22/01/2018 09:53 GMT+7

Chống chạy chức, chạy quyền: Để dân giám sát công tác cán bộ

DIỆP VĂN SƠN (nguyên phó vụ trưởng Bộ Nội vụ)
DIỆP VĂN SƠN (nguyên phó vụ trưởng Bộ Nội vụ)

TTO - Bàn thêm về các giải pháp chống chạy chức chạy quyền, đã có các ý kiến cho rằng cần phải tạo điều kiện cho người dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ để phát hiện kịp thời các sai phạm.

Chống chạy chức, chạy quyền: Để dân giám sát công tác cán bộ - Ảnh 1.

Tại buổi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri, ông Hồ Quang Chính (Q.3, TP.HCM) kiến nghị phải tích cực chống tham nhũng hơn nữa - Ảnh: TỰ TRUNG

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng sáng 19-1: Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả...

Dư luận thời gian gần đây nóng lên nhiều chuyện về công tác cán bộ, từ bố trí người không đúng chuẩn, chuyện cả họ làm quan, tài sản khủng của quan chức... 

Tại vụ Trịnh Xuân Thanh, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 7 cán bộ cấp cao, trong đó có 3 nguyên ủy viên trung ương (gồm 1 nguyên bộ trưởng, 1 nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương, 1 nguyên bí thư tỉnh ủy) và 2 thứ trưởng đương nhiệm. 

Thiết nghĩ, những "trung tâm quyền lực" này ở trung ương và địa phương cũng đủ trả lời câu hỏi "Ai chạy? Chạy ai?" về chạy chức, chạy quyền.

Công tác tổ chức cán bộ lâu nay hình như một lãnh địa khép kín, thiếu vắng sự tham gia giám sát của quần chúng, của xã hội

Ông Diệp Văn Sơn - Ảnh: Thanh Đạm

Có câu hỏi luôn được đặt ra là hệ thống đề bạt, bổ nhiệm của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng tại sao để "con voi chui qua lỗ kim"? Thật ra, quy trình suy cho cùng cũng do con người đặt ra, thì cũng chính con người nếu muốn cũng có thể lách được. 

Vả lại, nếu nói về quy trình thì chẳng mấy khi sai cả, nhưng cái chính là những người thực hiện quy trình ấy có làm đúng không hay là trí trá.

Do vậy, nhiều người đã đồng tình với biện pháp khắc phục tình trạng trên là bên cạnh việc "quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ", cần có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ. Tuy nhiên, giải pháp này đã được đề ra từ lâu rồi nhưng chưa có hiệu quả trong thực tế.

Đảng viên và nhân dân giám sát công tác cán bộ là một việc làm khó. Họ hầu như chưa quen và chưa có điều kiện làm quen với công việc này. Muốn họ làm tốt, trước mắt không có gì hơn là phải sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, thiết thực, không hình thức, thật sự cầu thị, thật sự dân chủ... 

Chính quyền phải lắng nghe quần chúng, có biện pháp để quần chúng dám nói và bảo vệ quần chúng; phải dũng cảm nhận khuyết điểm và tích cực tìm nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Làm được như thế, tin chắc sẽ khắc phục được khuyết nhược điểm trong công tác cán bộ hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình (nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):

Kiểm soát người làm công tác cán bộ

21-1 pgs ts nguyễn văn trình 1(read-only)

Ông Nguyễn Văn Trình - Ảnh: M.Hoa

Để hạn chế chuyện chạy chức, chạy quyền, trước tiên Ban Tổ chức trung ương phải xây dựng quy chế chọn người tài một cách công khai, công bố rộng rãi các tiêu chuẩn để mọi công chức, đảng viên đều được quyền đăng ký ứng tuyển, sau đó thành lập một hội đồng để đánh giá năng lực của ứng viên.

Đó là điều cơ bản để hạn chế chạy chức, chạy quyền. Vì hiện nay nhiều khi đưa ra chức danh đó, rồi tự chọn ra trong số những người ban tổ chức đưa lên thì người ta có thể dùng quan hệ với những người làm công tác tổ chức, âm thầm tuyển chọn dẫn tới việc chạy chức, chạy quyền mà không ai biết.

Đối với hội đồng tuyển chọn, thành viên của hội đồng này cũng phải được lựa chọn rất kỹ, phải có đạo đức tốt, trung thực, công khai từng hoạt động của họ (tiếp xúc với ai, ngày giờ nào...). Bên cạnh đó, phải có cơ chế ràng buộc những người làm công tác tổ chức cán bộ để tránh chuyện tìm cách gây khó dễ người khác để được lợi.

Khi đã chọn ra được người và bổ nhiệm công khai, mọi động thái bước đi của cán bộ này phải được mọi người biết để kiểm soát, đánh giá. Chẳng hạn, ở khu phố người dân thấy nhà cán bộ tổ chức mà xe hơi rồi người ra vô nườm nượp thì có thể báo cáo lại liền. Có như vậy, cán bộ mới không dám nhận hối lộ, nhận chạy chức, chạy quyền.

MAI HOA ghi

Ông Đinh Văn Huệ (đảng viên, 70 năm tuổi Đảng, Q.10, TP.HCM):

Làm cho dân dám nói cái sai

21-1 ông đinh văn huệ 2 1(read-only)

Ông Đinh Văn Huệ - Ảnh: M.Hoa

Vấn đề đặt ra là công tác cán bộ sắp tới làm sao... để không thể còn cảnh cứ nói đúng quy trình mà lọt lưới như vừa rồi.

Ở đây phải đặt vấn đề dân chủ trong nội bộ, người ta có dám nói không, hay nói lại bị đánh giá nên riết rồi người ta không dám nói nữa. Hai là vấn đề công khai minh bạch.

Chúng ta có nghị quyết cho Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể giám sát các tổ chức, kể cả xây dựng Đảng, nhưng trước nay chưa làm được. Bây giờ, phải phát động làm sao cho dân dám nói, ở trong chi bộ dám nói, dám phát hiện cái sai về công tác cán bộ.

M.HOA ghi

DIỆP VĂN SƠN (nguyên phó vụ trưởng Bộ Nội vụ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên