Lương Thị Diễm Trinh bên vườn hoa đậu biếc nguyên liệu tại nhà - Ảnh: T.NHƠN
Làng hoa Sa Đéc vốn đã nức tiếng gần xa giờ đây có thêm một niềm tự hào mới nhờ những sản phẩm trà hoa thảo dược gần gũi, mộc mạc và tốt cho sức khỏe.
Tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương
Trời còn tờ mờ sáng, khi sương sớm vẫn còn đọng lại trên cành lá thì chị Lương Thị Diễm Trinh cùng nhóm công nhân đã có mặt ngoài ruộng để thu hoạch những bông hoa đậu biếc vừa chớm nở trên giàn.
Đôi tay Trinh hái hoa nhanh thoăn thoắt, thuần thục như một người lao động lành nghề mặc dù đây chỉ là công việc phụ bên cạnh nghiệp cầm phấn trên bục giảng.
"Mình phải thu hoạch khi hoa vừa chớm nở như vầy thì khi sấy mới giữ được độ tươi ngon và thành phần dinh dưỡng cho trà hoa. Trà hoa đậu biếc cùng với trà hoa hồng là những sản phẩm được khách hàng các vùng miền rất thích vì hương vị dịu ngọt và hàm lượng dinh dưỡng của nó", chị Trinh tươi tắn chia sẻ.
Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ buổi sáng, chị Trinh cùng nhóm công nhân đã thu hoạch được hơn 5kg hoa đậu biếc. Những bông hoa đậu biếc tươi sau đó được đem đi phơi khô rồi đưa vào lò sấy chuyên dụng để cho ra thành phẩm trà hoa. Sản phẩm sau đó được đóng gói vào những túi nhỏ trọng lượng 50 gam để đưa đến tay khách hàng trong cả nước.
Tốt nghiệp ngành sư phạm hóa - sinh, được phân công giảng dạy môn sinh học kiêm tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Thị Nhượng, TP Sa Đéc (Đồng Tháp), ít ai nghĩ Lương Thị Diễm Trinh lại là cô chủ nhỏ với cơ sở sản xuất trà hoa tại nhà.
Trinh chia sẻ cơ duyên dẫn chị đến với trà hoa cùng thật sự tình cờ. Năm 2017, trong một lần nhìn thấy nhà vườn trồng hoa hồng tại làng hoa Sa Đéc cắt bỏ hết hoa để tạo cơi ra đợt hoa mới, chị thấy thật sự uổng phí khi hàng trăm ký hoa hồng bị cắt bỏ nằm la liệt dưới mặt ruộng.
"Sao mình không tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú tại làng hoa để phát triển thương hiệu trà hoa gắn liền với danh tiếng trăm năm của làng hoa được nhiều du khách gần xa biết đến? Sa Đéc thì hoa dồi dào, đây chẳng phải là nguồn nguyên liệu khổng lồ hay sao?" - chị Trinh tự hỏi rồi bắt tay vào thực hiện ý tưởng khởi nghiệp cho bản thân.
Chị Trinh phơi hoa đậu biếc trước khi đưa vào sấy - Ảnh: T.NHƠN
Không bỏ cuộc!
Cái khó bắt đầu xuất hiện ngay những ngày đầu khởi nghiệp cản trở cô giáo trẻ thực hiện đam mê khi đa phần người dân đều phun xịt rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc hoa. Mà như vậy thì không được vì tồn dư thuốc, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe khách hàng.
Những ngày đầu tìm cách thuyết phục nông dân từ bỏ cách sản xuất truyền thống để bán hoa tươi cho chị, ai cũng chửi chị khùng. Nông dân làng hoa lâu nay vẫn chỉ trồng bán chậu hoa cho khách trang trí chứ không ai bán hoa riêng, nhất là với các giống hồng nhung, hồng tiểu muội...
Không thuyết phục được nông dân, chị Trinh xin vào những vườn hồng bỏ hoang để thu hái hoa tươi. "Cỏ cao đến đầu, hồng thì gai tua tủa. Nhớ đợt đó hái được có vài ký hoa tươi mà tay rớm máu. Thật sự lúc đó chỉ muốn từ bỏ nhưng nghĩ lại lý do bắt đầu thì bản thân lại có dũng khí tiếp tục" - Trinh nhớ lại.
Nguyên liệu đã có nhưng không có đủ tiền mua máy sấy đắt tiền với đồng lương giáo viên ít ỏi, Trinh đã tìm đến một người bạn có chút kiến thức về máy móc, cơ khí để nhờ chế tạo cho mình một chiếc máy sấy. Những mẻ hoa hồng đầu tiên đưa vào lò sấy cứ như muốn đánh gục ý chí khởi nghiệp của chị. Mẻ thì ướt, mẻ thì khét lẹt đến mức không còn nhận ra hoa.
"Về cơ bản hoa rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Làm sao để hoa sấy giữ được màu sắc, hình dáng bề ngoài là vô cùng khó khăn. Phải sau hàng trăm mẻ hoa thất bại như vậy tôi mới có được một mẻ thành công. Trung bình 13kg hoa tươi mới được 1kg hoa khô thành phẩm" - Trinh cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu sản xuất trà hoa, Trinh hớn hở khi phần lớn đều đã trồng tại vườn nhà. Những giàn đậu biếc tim tím, những luống atisô nở hoa đỏ thẫm rồi vườn cúc bạch nhật, vườn bưởi long sai oằn trái sau nhà. Tất cả đều là nguyên liệu chế biến trà hoa của cô gái trẻ.
Thậm chí để con gái thực hiện đam mê, cha của Trinh chấp nhận phá vườn mai, vườn cau kiểng để dành đất trồng các loại hoa dược liệu.
Với thành công ban đầu khi được nhiều khách hàng tín nhiệm lựa chọn, hiện Trinh đã đầu tư được máy sấy hoa chuyên dụng để hiện đại hóa quy trình sản xuất trà hoa. Cơ sở trà hoa cũng thuê lao động địa phương thu hoạch hoa, đóng gói hoa, từ đó tạo thêm công ăn việc làm.
Hiện 'Trà hoa Sa Đéc' cũng đã liên kết với nhiều hộ dân tại làng hoa Sa Đéc, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) để xây dựng vùng nguyên liệu sạch hướng đến những sản phẩm organic có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp đánh tiếng hợp tác sản xuất trà hoa, tuy nhiên chị Trinh vẫn còn chần chừ vì lý do thương hiệu.
Thời gian tới chị Trinh dự định sẽ mở rộng vườn nguyên liệu, đồng thời nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó sẽ đón các em học sinh tại địa phương cùng với du khách thập phương đến tham quan vườn, tìm hiểu trải nghiệm quá trình làm trà hoa.
Nâng cao thương hiệu hoa Sa Đéc
Hiện cơ sở của cô giáo Lương Thị Diễm Trinh đã có khoảng 20 loại trà khác nhau như: trà hoa đậu biếc, trà khổ qua rừng, trà atisô đỏ, trà đinh lăng, trà vỏ bưởi... Mỗi tháng cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 gói trà các loại, phân phối đến khắp các vùng miền trong cả nước...
Theo bà Lê Thị Ánh Quyên - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Sa Đéc (Đồng Tháp), mô hình sản xuất trà hoa của chị Trinh là một mô hình hiệu quả khi nâng cao thương hiệu hoa Sa Đéc đến với khách thập phương.
"Địa phương thời gian qua hỗ trợ cho chị Trinh về kiến thức an toàn thực phẩm, cách đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cũng như tham gia các lớp tập huấn nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho trà hoa Sa Đéc", bà Quyên cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận