23/02/2016 07:44 GMT+7

Chống câu kết “làm giá”

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Lẽ ra việc giá xăng dầu giảm “tuột xích” trong một năm rưỡi qua đã có thể kéo giá biểu chuyên chở xuống theo.

Song, ngoại trừ các hãng hàng không, các hãng vận chuyển đường bộ đã không như thế, trong đó chủ yếu là các hãng taxi khi vẫn còn treo giá cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực!

Có là thái quá không khi ngờ rằng đây là hậu quả của một sự câu kết ngầm nhằm “móc túi” khách hàng một cách ung dung khi mà ngược lại, các hãng hàng không cùng thi nhau đưa giá vé xuống đến mức thấp nhất hầu “mọi người đều có thể bay”?

Có phải là do các hãng taxi đã quá yên tâm “sống mãi” nên không cần cạnh tranh, từ giá cả đến chất lượng dịch vụ?

Càng đáng phiền là vốn đầu tư của một hãng taxi không tài nào sánh với vốn đầu tư của một hãng hàng không vốn phải tính bằng tỉ USD, đồng thời tài sản sử dụng và khai thác cũng đã hầu như khấu hao xong từ lâu rồi (nhiều taxi hiện đang lăn bánh đã “tả” lắm rồi), vậy mà các hãng taxi vẫn cứ giữ mãi khung giá cao chót vót là sao?

Tất nhiên, đây mới chỉ là một nghi vấn thôi. Song, nói đến câu kết làm giá còn là nói đến chống câu kết làm giá và trừng trị, tức vai trò của nhà chức trách, mà ở nơi khác đã và đang rất nghiêm minh.

Một vụ phát hiện và trừng trị có thể được xem là “kinh điển” đã kết thúc cách đây 5 năm bằng phán quyết của Ủy ban châu Âu phạt hai hãng Unilever và Procter & Gamble (P&G) đến 315,2 triệu euro vì đã câu kết “làm giá” bột giặt tại 8 nước châu Âu là Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Pháp, Tây Ban Nha và Ý trong suốt ba năm hơn, từ tháng 1-2002 đến tháng 3-2005.

Hãng P&G chịu phạt 211,2 triệu euro, còn Unilever bị phạt 104 triệu euro. Tin của The Guardian 13-4-2011 còn cho biết hai hãng này được giảm nhẹ phạt vạ còn chừng đó là do đã “cộng tác” trong cuộc điều tra và đã thỏa thuận giải quyết vụ việc thỏa đáng.

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Joaquín Almunia nhấn mạnh ý nghĩa của việc trừng phạt: “Các công ty nên nhớ một điều chắc chắn rằng ủy ban sẽ theo đuổi cuộc chiến không ngơi nghỉ của mình chống lại các tập đoàn nào thu được lợi nhuận từ người tiêu dùng mà không bằng cách cạnh tranh công bằng và bằng giá trị của họ”.

Câu chuyện trên một lần nữa nhắc đến vai trò và trách nhiệm điều tiết của nhà nước trong mọi nền kinh tế. Christopher Conte và Albert R. Karr của tờ Wall Street Journal đã viết về “vai trò của chính phủ trong nền kinh tế” như sau:

“Trong lịch sử, chính sách kinh doanh của Chính phủ Mỹ được tóm tắt bằng một thuật ngữ tiếng Pháp “laissez-faire” (hãy để mặc)... Nhưng chính xác thì kinh doanh trong hệ thống doanh nghiệp tự do của Mỹ được “tự do” đến mức nào?

Câu trả lời là “không hoàn toàn”... Trong những năm gần đây, các chính sách điều tiết trở nên chặt chẽ hơn trong một số lĩnh vực...”.

Vấn đề đặt ra là: nếu như có những lĩnh vực mà sự quản lý (tiền kiểm và hậu kiểm) bị xem là “siết” các doanh nghiệp thì lại có những lĩnh vực mà dường như sự quản lý dễ bị ngờ là dưới mức “bình quân”, tỉ như lĩnh vực giá, từ điện, sữa, thuốc men, cước vận tải...

Hơn bao giờ hết, người dân cần Nhà nước ra tay để có niềm tin rằng không có chuyện doanh nghiệp câu kết bắt tay làm giá để “bóp cổ” người tiêu dùng.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên