22/11/2022 15:20 GMT+7

Có được đốn, dời cây xanh 'choán' mặt tiền nhà?

THÁI AN - LÊ PHAN
THÁI AN - LÊ PHAN

TTO - Ông Trần Hảo (nhà số 15 Tôn Thất Tùng, quận 1, TP.HCM) khiếu nại lần hai lên chủ tịch UBND TP.HCM về quyết định giải quyết khiếu nại của Sở Xây dựng bác đề nghị chặt cây dầu được cho là "choán" lối ra vào và mặt tiền nhà của ông.

Có được đốn, dời cây xanh choán mặt tiền nhà? - Ảnh 1.

Vị trí cây dầu phía trước nhà số 15 Tôn Thất Tùng - Ảnh: THÁI AN

Thanh tra TP đã có báo cáo cho chủ tịch UBND TP xem xét quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của ông Trần Hảo (ngụ 15 Tôn thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) đề nghị cho chặt cây dầu (mã số 29) vì choán mặt tiền, gây bất tiện khi ra vào nhà.

Ngày 22-4-2021 ông Hảo làm đơn đề nghị Sở Xây dựng TP cấp phép cho chặt hạ cây dầu trên. Tháng 6-2021, Sở Xây dựng có văn bản trả lời không cho phép chặt cây. Vì cây dầu vẫn đang phát triển bình thường, tạo bóng mát cảnh quan, cải thiện môi trường khu vực và được chăm sóc bảo đảm an toàn.  

Tuy nhiên ông Hảo khiếu nại, cho rằng ý kiến của sở là không thuyết phục khi không nêu ra thông số kỹ thuật chứng minh cây sinh trưởng bình thường. Hơn nữa, ông Hảo cũng trưng ra năm giấy phép mà Sở Xây dựng đã cấp phép cho trường hợp khác chặt cây với lý do tạo thuận lợi cho sinh hoạt người dân trong khi không giải quyết cho ông.

Tháng 2-2022, giám đốc Sở Xây dựng ra quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) bác yêu cầu của ông Hảo. Không đồng ý, ông Hảo khiếu nại (lần hai) lên chủ tịch UBND TP.HCM. Cuối tháng 5-2022, Thanh tra TP tổ chức đối thoại với các bên, tổng hợp báo cáo cho chủ tịch UBND TP để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Có được đốn, dời cây xanh choán mặt tiền nhà? - Ảnh 2.

Câu dầu nghiêng về giữa mặt tiền nhà 15 Tôn Thất Tùng, trong khi vỉa hè khá hẹp - Ảnh: THÁI AN

Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Hảo cho rằng cây dầu có vị trí giữa cổng ra vào nhà (có bề ngang 4m) gây ảnh hưởng nhiều đến việc ra vào và việc kinh doanh của gia đình. Sở Xây dựng cũng từng cấp phép cho các trường hợp tương tự như đề xuất của ông.

Còn Sở Xây dựng cho rằng cây dầu cao khoảng 35m, đường kính thân là 1,08m, còn vỉa hè tại đây rộng khoảng 4,3m. Vị trí cây lệch về phía nhà ông Hảo khoảng 1,2m tính từ ranh nhà số 15 và 15A; cây cách mặt tiền nhà ông Hảo khoảng 3,4m… vị trí cây không ảnh hưởng nhiều đến việc ra vào nhà. Hiện tại trên địa bàn TP, các trường hợp cây cổ thụ được trồng lâu năm phía trước nhà tương tự là tương đối phổ biến.

Thanh tra TP cũng công bố kết quả xác minh đối với năm giấy phép mà Sở Xây dựng đã cấp phép chặt hạ, chuyển dịch cây thì đều đúng quy định nghị định. Cụ thể: các cây đều thuộc danh mục cấm trồng; cây bị sam thân, cong, nghiêng, tán cây vướng đường dây điện trung thế…

Tuy nhiên, giấy phép Sở Xây dựng ban hành chỉ nêu lý do cần chặt hạ là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của người dân mà thiếu ghi nhận nguyên nhân cụ thể cho phép nên dẫn đến việc ông Hảo cho rằng quyền lợi của ông bị hạn chế hơn những trường hợp tương tự khác.

Thanh tra TP cũng kiểm tra hiện trạng và khẳng định cây dầu phát triển bình thường, thân hơi nghiêng ra đường, chưa có dấu hiệu mất an toàn và vẫn đang được chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên…

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hảo mong kết quả giải quyết khiếu nại lần hai sẽ cân nhắc cho quyền lợi của ông. "Tôi mua căn nhà này đã nhiều năm nhưng chỉ cho thuê. Hai năm nay tôi chuyển về nhà này sống thì mới thấy cây dầu cản trở không đủ lối đi ra đường công cộng, kinh doanh của tôi. Tôi mong được cho chặt cây và trồng cây khác tiếp giáp giữa nhà tôi và nhà bên cạnh, chi phí liên quan tôi sẽ chịu…".

Trường hợp nào được cấp phép chặt cây?

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết theo nghị định 64 ban hành năm 2010 của Chính phủ, điều kiện để chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị gồm: cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn, cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

Ngoài ra, các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép gồm: cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn, cây bóng mát trên đường phố, cây bóng mát, cây bảo tồn, cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, cây bóng mát có chiều cao từ 10m trở lên, cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.

"Việc cấp phép để chặt hạ, di dời cây xanh theo nhu cầu, nguyện vọng của cá nhân sẽ không được phép. Nếu giả sử cấp phép cho một trường hợp thì sẽ có tiền lệ và xảy ra những yêu cầu tương tự", vị đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nói thêm.

Dùng công nghệ kiểm tra sức khỏe cây xanh Dùng công nghệ kiểm tra sức khỏe cây xanh

TTO - Tại TP.HCM, trước đây từng thử nghiệm dùng máy "siêu âm" cây xanh để "bắt bệnh" cho cây, nhưng chưa thể ứng dụng rộng rãi.

THÁI AN - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên