17/11/2017 22:08 GMT+7

Cô Ba Sài Gòn bị livestream: nên thận trọng lên án người vi phạm

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng Luật về quyền tác giả của Việt Nam còn quá sơ sài, nên thận trọng khi lên án hành vi vi phạm quyền tác giả.

Cô Ba Sài Gòn bị livestream: nên thận trọng lên án người vi phạm - Ảnh 1.

Bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị quay trộm 30 phút hôm 13-11 tại rạp Lotte Vũng Tàu - Ảnh chụp màn hình

Không ít trường hợp người vi phạm không biết mình vi phạm.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vân Nam trao đổi với Tuổi Trẻ Online về các yếu tố pháp lý qua hành vi này.

* Xem xét dưới góc độ sở hữu trí tuệ với các điều luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế, hành vi thực hiện livestream của cậu thanh niên 19 tuổi tên Tr. tại Vũng Tàu hôm 13-11 là vi phạm với chủ sở hữu bộ phim đang phát hành không? 

Hành vi của T.r có thể phân tích để cho thấy cái đúng, sai ở đây như thế nào?

- Livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) là một hiện tượng, một xu thế công nghệ thông tin mới toàn cầu. 

Bảo vệ quyền tác giả thế nào cho vừa bảo đảm được quyền lợi của tác giả, vừa bảo đảm điều kiện cho phát triển công nghệ thông tin, vừa hài hòa với nhu cầu được thông tin kịp thời của toàn xã hội đang là chủ đề thảo luận nóng bỏng của giới luật học quốc tế chứ không chỉ ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, nếu như quốc tế thảo luận xem nên lý giải các quy định hiện hành sao cho hợp lý nhất thì Việt Nam không như vậy. 

Lý do là Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam còn thiếu rất nhiều quy định để điều chỉnh livestream. Các quy định hiện hành vừa quá ít ỏi vừa thiếu rõ ràng.

'Cô Ba Sài Gòn' bị quay trộm, rạp đổ cho ý thức khán giả

TTO - Ra rạp từ ngày 10-11, bộ phim mới của Ngô Thanh Vân đã bị quay trộm và tung lên mạng xã hội trong 30 phút.

Giới luật học và công luận Việt Nam không thống nhất khi có ý kiến cho rằng Tr. vi phạm quyền công bố, ý kiến khác là vi phạm quyền sao chép, hoặc nhận định là xâm phạm quyền phân phối hay vi phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả bộ phim Cô Ba Sài Gòn (rất có thể là nhà sản xuất phim).

Bộ phim Cô Ba Sài Gòn đang công chiếu khi Tr. quay livestream. Phim này đã được công bố, do đó Tr. không vi phạm quyền công bố của chủ sở hữu quyền.

Tác giả Việt Nam chỉ có độc quyền sao chép, trong khi Công ước Berne quy định tác giả có độc quyền nhân bản. 

Sao chép chỉ là một trong các hình thức nhân bản. Luật SHTT 2005 lại không có các quy định nêu rõ thế nào là sao chép và bản sao chép. 

Khoản 10 điều 4 Luật SHTT 2005 chưa đủ rõ để có thể hiểu đúng "sao chép" là gì vì không nói rõ thế nào là bản sao. 

Do đó, nghị định 100/2006 cố gắng bổ sung cho rõ hơn tại điều 4 khoản 4: "Bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Bản sao chụp tác phẩm cũng là bản sao tác phẩm". 

Nhưng rõ ràng đây không phải là một định nghĩa có thể giải thích được thế nào là bản sao trong định nghĩa về sao chép của Luật SHTT 2005, mà chỉ đơn giản là nêu cách thức làm bản sao: trực tiếp hoặc gián tiếp. 

Ngoài ra, không thể định nghĩa theo công thức: sao chép là tạo bản sao, còn bản sao là bản sao chép. 

Tác phẩm điện ảnh khi được livestream đã được số hóa. Nhưng Luật SHTT 2005 lại không có quy định về sao chép tác phẩm số hóa. Do đó, không thể áp dụng Luật về quyền tác giả hiện hành để chỉ ra Tr. đã sao chép bộ phim thế nào và bản sao chép ấy nằm ở đâu.

Luật sư Nguyễn Vân Nam

Tr. cũng không phân phối bộ phim Cô Ba Sài Gòn

Theo khoản 5 điều 3 nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ, phân phối được định nghĩa như sau:

"5. Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý mua bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Chưa cần xét đến các yếu tố khác, việc Tr. livestream bộ phim mà không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại đã loại trừ khả năng xâm phạm quyền phân phối của nhà sản xuất phim rồi. 

(theo Công ước Berne, tác giả có độc quyền phổ biến tác phẩm. Phân phối chỉ là một hình thức đặc biệt của phổ biến).

Nhà sản xuất phim chỉ mới truyền đạt bộ phim đến công chúng bằng hình thức chiếu phim tại rạp. 

Tr. lại truyền đạt bộ phim qua hình thức livestream cho công chúng là xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm của nhà sản xuất. 

Thanh niên phát tán phim Thanh niên phát tán phim 'Cô Ba Sài Gòn' tường trình gì?

TTO - Thanh niên livestream phim Cô Ba Sài Gòn đã đến công an tường trình sự việc cùng với luật sư vào chiều 15-11.

Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 cũng chỉ phạt hình sự đối với hành vi sao chép hoặc phân phối tác phẩm mà không được tác giả, chủ sở hữu quyền đồng ý.

Nghĩa là căn cứ theo Luật SHTT 2005 và các quy định hiện hành, không thể xác định Tr. đã có hành vi vi phạm quyền tác giả, càng không thể xử lý hình sự hành vi livestream của người này.

Hiểu một cách giản dị, livestream là việc chuyển tải và tái hiện cùng một lúc âm thanh, hình ảnh qua mạng Internet. 

Như Tòa án Liên minh châu Âu và Luật quyền tác giả của các nước thành viên Công ước Berne đã khẳng định, bất cứ một hoạt động nào có sử dụng mạng Internet đều liên quan đến việc lưu giữ dữ liệu số hóa. 

Lưu giữ dữ liệu số hóa có thể tái hiện tác phẩm là nhân bản tác phẩm. 

Trên nguyên tắc, nhân bản như vậy phải xin phép tác giả. 

Nhưng trong công nghệ thông tin, nhân bản tác phẩm để sử dụng trong một thời gian rất ngắn như một mắt xích, một bước trung gian là một điều kiện sống còn, không thể bỏ qua. 

Nhiều khi việc nhân bản tạm thời này không thể lường trước được, mà chỉ xuất hiện trong quá trình thực hiện một giải pháp kỹ thuật.

Do đó buộc phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền khi thực hiện nhân bản tạm thời là rất khó thực hiện và phi thực tế. 

Quyền lợi và mối quan tâm của toàn xã hội về phát triển nhanh chóng khoa học kỹ thuật, về sản xuất và tiêu thụ đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, của cá nhân rõ ràng là phải được ưu tiên hơn độc quyền nhân bản của tác giả. 

Vì vậy, căn cứ quy định của Công ước Berne, hầu hết các nước thành viên công ước này đều có quy định cho phép tự do nhân bản tạm thời. 

Để đảm bảo độc quyền nhân bản của tác giả không bị hạn chế đến mức có thể ảnh hưởng - một cách quá đáng - đến quyền lợi chính đáng của tác giả, việc tự do nhân bản tạm thời cũng phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Luật pháp Việt Nam không có những quy định như vậy.

Luật sư Nguyễn Vân Nam

Livestream là trường hợp điển hình cho việc áp dụng các quy định về ngoại lệ của quyền nhân bản. 

Có hai đối tượng cần xét đến trong livestream là người thực hiện (nhà mạng cung cấp dịch vụ, hoặc người trực tiếp thực hiện livestream như Tr. chẳng hạn) và người thưởng thức livestream. 

Muốn thực hiện livestream, người thực hiện cần xin phép tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền, cho phép sử dụng quyền tái hiện tác phẩm cho công chúng tiếp cận được. (đó là quyền truyền tải tác phẩm theo Luật SHTT 2005, tất nhiên truyền tải chỉ là một trong các hình thức tái hiện tác phẩm). 

Khi cho phép sử dụng quyền này, tác giả cũng đã đồng thời cho phép nhân bản, vì nếu không sẽ không thể thực hiện được việc tái hiện tác phẩm số hóa. 

Giới luật học quốc tế và Tòa án Liên minh châu Âu đều nhất trí rằng việc mỗi cá nhân xem video, nghe nhạc được truyền tải qua Internet là tự do. 

Tuy nhiên, người thưởng thức livestream bằng thiết bị của mình (chẳng hạn điện thoại, laptop…) phải có trách nhiệm về việc tác phẩm đang livestream được nhân bản trên thiết bị của họ. 

Mặc dù chỉ là nhân bản tạm thời và hội đủ các điều kiện của tự do nhân bản, việc nhân bản này chỉ được tự do nếu tác phẩm được livestream là tác phẩm được sử dụng hợp pháp. 

Nghĩa là người thực hiện livestream được phép streaming tác phẩm đó.

(Official Trailer) CÔ BA SÀI GÒN

Theo chuẩn mực quốc tế hiện nay, Tr. đã quay streaming phim Cô Ba Sài Gòn mà không được phép của nhà sản xuất.

Ngoài vi phạm quyền tái hiện tác phẩm của nhà sản xuất, những người xem bộ phim này qua livestream của Tr. cũng vi phạm quyền nhân bản của nhà sản xuất.

* Trong điều kiện pháp luật Việt Nam hiện hành và nhận thức của công chúng Việt Nam hiện tại, những hành vi như của Tr. có thể rút ra bài học gì?

- Do Luật về quyền tác giả của Việt Nam còn quá sơ sài, chúng ta nên thận trọng khi lên án một hành vi vi phạm quyền tác giả nào đó. 

Không ít trường hợp người vi phạm thật sự không biết mình vi phạm.

Quyền tác giả là một lĩnh vực luật rất phức tạp. 

Muốn ngăn ngừa việc xâm phạm quyền tác giả nhằm thu lợi ích kinh tế bất hợp pháp, cần phải xử lý các trường hợp vi phạm sao cho người vi phạm phải tâm phục khẩu phục, trước hết cần phải chỉ rõ đó là vi phạm quyền cụ thể gì. 

Do Luật về quyền tác giả của Việt Nam còn quá sơ sài, chúng ta nên thận trọng khi lên án một hành vi vi phạm quyền tác giả nào đó. Có không ít trường hợp người vi phạm thật sự không biết mình vi phạm.

Luật sư Nguyễn Vân Nam

Nói chung chung là vi phạm quyền tác giả, thậm chí vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ không có tác dụng ngăn ngừa mà ngược lại. 

Riêng trong vấn nạn livestream, cần có ngay các quy định như của quốc tế, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm của người thưởng thức. 

 Và cuối cùng, nhưng là quan trọng nhất, cần sửa đổi một lần nữa Luật SHTT.

Chính thức đề nghị công an xử lý người phát tán phim Cô Ba Sài Gòn Chính thức đề nghị công an xử lý người phát tán phim Cô Ba Sài Gòn

TTO - Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã chính thức có đơn đề nghị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử lý người phát tán phim Cô Ba Sài Gòn trên mạng xã hội.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên