08/07/2017 11:09 GMT+7

Chúng tôi có ý kiến: Công trình xây dựng “đắp chiếu”

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)

TTO - Cùng với việc Chính phủ đang triển khai giải pháp tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi, các doanh nghiệp ngành xây dựng trông chờ sẽ sớm có đủ cát cho công trình xây dựng với mức giá hợp lý.

Công trình thi công Trường THCS Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, bị chậm tiến độ do thiếu cát - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Công trình thi công Trường THCS Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, bị chậm tiến độ do thiếu cát - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tình trạng hoặc “đắp chiếu” hoặc thi công cầm chừng do thiếu cát xây dựng đã diễn ra mấy tháng gần đây và đến nay vẫn còn phủ bóng khắp các công trình xây dựng, khiến cho bức tranh của ngành đang trở nên xám xịt hơn bao giờ hết

Quốc - bạn tôi, chủ vật liệu xây dựng có tiếng ở một huyện của tỉnh Trà Vinh - kể rằng trước nay cát xây tô của cơ sở anh bán ra chủ yếu được mua từ khu cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang). Giá bán trung bình 150.000-250.000 đồng/m3 (tùy loại). Tuy nhiên khoảng ba tháng nay, cơ sở của anh rơi vào tình trạng “cháy” mặt hàng này.

Việc mua cát hết sức vất vả, phải qua 2-3 khâu trung gian và sà lan phải nằm chờ mỗi chuyến trên dưới 10 ngày nên cát không những khan hiếm mà chi phí đầu vào tăng vọt, do vậy giá bán ra cũng tăng cao (hiện trung bình 400.000-500.000 đồng/m3).

Còn anh N., giám đốc một công ty xây dựng vừa trúng nhiều gói thầu thi công phòng học trong tỉnh Trà Vinh, tâm sự rằng anh như đang “ngồi trên lửa”.

Công ty anh vừa nhận bàn giao mặt bằng, động thổ nhưng không dám thi công bởi giá cát san lấp, cát sử dụng cho phần thô (đổ bêtông móng, cột...) đã tăng ngất ngưởng (có loại tăng gấp ba lần).

Giá trúng thầu đã “chốt”, công trình đã khởi công, tức không thể “nói đi nói lại” được nên anh chưa biết số phận công trình và tình hình công ty sắp tới sẽ ra sao...

Từ nhiều năm nay, nguồn cát cho xây dựng phần nhiều được khai thác trên các sông rạch, bao gồm được cấp phép khai thác và cả khai thác chui. Không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, cát khai thác núp bóng nhiều hình thức đã theo hàng trăm chuyến tàu ra nước ngoài.

Mãi đến khi báo chí phản ánh tình trạng chảy máu tài nguyên cát, dẫn đến hậu quả là Nhà nước thất thu thuế, đặc biệt nghiêm trọng hơn là tình trạng sạt lở sông ngòi nhiều nơi đã trở nên báo động thì cơ quan chức năng mới đồng loạt siết chặt bằng tạm dừng cấp phép khai thác cát, kiên quyết xử lý hành vi khai thác cát lậu...

Và gần như ngay khi các biện pháp trên được siết chặt, lập tức cát khan hiếm và giá tăng phi mã.

Thực trạng ấy “vỡ” ra một điều rằng hóa ra lâu nay hoạt động xây dựng nói chung phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tình trạng khai thác cát vô tội vạ; hay nói cách khác, bên cạnh việc dường như không có một quy hoạch bài bản nào cho hoạt động khai thác nguồn tài nguyên quan trọng gắn liền với ngành xây dựng nước nhà là sự thả nổi trong quản lý đối với lĩnh vực hoạt động này cả trong khai thác lẫn xuất khẩu cát.

Trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn nạn thiếu hụt cát, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải tìm vật liệu thay thế cát (cho san lấp), sử dụng cát nhân tạo (cho đổ bêtông, xây tô), xử lý nghiêm khai thác và xuất khẩu cát lậu...

Tuy vậy, các giải pháp trên vẫn chỉ mới dừng ở việc kiến nghị, đề xuất; việc tìm vật liệu thay thế cát vẫn còn loay hoay trong ý tưởng hoặc nếu có sản xuất cũng chỉ ở bước thử nghiệm mà chưa có sự đánh giá tổng thể và mang tính đại trà.

Hoạt động xây dựng nói chung vì vậy vẫn đang u ám, hàng loạt công trình xây dựng trọng điểm vẫn đang “mắc kẹt” và nhiều chủ thầu xây dựng đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Ngành xây dựng cũng đang cần được “giải cứu”. Các doanh nghiệp, chủ thầu xây dựng vẫn đang trông chờ có đủ cát cho công trình xây dựng với mức giá hợp lý, để hoạt động xây dựng vốn được coi là trọng yếu để phát triển kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường.

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên