19/02/2011 07:12 GMT+7

Vơ vét tài sản quốc gia - Kỳ 3: Haiti - bóng ma trở về

KHỔNG LOAN tổng hợp
KHỔNG LOAN tổng hợp

TT - Cuối tháng 1-2011, trong một diễn biến rất bất ngờ, Jean-Claude Duvalier trở về thủ đô Port-au-Prince sau hơn 25 năm tị nạn chính trị tại Pháp. Ai cũng tự hỏi tại sao con người đã bị dân chúng nổi dậy lật đổ, bị căm ghét, lại trở về với lý do “lo lắng cho tình hình hiện tại của Haiti” như vậy?

Kỳ 1:Gia đình Mubarak và bài toán tiền tỉKỳ 2:“Tuyên ngôn” về vơ vét

SfyW8kDF.jpgPhóng to

Cựu độc tài Jean-Claude Duvalier tại Port-au-Prince ngày 18-1-2011 - Ảnh: AFP

Cha - con và định chế “tổng thống suốt đời”

Vì sao Duvalier trở về? Các nhà quan sát, đặc biệt là các luật sư, chuẩn bị tinh thần để “tính sổ” với ông. Họ cho rằng ông trở về quê nhà là vì tiền, cụ thể là khoản 7,3 triệu USD đang bị phong tỏa trong các ngân hàng của Thụy Sĩ. “Thay vì quan tâm tới đời sống, lợi ích của người dân Haiti từ trong trái tim, dường như ông ta chỉ nghĩ tới túi tiền của mình” - Peter Bouckaert, luật sư tại Thụy Sĩ, giám đốc các vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế, nói với Reuters.

Cha Duvalier, François Duvalier, hay còn có biệt danh là Papa Doc, cùng với đứa con có biệt danh là Baby Doc từng là những hung thần, nỗi khiếp đảm của dân Haiti. Họ căm ghét và sợ hãi đến mức 25 năm kể từ khi Duvalier bị tước hết quyền lực, và François đã chết từ lâu, không phải người dân Haiti nào cũng công khai nhận định về họ. Cha con họ, trong vòng tổng cộng 29 năm cầm quyền với những chức danh “tổng thống suốt đời” tự phong, đã đưa Haiti trở thành quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu và di chứng đó vẫn còn tới ngày nay.

Với chức danh tổng thống thừa hưởng từ cha sau khi ông này bất ngờ qua đời, tay chơi Duvalier điều hành đất nước trong thời gian 1971-1986 theo kiểu ẩn danh, để vai trò nhiếp chính cho mẹ và các cận thần của cha. Trong thời gian đó, có rất nhiều cáo buộc ông và chân tay của ông đã giết người vì mục đích chính trị, người dân bị tị nạn bắt buộc, bị bắt bỏ tù không cần xét xử, tra tấn, mất tích... Các nhóm nhân quyền cho rằng khoảng 60.000 người đã chết vì các lý do liên quan tới chính trị dưới thời cha con Duvalier. Tất nhiên ông Duvalier nói những con số đó chỉ mang màu sắc tuyên truyền do các thế lực đối lập dựng lên, chứ trong chế độ “tốt đẹp” của ông không có tù nhân chính trị, chỉ có những người bị đi tù vì vi phạm pháp luật như giết người và buôn ma túy.

Với lối sống xa hoa, gia tộc vợ Michele Bennett tranh thủ mở rộng vai vế, kinh doanh, thâu tóm độc quyền hết mọi lĩnh vực và khiến sự bất đồng trong cộng đồng kinh doanh và những tầng lớp thượng lưu tại Haiti gia tăng, cùng nạn tham nhũng ngày càng như khối u lan tỏa. Theo hiến pháp, Duvalier có quyền lực tuyệt đối, khi nắm quyền Duvalier có thực hiện đôi chút cải cách như thả tù nhân chính trị, nới lỏng tự do báo chí. Nhưng về cơ bản cũng không thay đổi bản chất chế độ độc tài. Lực lượng đối lập không được phép hoạt động, và luật chủ yếu chỉ tồn tại trên giấy. Dịch sốt virut heo châu Phi trên đảo năm 1978 khiến nhà chức trách phải giết hết heo của dân chúng, phần lớn lại là dân nghèo nuôi heo kiếm sống.

Những năm 1980, nạn dịch AIDS khiến ngành du lịch giảm mạnh. 8/10 người dân mù chữ, hầu hết kiếm chưa đến 150 USD/năm, dù con số chính thức GDP đầu người mà chính phủ công bố là 380 USD. Giữa những năm 1980, đời sống của người dân Haiti đã vô phương cứu chữa, kinh tế ngày càng tồi tệ. Giáo hoàng John Paul II khi đến thăm năm 1983, kêu gọi thay đổi xã hội, nói: “Cần làm điều gì đó để thay đổi nơi này”. Năm 1985, Mỹ đã cung cấp 54 triệu USD trợ cấp cho Haiti và dọa sẽ ngưng nếu nhân quyền tại đây không cải thiện. Lập tức, chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân về việc ủng hộ hay không chế độ “tổng thống suốt đời” của Duvalier. Xe tải chở đầy người Haiti không biết chữ từ chỗ bỏ phiếu này tới chỗ bỏ phiếu khác để nhiều lần gạch vào chỗ đồng ý: kết quả chính thức là 99,8% muốn Duvalier là “tổng thống suốt đời” của họ - một con số lố bịch.

Năm 1985, “con giun xéo lắm cũng quằn”, cuộc nổi dậy của dân chúng bắt đầu ở các tỉnh thành Haiti. Thành phố Gonaïves là nơi đầu tiên diễn ra tuần hành. Từ tháng 10-1985 biểu tình bắt đầu lan ra sáu thành phố. Cuối tháng 1-1986, người dân phía nam Haiti nổi dậy, chính quyền Reagan đã bắt đầu tạo áp lực buộc Duvalier rời bỏ chức vụ và rời khỏi Haiti sau 15 năm nắm quyền lực tuyệt đối.

Nước cờ cuối cùng thất bại

Bây giờ, hầu hết tài sản Duvalier thu vén được trong thời gian nắm trọn quyền bính trong tay cho đến khi phải vội vã leo lên máy bay đi tị nạn ở Paris năm 1986 được cho là đã “bốc hơi”, một phần vì cách chi tiêu xa hoa, nhưng sau đó là phí tổn tốn kém trong cuộc ly hôn với bà vợ cũ. Nhưng vẫn còn hàng triệu USD trong tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ.

Jenny Piaget, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, cho biết luật Thụy Sĩ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-2-2011 cho phép nhà chức trách Haiti lấy lại số tiền đang bị đóng băng trong tài khoản của Duvalier trả lại cho những người dân Haiti, chủ nhân hợp pháp của số tiền nhưng đã bị ăn cướp trắng trợn. Tổ chức Ân xá thế giới, nơi đang gây áp lực buộc đưa Duvalier ra tòa án Haiti để phán xét về tội ác chống lại loài người, nhìn nhận việc lấy tiền tham nhũng là một bước đi tích cực, nhưng vẫn không đủ.

Nhưng thật ra, với chuyến trở về Haiti, Duvalier đang chơi một cú chót. Lá bài đó là ông trở về Haiti trong thời gian ngắn (vì đã mua vé khứ hồi về lại Pháp vào ngày 20-1) để chứng minh ông có thể trở về Haiti mà không bị làm sao, chẳng ai bắt giữ, để rồi có thể cãi trước tòa án Thụy Sĩ rằng đến đất nước ông cũng chẳng thèm khởi tố ông thì có lý do gì Thụy Sĩ lại giữ tiền của ông? Luật sư Bouckaert nói có bằng chứng cho thấy Duvalier hiện đã phá sản, và “còn nước còn tát”. Ông nhận định: “Thử hỏi nếu nhà anh phá sản, trong khi vẫn còn tới nhiều triệu USD trong ngân hàng mà không được đụng vào, thì anh sẽ kiếm mọi cách sờ được vào tiền trong tuyệt vọng”.

Luật của Thụy Sĩ mới nhất có tên dài dằng dặc “Federal act on the restitution of assets of politically exposed persons obtained by unlawful means” (Luật liên bang về trả lại tài sản do những người liên quan tới chính trị có được bằng những phương pháp bất hợp pháp), và báo chí Thụy Sĩ gọi đó là “luật Duvalier” vì nó giúp lấp đầy lỗ hổng pháp lý có thể cho phép cựu độc tài Haiti lấy lại tiền.

Với luật mới, các luật sư của Chính phủ Thụy Sĩ giờ có thể tự tin trước bất kỳ lá bài nào của Duvalier và chân tay của ông trong nỗ lực lấy lại tiền. Với lịch sử bí mật ngân hàng lâu năm danh tiếng, cứng như đá, Thụy Sĩ đang ngày càng đối mặt với chỉ trích của thế giới là thiên đường giữ tiền của các nhà độc tài, các chính thể trộm cắp, gian lận, trốn thuế. Vụ Duvalier có thể là ví dụ để Thụy Sĩ lấy lại chút sĩ diện.

Ngày 18-1-2011, Duvalier bị bắt vì tội tham nhũng, và sẽ bị đưa ra tòa án Port-au-Prince. Nay thì Duvalier đang đối mặt cả với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.

__________

Năm 1998, tướng quân đội Sani Abacha, nhà độc tài quân sự của Nigeria, qua đời sau một cơn đau tim. Sau đó, người ta phát hiện số tài sản khoảng 3 tỉ USD, được rải khắp nơi trên thế giới, thuộc về Abacha, gia tộc ông và các tay chân...

Kỳ tới: Năm năm quyền lực và 3 tỉ đôla

KHỔNG LOAN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên