14/12/2015 15:05 GMT+7

Chông chênh qua sông bằng... hai sợi dây cáp

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Do ngăn cách bởi sông Đakrông nên hơn 20 năm nay, hàng trăm đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị phải qua sông bằng... hai sợi dây cáp.

Hàng ngày, người dân và cả học sinh thôn Cu Pua phải liều lĩnh qua sông bằng dây cáp - Ảnh: Quốc Nam
Hàng ngày, người dân và  học sinh thôn Cu Pua phải liều lĩnh qua sông bằng dây cáp - Ảnh: Quốc Nam

Thôn Cu Pua có 136 nhân khẩu định cư bên một ngọn đồi, ngăn cách với Quốc lộ 9 bằng con sông Đakrông.

Vào mùa khô, lòng sông thu hẹp lại chỉ còn một quãng khoảng gần 20 mét nên người dân nơi đây đã làm một cây cầu bằng hai sợi dây cáp để qua sông. Và đây là cách duy nhất để người dân trong thôn đi lên xã, huyện hoặc đi ra khỏi thôn mình.

Mùa mưa, nước sông dâng cao, người dân nơi đây thường chịu cảnh bị cô lập, chờ nước rút để tiếp tục qua sông bằng dây cáp.

Người dân Pu Cua chọn khúc sông hẹp nhất để làm “cầu” bằng dây cáp. Hai sợi cáp to bằng ngón chân cái được buộc vào tảng đá lớn hai bên bờ sông để cố định. Một sợi cáp buộc thấp xuống và căng ra để bước chân.

Sợi còn lại được người dân trong thôn buộc lỏng một chút, rồi dùng cọc cây chống lên chạy song song với sợi cáp phía dưới để dùng làm chỗ vịn tay khi đi qua. Đến nay, do đã dùng nhiều năm nên hai sợi dây cáp đã có dấu hiệu hoen gỉ.

Theo người dân trong thôn, có những ngày trời mưa to bất ngờ, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh gần xấp đến sợi cáp nhưng người dân trong thôn phải liều lĩnh bước qua để về nhà. Đã có rất nhiều trường hợp người dân rơi xuống đoạn sông này khi đi qua sợi cáp.

Một trường hợp trong số đó đã tử vong, còn chuyện té xuống sông bị thương là chuyện thường.

Thôn này có gần 40 học sinh đang theo học tại các trường bên kia sông. Mỗi ngày, hàng chục em phải đi qua chiếc cầu tự tạo này để đến lớp. Lúc trời mưa, nước sông dâng cao thì học sinh thôn này phải nghỉ học.

Ông Trần Văn Chạy, chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết chính quyền địa phương đã đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào để giải quyết tình trạng này.

“Người dân nơi đây cần một cây cầu treo để đi lại an toàn hơn, nhất là trong mùa mưa lũ”, ông Chạy nói.

Do sử dụng đã nhiều năm, đến nay sợi dây cáp cũng đã hoen rỉ - Ảnh: Quốc Nam
Do sử dụng đã nhiều năm, đến nay sợi dây cáp cũng đã hoen gỉ - Ảnh: Quốc Nam
Hai đầu sợi cáp được buộc vào những khối đá bên bờ sông rất thô sơ và tiềm ẩn nguy hiểm - Ảnh: Quốc Nam
Hai đầu sợi cáp được buộc vào những khối đá bên bờ sông rất thô sơ và tiềm ẩn nguy hiểm - Ảnh: Quốc Nam

 

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên