19/05/2023 06:14 GMT+7

Chuyện người được Bác Hồ đặt tên

Người được Bác Hồ đặt tên là bà Vi Thị Hạ Yên, con gái cụ Vi Văn Định. Chúng tôi gặp bà Yên vào dịp Tết Quý Mão 2023, khi bà từ Hungary về nước sau sự ra đi của người cháu nội dòng họ Vi, phu nhân GS Tôn Thất Tùng - bà Vi Nguyệt Hồ.

Ảnh chụp trên chiến khu Việt Bắc tháng 3-1951. Cụ Vi Văn Định (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt tại ATK Chiêm Hóa, Tuyên Quang - Ảnh: Tư liệu gia đình

Ảnh chụp trên chiến khu Việt Bắc tháng 3-1951. Cụ Vi Văn Định (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị thống nhất Mặt trận Việt Minh và Liên Việt tại ATK Chiêm Hóa, Tuyên Quang - Ảnh: Tư liệu gia đình

Câu chuyện của bà đưa chúng tôi tìm về quá khứ hào hùng cùng tầm nhìn và cách dụng nhân sáng suốt, đức độ của Hồ Chủ tịch.

Đến đây thì tôi đã hiểu rõ vì sao mà Hồ Chủ tịch lại đặt tên cho con gái út của cụ Vi Văn Định. Chắc đây là một hành động để khẳng định niềm tin vào một người từng làm việc cho chế độ đô hộ khi xưa, mẫn cán với công việc nhưng ẩn sâu trong đó là một người yêu nước, sống đức độ và nhân văn.
PGS.TS NGUYỄN VĂN HUY

Từ tên gắn liền chiến khu xưa

Vi Thị Hạ Yên trước đây là công nhân Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà. Năm 1990, bà sang Hungary định cư cùng con. Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bà về nước thăm họ hàng, quê hương bản quán và thăm Bản Chu (xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) - nơi cha bà, cụ Vi Văn Định, từ Hà Đông về đây ở sau khi hưu trí năm 1942. 

Rất nhiều ký ức tuổi thơ dội về, đặc biệt là những câu chuyện bà nghe cha kể lại sau này, mà chuyện bà nhớ mãi và luôn cảm thấy tự hào là việc liên quan đến tờ giấy khai sinh của bà năm 1949, đăng ký lại năm 1956.

Mang theo kỷ vật quý này đến nhà số 2 Trần Hưng Đạo, bà Vi Thị Hạ Yên lần đầu tiên kể với cháu mình là PGS.TS Nguyễn Văn Huy (con trai GS Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên và họa sĩ Vi Kim Ngọc) về lai lịch tên mình:

"Ngày bé, cô nghe ông (cụ Vi Văn Định - PV) kể rằng khi toàn quốc kháng chiến, Chính phủ đưa ông lên chiến khu Việt Bắc, sống ở ATK Sơn Dương rồi ATK Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ở đây, ông sống với các vị trong Mặt trận, Quốc hội như linh mục Phạm Bá Trực, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Tôn Đức Thắng... 

Trong kháng chiến, Hồ Chủ tịch từng nhắc ông Hoàng Hữu Nam (thứ trưởng Bộ Nội vụ) mời ông đi vận động nhân dân các dân tộc thiểu số ở một số vùng còn khó khăn. Theo lời Cụ Hồ, ông đã đi các nơi tuyên truyền kháng chiến, viết thư ngỏ gửi đồng bào các dân tộc Lạng Sơn ủng hộ kháng chiến đăng trên báo Cứu Quốc... Ông còn chọn ngựa tốt cho Hồ Chủ tịch đi công tác.

Vì có sự gần gũi với Hồ Chủ tịch như vậy nên khi ông bà sinh cô ở xã Hạ Yên, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), Hồ Chủ tịch biết là con gái nên đã chúc mừng ông và hỏi: "Cụ đã đặt tên cho cháu chưa?". 

Nghe ông bảo chưa thì Hồ Chủ tịch nói: "Cụ để tôi đặt tên cho. Cháu sinh ở Hạ Yên, nên đặt tên là Hạ Yên để kỷ niệm những ngày gian khổ kháng chiến tại đây". Ông rất vui và đồng ý ngay. Thế là giấy khai sinh cô có tên Vi Thị Hạ Yên. Tiếc là giấy khai sinh gốc bị mất nên khi về Hà Nội mới phải làm lại bản sao này. Giờ cô trao lại để cháu lưu giữ".

Bản sao giấy khai sinh bà Vi Thị Hạ Yên, người được Bác Hồ đặt tên - Ảnh: NVCC

Bản sao giấy khai sinh bà Vi Thị Hạ Yên, người được Bác Hồ đặt tên - Ảnh: NVCC

Tìm đến ngọn nguồn căn nguyên

Với tư duy người làm nhân học, bảo tàng học, từ "lịch sử" của tờ giấy khai sinh năm 1949 ấy, ông Huy đã quyết định lần tìm cho ra ngọn nguồn về hiểu sâu hơn về ông ngoại mình. Cũng là trong mạch cảm hứng quá trình phục dựng di tích Bản Chu (Lạng Sơn), nơi gia đình họ Vi từng sinh sống cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là điểm đến mà ông Huy lựa chọn. Rất nhiều tài liệu liên quan đến dòng họ Vi ở Bản Chu đang được lưu giữ tại đây, đặc biệt là những tư liệu liên quan đến tổng đốc Vi Văn Định.

Sau khi nghỉ hưu năm 1942, cụ Vi Văn Định về Bản Chu sinh sống. Năm 1946, trước khi đi Pháp, Hồ Chủ tịch căn dặn ông Hoàng Hữu Nam (thứ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó) tìm cách đón cụ Định về Hà Nội. Ông Nam đã thực hiện chỉ thị của Cụ Hồ, tìm được ông Ba Ngọ (khi đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Thái Bình) để lên Lạng Sơn mời cụ Vi. Ông Nam cũng mời một đại diện gia đình cùng đi là GS Tôn Thất Tùng - cháu rể cụ Vi Văn Định, chồng bà Vi Nguyệt Hồ.

Lên đến Lạng Sơn, đoàn đã cùng ông Hoàng Văn Kiểu (bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn) lên Bản Chu. Vừa thấy ông Ba Ngọ, cụ Vi nhận ra ngay, hai người ôm chầm lấy nhau. Biết rõ lý do, cụ Vi nhận lời mời và sau ba ngày thu xếp việc nhà, mổ trâu làm cơm từ biệt bà con thôn bản rồi cùng về Hà Nội. Đúng hẹn, đoàn từ tỉnh vào đón, cụ lên ô tô về thủ đô.

Cựu tổng đốc Vi Văn Định đi theo cách mạng đã vang tiếng lành tới khối đại đoàn kết dân tộc. Thật ra, việc này có căn nguyên mang tính bản chất. Cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy tiếp cận với các tư liệu lịch sử lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris, chúng tôi hiểu điều đó.

Từ cuốn Vi - công tích lục (ghi lại công tích cụ Vi, trong đó có câu "Ơn trên Chính phủ có lòng thương dân/Cử quan Tổng đốc trọng thần/Là Vi Văn Định kinh luân gồm tài") in tại Nhà in Thái Sơn năm 1935 lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp, đến các bản viết tay của người dân các làng ở Thái Bình gửi công sứ, thống sứ Pháp đề nghị giữ tổng đốc Vi Văn Định tiếp tục ở lại Thái Bình (tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. 

Xin trích "...từ khi ngài trọng nhậm tỉnh hạt, nhân chính thật vô cùng rực rỡ..., rất thanh liêm, nghiêm ngặt, giản dị và có lòng thương dân..."), cho thấy Tổng đốc Vi Văn Định là một ông quan vì dân, yêu nước theo cách của ông.

Chuyện ông Ba Ngọ kể cho con gái cụ Vi nghe sau này về việc ông bất ngờ gặp cụ Vi ở hội chợ đấu xảo tại Hà Nội, được cụ dúi vào tay ít tiền, làm ám hiệu bảo ông trốn đi vì mật thám đang truy bắt; rồi việc cụ Vi giam các tù chính trị ngay trong dinh tổng đốc và buổi trưa vẫn gọi họ lên đọc báo cho cụ nghe; rồi chuyện sau khi ngồi đối thoại với cụ Vi thì người nhận nhiệm vụ đến ám sát cụ đã từ bỏ việc làm đó và kết thân cùng cụ.

Trong cuốn hồi ký Tiếp bước chân cha, trưởng nữ của GS Nguyễn Văn Huyên, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, đã kể câu chuyện mình nghe lại từ bác Vi Kim Yến: "Khoảng năm 1932 - 1933 gì đó, có một người muốn gặp cụ tổng đốc. Nghe báo vậy, ông cho gặp riêng ngay trong phòng làm việc, không cần lính canh. Người đó ngồi đối diện bàn, hai tay đút túi quần. Ông nghĩ là có vấn đề nên ông cũng kéo ngăn kéo ra và tay sẵn sàng khi cần đến súng. 

Sau cuộc đối thoại giữa hai người thì người kia nói: "Tôi được lệnh ám sát ông, nhưng sau khi nói chuyện, tôi hiểu ông. Kể từ nay chúng ta hiểu nhau và sẽ làm như tinh thần đó".

Cũng để thấy rằng việc Hồ Chủ tịch mời cựu tổng đốc Vi Văn Định về với kháng chiến cũng là tầm nhìn của một lãnh tụ vĩ đại, khi mà Bác biết cụ Định còn có cả uy danh dòng họ 13 đời làm thổ ty ở Lạng Sơn, góp nhiều công trạng giữ gìn biên giới quốc gia. Các con, cháu, rể của cụ cũng đã và đang hăng hái tham gia việc nước.

Con trai cụ là Vi Văn Kỳ, sau làm giám đốc Sở Thương binh, cựu binh của Liên khu 4 thời kháng chiến chống Pháp; con rể là GS Nguyễn Văn Huyên - tổng giám đốc Đại học vụ, sau đó là bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục; con rể khác là GS Hồ Đắc Di - tổng Thanh tra Y tế; cháu rể là GS Tôn Thất Tùng... Và các thế hệ tiếp theo noi gương dòng tộc cũng có nhiều cống hiến cho nước nhà.

Họ đã đồng lòng đi theo con đường yêu nước của Bác Hồ.

Bà Vi Thị Hạ Yên về nước vào dịp Tết Quý Mão - Ảnh: NVCC

Bà Vi Thị Hạ Yên về nước vào dịp Tết Quý Mão - Ảnh: NVCC

Trong niềm xúc động, nhà bảo tàng học Nguyễn Văn Huy đã trân trọng nhận kỷ vật quý mà bà dì trao lại cho ông, đó là tờ giấy khai sinh Vi Thị Hạ Yên - con gái út của hai cụ Vi Văn Định và Phạm Thị Thịnh, để đưa vào Nhà lưu niệm gia tộc họ Vi đang chuẩn bị nội dung trưng bày.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân"Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân'

TTO - ‘Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân’, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên