18/03/2005 21:56 GMT+7

Có phim hay mà không biết trao?

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Theo Thể Thao & Văn Hóa

Được xem là "không có đối thủ" nếu vào tranh giải tại LHP VN lần thứ 14 tại Buôn Ma Thuột, cũng được giới chuyên môn và báo chí đánh giá là bộ phim xuất sắc nhất trong năm 2004, nhưng Mùa len trâu đã bị gạt khỏi diện xét trao Cánh diều Vàng.

itxJFRCq.jpgPhóng to
NSƯT Hoàng Dũng nhận giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất

Trong số 9 phim còn lại, chẳng có phim nào nổi bật để có thể giành giải nhất.

Tại sao không thể?

Nói về Mùa len trâu, đạo diễn Vương Đức cho rằng: "Tính folklore đậm đặc được thể hiện bằng ngôn ngữ khá hiện đại của nó đã khiến bộ phim này trở thành một hiện tượng nghệ thuật được giới điện ảnh một số nước quan tâm".

Còn đạo diễn Phạm Lộc, dự giải bằng bộ phim Hàng xóm (đoạt giải Thiết kế xuất sắc và Âm thanh xuất sắc) thì thẳng thắn: "Nếu Mùa len trâu" nhận giải Cánh diều Vàng tôi không có gì phải nói, nó xứng đáng nhận giải này. Tiếc là không phải...

Nét mới của giải lần này chính là sự góp mặt của những bộ phim được làm bằng những nguồn vốn khác nhau trong xã hội (tư nhân, nước ngoài) và các nhà thẩm định phải có quan điểm và cách ứng xử phù hợp để phát huy hướng chuyển động mới này của điện ảnh VN. Trên thực tế, ở các LHP quốc tế người ta đâu có phân biệt đối xử giữa phim làm bằng vài trăm nghìn và phim vài trăm triệu USD, phim làm bằng tiền của ai, ai làm...

Tuy nhiên, theo đạo diễn Trần Thế Dân, Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh VN, do ở ta điều này quá mới, và cũng là vấn đề lớn nên không phải ngay một lúc đã có sự thống nhất trong quan niệm đánh giá: "Ngay ở mùa giải lần trước, phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong cũng đã khiến BGK rất "đau đầu". Thật khó phân biệt rạch ròi những trường đoạn nào, cảnh phim nào do đạo diễn Viên Thế Kỷ (Trung Quốc) làm; đoạn nào thuần "Việt" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi (VN). Vì thế khi đánh giá phim, chúng tôi chỉ đánh giá chất lượng nghệ thuật mà nó đạt được và hiệu quả tích cực của nó đối với xã hội... Về Mùa len trâu, tôi cho rằng đây là phim mạnh về chất folklore, quay phim giỏi".

Thực tế đã có một ngoại lệ là bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong được trao giải đặc biệt của BGK, trị giá giải thưởng tương đương giải Cánh diều Vàng. Vậy thì tại sao không thể có một ngoại lệ thứ 2 đối với Mùa len trâu, bộ phim chủ yếu do người VN làm, khi giới chuyên môn đều cho rằng bộ phim này có chất lượng tốt và bộ phim đã đoạt 4 giải thưởng tại các LHP quốc tế?

Giải thưởng phim hợp tác hiệu quả nhất với nước ngoài dành cho phim này tương đương với giải nào, hay chỉ là một sự ghi nhận đơn thuần rằng đó là một bộ phim hay mà "danh không chính, ngôn không thuận"?

Và vì thế, việc chỉ có giải Cánh diều Bạc ở thể loại phim truyện nhựa vẫn là câu hỏi đầy băn khoăn: chất lượng phim VN 2004 không cao, thụt lùi so với mùa giải trước hay có phim hay mà không biết trao?

Và những điều đáng ghi nhận

Lần đầu tiên, Hội có giải dành cho các thành phần nghệ thuật chính của phim. Ngoài 2-3 giải được trao chưa chính xác, còn lại đều đã tìm "đúng địa chỉ" người đáng được nhận như: Bành Bắc Hải (Âm thanh xuất sắc nhất), Phạm Quang Vĩnh (Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất), Trần Hùng (Quay phim xuất sắc nhất).

Khác với các giải lần trước, thành phần BGK bị chê là "quá già", các BGK giải lần này yếu tố trẻ chiếm chủ đạo, nên những đánh giá cũng sắc sảo và mới hơn. Nhờ vậy những sáng tạo đầy tìm tòi của những "người trẻ" đã được ghi nhận với thái độ cởi mở.

Lần đầu tiên những bộ phim của sinh viên được tham gia tranh giải và giật giải một cách... không bất ngờ với chính các giám khảo. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, trưởng BGK thể loại phim truyền hình ngắn tập nói: "Họ đã tạo nên một ngạc nhiên lớn". Câu nói này có thể hiểu là một sự biểu dương đối với đạo diễn Thanh Sơn trong bộ phim Tôi là ai (Cánh diều Bạc), một bộ phim có ngôn ngữ dàn dựng hiện đại...

Cũng giống như kết quả LHP VN lần thứ 14, giải của Hội cũng gây bất ngờ khi Nữ tướng cướp giành giải khuyến khích (kèm 2 giải cá nhân cho Biên kịch xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất).

Nhìn nhận lại giải, ông Trần Thế Dân nói: "Chúng tôi chủ trương tôn vinh, coi trọng tất cả những đóng góp của các thành phần xã hội tham gia vào điện ảnh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chất lượng phim dự giải và chất lượng giải vẫn có nhiều điều cần phải bàn lại để rút kinh nghiệm. Cần phải có sự phối hợp giữa Cục Điện ảnh, Bộ VH - TT với Hội điện ảnh và đẩy mạnh công tác lý luận phê bình mới mong nâng cao được chất lượng phim để có được một mùa giải bội thu".

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên