12/11/2013 09:01 GMT+7

Chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới

V.V.THÀNH - L.KIÊN
V.V.THÀNH - L.KIÊN

TT - Sáng 11-11, Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% GDP, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7%.

6rdhWJtm.jpgPhóng to
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 2014 tại hội trường sáng 11-11 - Ảnh: V.Dũng

Nghị quyết đưa ra nhận định kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới. Cụ thể, trong hai năm 2014-2015 Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội đề ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đầu tiên là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Rà soát các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan giá điện, minh bạch hóa giá thành điện và phấn đấu năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường về điện, dịch vụ y tế, giáo dục, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, người lao động và người dân thu nhập thấp.

Tiếp theo, Quốc hội yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân. Có giải pháp hiệu quả, dài hạn hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực ổn định, bền vững; trong năm 2014 tập trung vào các sản phẩm như lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn trái. Cùng với đó là triển khai toàn diện các giải pháp, thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công.

Nghị quyết của Quốc hội cũng có nội dung về việc thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế, rà soát, sắp xếp lại biên chế cán bộ hiện có theo vị trí việc làm và có phương án xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại. Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai.

* Đại biểu Quốc hội vừa nhận được các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013. Theo đó, Chính phủ cho biết số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giảm hơn 30%, riêng trong lĩnh vực đất đai giảm khoảng 6%. “61,9% trường hợp khiếu nại sai và 49,6% tố cáo sai” - báo cáo viết.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hơn 220 tỉ đồng và hơn 40ha đất; trả lại cho tập thể, công dân hơn 115 tỉ đồng, 70ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 3.766 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 545 người (đã xử lý 295 người), chuyển cơ quan điều tra 55 vụ, 88 người.

Tăng số phó thủ tướng Chính phủ

Trong phiên làm việc sáng 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và tờ trình về việc tăng số phó thủ tướng Chính phủ (từ bốn hiện nay lên năm phó thủ tướng Chính phủ).

Theo đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII (khóa này), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn bốn phó thủ tướng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói qua nhiệm kỳ khóa XII (khóa trước), việc có năm phó thủ tướng, trong đó có một phó thủ tướng trực tiếp làm nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao là cần thiết cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để có thêm thời gian chuẩn bị thì Thủ tướng chỉ đề nghị Quốc hội (tại kỳ họp đầu tiên của khóa này) xem xét, bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Khi có đủ điều kiện, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét bổ nhiệm thêm chức danh phó thủ tướng làm nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

“Nay xét thấy đã có đủ điều kiện, Thủ tướng Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ sung một phó thủ tướng để phân công trực tiếp làm nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Báo cáo thẩm tra về việc tăng số phó thủ tướng Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: “Việc bổ sung một phó thủ tướng phụ trách ngoại giao là cần thiết”.

V.V.Thành

V.V.THÀNH - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên