Nhà thiết kế Louise Linderoth (trái) và tác giả viết bài
Du khách dừng chân rất lâu bên 3 manơcanh trong tư thế ngồi mà với nhiều người, đây là lần đầu họ thấy một bộ sưu tập trong đó người mẫu ngồi xe lăn.
Từ trong đám đông, một cô gái trẻ vươn người đẩy xe lăn tiến về phía trước. Đó là Louise Linderoth, 26 tuổi, tác giả bộ sưu tập "Xin mời ngồi" - làn gió mới của nhiều tuần lễ thời trang từ năm 2017. Như gu thẩm mỹ của người Bắc Âu, Louise chọn trang phục trắng đen nhưng chiếc áo tua rua như "tố cáo" cá tính mạnh mẽ và kiên cường của cô.
Đã nói hàng trăm lần về tình trạng của mình, tuy nhiên Louise vẫn xúc động khi nhớ về cú sốc năm 10 tuổi, khi bệnh tật đã lấy đi vĩnh viễn của cô khả năng đi lại: "Khi 10 tuổi tôi bị viêm tủy ngang - kết quả là cột sống bị tổn thương và tôi không còn có thể đi lại được.
Trong 12 năm đầu tiên, tôi không chịu chấp nhận sự thật về tình trạng của mình. Tôi cố gắng tỏ ra là một người bình thường, chịu ngồi xe lăn và bắt mình đi nạng. Tôi đẩy cơ thể mình đến giới hạn về thể chất, tâm lý và rơi vào trầm cảm năm 23 tuổi.
Tuy nhiên, chính điều đó đã thức tỉnh tôi. Tôi nhận ra mình không thể tiếp tục đối xử tệ với bản thân. Tôi cần thay đổi cách nghĩ và cảm nhận về chính mình".
Louise tiếp tục: "Tôi không từ bỏ tình yêu với thời trang. Nhưng nếu không thể thay đổi cơ thể mình, tôi phải làm cho thời trang mở rộng bộ khung tiêu chuẩn khắt khe của nó cho những kiểu cơ thể khác, người mặc không nhất thiết phải đi lại được".
Louise mất năm tháng để lên ý tưởng và hoàn thành bộ sưu tập - chính là bài tốt nghiệp đại học ở trường đại học về dệt may tại Gothenburg, Thụy Điển.
Cô cho biết mình đã "đùa nghịch" với chất liệu jean như thế nào: "Mọi người đi lại bằng chân, còn tôi thì bằng tay. Với tôi, tay cũng như là chân. Vì vậy, hãy thay tay áo bằng ống quần, thay thân áo và cổ áo bằng lưng quần...".
Những mẫu trang phục thiết kế cho người khuyết tật của Louise Linderoth được trưng bày ở Bảo tàng quốc gia Thụy Điển - Ảnh: HỒNG VÂN
Ở khía cạnh nghịch thì Louise đã cắt, xé... những chiếc quần jean bình thường để bắt chúng chiều theo cơ thể khi người mặc ngồi xuống: "Khi ngồi xuống, chiếc quần jean có thể làm bạn lộ nửa cái mông hoặc siết chặt bụng bạn. Quần jean bình thường rất khó mặc với người bị liệt thân dưới. Tôi đã sửa lại để những chiếc quần jean mang đến cảm giác thoải mái hơn khi ngồi, chiều theo các đường cong và phần cơ thể bị gập lại của chúng ta".
Bài tốt nghiệp gây được tiếng vang mạnh mẽ và xuất hiện ở Tuần lễ thời trang London tháng 9-2017, Tuần lễ thời trang Stockholm tháng 8-2017, Tuần lễ thời trang Ethno Tendance, Bỉ năm 2017.
Bộ sưu tập khiến người xem phải suy nghĩ. Thời trang hay cái đẹp là cho mọi người, trong đó có người khuyết tật. Thời trang cần những con người không bỏ cuộc, truyền cảm hứng như Louise để mở rộng khuôn khổ của nó. Bảo tàng quốc gia Thụy Điển ở Stockholm tự hào chọn bộ sưu tập "Xin mời ngồi" của Louise để giới thiệu đến người xem vì lẽ đó.
Bộ sưu tập "Xin mời ngồi" đã ngay lập tức đưa tên tuổi cô sinh viên vừa tốt nghiệp vượt ra khỏi biên giới Thụy Điển. Với Louise, nếu điều đó mang lại điều gì đặc biệt thì đó là cơ hội nói với các bạn trẻ cùng hoàn cảnh một điều rất thật lòng: "Tôi đã phí nhiều năm cố gắng tỏ ra bình thường và sợ mình khác biệt. Giờ đây, tôi muốn nói với các bạn trẻ: "bình thường là tẻ nhạt". Sẽ khó để nghĩ được thế này khi bạn còn trẻ, nhưng bạn có thể".
Louise khiến người ta phải đồng ý với cô: Thời trang cũng cần tập trung vào người mặc chúng, chứ không chỉ để dành cho người ngắm chúng. Sàn diễn thời trang cần có nhiều kiểu cơ thể, kích thước, nhiều cách thể hiện”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận