về đâu. Mình cũng nghĩ việc cha mẹ quan tâm đến con cái là bình thường, mỗi nhà mỗi kiểu mà. 

Nguyễn Thị Bích Phượng
Nguyễn Thị Bích Phượng

* NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG (học sinh lớp 12 hóa Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai): 

Tự lập là một quá trình

Có lần trường mình tổ chức giải thi đấu bóng đá. Một bạn được mẹ mang sữa đến tận sân banh, cắm sẵn ống hút rồi đưa bạn uống. Mấy bạn nhìn thấy cũng cười rồi chọc ghẹo.

Riêng bạn thấy bình thường vì đã quen với sự chăm sóc này. Mình nghĩ chuyện ba mẹ lo cho con cái không có gì xấu. Vào những kỳ thi quan trọng, ba mẹ ở tỉnh chờ con bất kể nắng mưa, chăm con ăn uống, vì khi thi cử căng thẳng thí sinh rất cần có người động viên.

Mình tin rằng “lớn” là một quá trình được tích lũy, rèn luyện từ trước khi 18 tuổi, chứ không phải đợi 18 tuổi mới nghĩ đến. Nếu phải sống xa nhà từ trước đó, chắc chắn chúng ta sẽ không băn khoăn gì trong việc tự lo cho bản thân. Nếu ở với bố mẹ, “lớn” ở đây là việc tự giác học tập, rèn luyện để bố mẹ không phải lo lắng nhiều.

QUANG PHƯƠNG - MỸ DUYÊN - MAI NGUYỄN 

 

Nhiều bạn tuổi 18 đã gửi đến Tuổi Trẻ những điều họ làm được trong lứa tuổi này: bước vào con đường kinh doanh, làm trưởng nhóm sản xuất của UNESCO... Bạn có những câu chuyện của chính mình hay suy nghĩ về vấn đề này, mời bạn chia sẻ về nhipsongtre@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn.

 

CÔNG NHẬT - PHAN DƯƠNG - 
MAI NGUYỄN - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên