17/08/2023 11:01 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội đề xuất thêm phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất thêm phương án có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của hai phương án Chính phủ trình về rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN


Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đã đề xuất hai phương án liên quan hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án 

Phương án 1 quy định hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau gồm:

Nhóm 1: Với người lao động đã tham gia trước khi luật (sửa đổi) có hiệu lực (1-7-2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được nhận một lần.

Nhóm 2: Với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi thì không được nhận một lần.

Trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng...

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một trong những lý do được nêu ra về rút bảo hiểm xã hội một lần là do thời gian đóng để hưởng quá dài. Thực tiễn cũng dài và so với thông lệ quốc tế cũng dài.

"Hiện nay là 20 năm. Người ta đi làm trong lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch, giữa 20 năm sau với cái trước mắt thì đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn cái trước mắt bởi thấy dài quá", ông Huệ nói.

Do đó nghị quyết 28 của trung ương hướng lộ trình tới 10 năm đóng - hưởng nhưng có đoạn trung gian 15 - 20 năm.

Ông chỉ rõ theo dự thảo luật sửa đổi đã đưa ra hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra năm quan điểm.

Theo ông Huệ, mỗi phương án theo tờ trình phân tích có ưu điểm và các ý kiến, mặt khác nhau, trong đó phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Tuy nhiên qua nghiên cứu, ông Huệ đề xuất một phương án có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của hai phương án để ra một phương án.

Đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần khi đang trong độ tuổi lao động.

Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.

"Việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng", ông Huệ nêu thêm. Đồng thời đề nghị nghiên cứu năm quan điểm của cơ quan thẩm tra nêu ra.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho hay hai phương án đều thể hiện theo hướng nhằm hạn chế việc hưởng một lần. Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm.

5 quan điểm của ủy ban thẩm tra

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh liên quan hai phương án về bảo hiểm xã hội một lần, qua thảo luận có năm loại quan điểm, ý kiến, cụ thể:

Thứ nhất lựa chọn phương án 1.

Thứ hai lựa chọn phương án 2.

Thứ ba chưa đồng ý cả hai phương án vì phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút một lần.

Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý do đây là tiền của người lao động và chưa giải thích về tỉ lệ 50%.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có chính sách giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn để giảm thiểu nguy cơ phải hưởng một lần hoặc bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động khi bị nghỉ việc.

Hoặc nếu lựa chọn phương án 2 cần phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn về điều kiện.

Thứ năm, trong bối cảnh bảo hiểm hưu trí bổ sung chưa phát triển, đề nghị nghiên cứu tách quỹ hưu trí bắt buộc thành 2 phần, phần bắt buộc đóng ở mức sàn để bảo đảm an sinh xã hội và phần còn lại của thu nhập.

Người lao động không có quyền rút phần bắt buộc nhưng được rút phần còn lại. Cả hai quỹ này đều do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý.

Giải trình thêm sau đó, bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay trong Bộ Luật Lao động phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, còn với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm. Nếu làm không tốt, không có phương án phù hợp, có thể xảy ra những điều không hình dung hết được.

Ông nói lúc đầu tính toán 3 phương án khác nhau, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không tạo ra sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.

Ông nhắc lại 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Nguyên nhân ban đầu là khó khăn.

Ông Dung thừa nhận trong 2 phương án này "thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được".

Ông nói nếu nhìn đúng tinh thần nghị quyết 28 phải chọn phương án 2 - hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút, không trọn vẹn lắm.

Do đó, ông Dung nói sẽ tiếp thu y kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán. Trong đó, có thể xem thay thế bằng các cơ chế, chính sách khác để người lao động không phải rút. Ví dụ như tín dụng, Bộ đã làm việc với ngân hàng nhưng chưa xong.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thêm hàng triệu người không lương hưu có thể nhận trợ cấp hưu tríBộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thêm hàng triệu người không lương hưu có thể nhận trợ cấp hưu trí

Chính phủ đề xuất người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên