10/10/2013 19:27 GMT+7

Chủ tịch nước: "Một bộ phận không nhỏ" là câu hết sức đau đầu

MAI HƯƠNG – QUỐC THANH
MAI HƯƠNG – QUỐC THANH

TTO - Chiều 10-10, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu đơn vị 1 đã tiếp xúc cử tri quận 4. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri than phiền tình trạng tham nhũng của đất nước không giảm mà còn có dấu hiệu tăng,

zUgQrk9x.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 4, TP.HCM chiều 10-10 - Ảnh : Minh Đức

Chủ tịch nước đồng cảm: “Tôi nói điều này với tư cách cá nhân thôi: Ta hô khẩu hiệu nhiều quá. Còn câu “Một bộ phận không nhỏ” là một câu hết sức đau đầu. Nghe dư luận thì rất nhiều nhưng tìm thì không thấy. Có nhiều anh nói “bộ phận không nhỏ” đó ở bên dưới. Nhưng sau 1 năm quay lại hỏi bên dưới là chỗ nào thì mấy ông chỉ cười khì, không chỉ ra được. Phương thức phát hiện ra “bộ phận không nhỏ” này thông qua phương thức tự phê bình chỉ là một cách thức thôi chứ không phải là tất cả. Vai trò của những cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra là cực kỳ quan trọng. Nếu những cơ quan này tìm không ra thì Đảng cũng chịu thua thôi”.

Cử tri Nguyễn Thành Công bày tỏ sự chưa đồng tình với cách làm và hiệu quả trong lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch nước giải thích: “Thời buổi này, tình hình này mà đòi những anh chủ tịch ủy ban phải đạt tín nhiệm 95-96% thì không có đâu. Đó là do dân chủ đã được nâng cao và đòi hỏi của xã hội đã ngày càng khắt khe hơn, càng cho thấy làm quan không dễ. Chúng ta nên ủng hộ xu hướng tiến bộ đó của đất nước. Còn nếu đồng chí nào tín nhiệm thấp quá thì cấp ủy phải thay thế thôi”.

Trước đó, sáng 10-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã làm việc với UBND TP giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tại buổi giám sát có 14 vụ việc cụ thể được mổ xẻ, trong đó 10 vụ thuộc diện tái giám sát. Tuy nhiên, nóng bỏng là hai vụ khiếu nại của người dân rơi vào quận 1 (TP.HCM): dự án chung cư Cô Giang và dự án khu tứ giác Bến Thành.

Với dự án khu tứ giác Bến Thành (Q.1), ông Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP) đề nghị UBND TP giải quyết rốt ráo một trong những khiếu nại của người dân là năm 2008 quận 1 thông báo cho người dân được đăng ký tái định cư tại chỗ. Đến năm 2011 lại thông báo là không được tái định cư tại chỗ mà sẽ tái định cư ở một địa điểm khác nhưng lại không xác định cự thể về thời gian, giá…

Phó chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa cho rằng khi tiếp xúc với đại biểu thì người dân phản ánh như vậy nhưng trong phương án đền bù, giải tỏa, tái định cư thì đã nêu đầy đủ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói nghe báo cáo suôn sẻ nhưng dân vẫn còn khiếu kiện thì giải quyết như thế nào. Chủ tịch nước yêu cầu quận 1 xem xét khả năng tái định tại chỗ cho người dân trong dự án khu tứ giác Bến Thành có được hay không và tái định cư ở đâu thì phải cam kết bằng giấy trắng mực đen rõ ràng để thông báo cụ thể cho người dân.

TaEqcIYV.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 4, TP.HCM chiều 10-10. Ảnh : Minh Đức

Trong khi đó, với dự án chung cư Cô Giang (Q.1), đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch và lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo UBND quận 1 đã trực tiếp đối thoại để làm rõ nhiều phản ánh, khiếu nại của người dân.

Theo ông Lịch, nói nôm na là người dân cho rằng dự án này làm thương mại chứ không phải thuần túy cải tạo chung cư cũ nhưng khi áp dụng chính sách thì theo chính sách cải tạo chung cư cũ theo nghị quyết 34 năm 2007 của Chính phủ. Ở đây có sự nhập nhằng giữa cải tạo chung cư cũ và làm dự án thương mại, làm lợi cho nhà đầu tư trong khi thiệt cho người dân. Chủ đầu tư còn quảng cáo trên mạng đây là miếng đất vàng để huy động vốn, còn người dân cảm thấy rằng họ bị lợi dụng về chính sách – tức là lợi dụng chính sách cải tạo chung cư cũ (miễn giảm thuế…) để làm dự án thương mại.

Trả lời, phó chủ tịch UBND quận 1 Lưu Trung Hòa nói nghị quyết 34 cho phép mở rộng xây dựng dựng khi giải tỏa chung cư cũ xuống cấp, kết hợp với chỉnh trang đô thị. “Chỗ này do người dân chưa hiểu, cần tiếp xúc lại để giải thích cho người dân điểm này” – ông Hòa cho biết.

Ông Lịch không thỏa mãn và khẳng định “thưa Chủ tịch nước, dự án này không giới hạn ở xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp mà còn mở rộng ra (giải tỏa) đối với các hộ dân trong khu vực làm dự án, làm thương mại, chứ không thuần túy đập chung cư cũ để xây dựng mới. Vấn đề là nằm ở chỗ này”.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín vào cuộc giải với khẳng định hoàn toàn không có chuyện biến chung cư thành nhà ở thương mại đem đi kinh doanh. Trong nhiều giải pháp giải quyết chung cư cũ xuống cấp, thì có giải pháp kêu gọi xã hội hóa để lo chỗ ở mới cho dân và cũng đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.

Tiếp tục đối thoại, ông Lịch nói chủ trương như phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nêu là quá đúng, không có việc gì phải bàn. Nhưng dự án này không phải thuần túy cải tạo chung cư cũ mà mở rộng ra khu vực chung quanh và thành một miếng đất vàng, xây dựng thành trung tâm thương mại, nhà ở. Những việc này không công khai cho dân, còn về chủ trương thì không có người dân nào chống việc cải tạo chung cư cũ xuống cấp. Người dân cảm thấy nhà đầu tư hưởng lợi quá nhiều trong khi đền bù cho họ ít. Chỗ này cần minh bạch ra để dân không kiện nữa.

Thay mặt cho người dân, ông Trần Du Lịch đề nghị UBND TP tiếp tục giải quyết hai nội dung: phải cam kết với các hộ dân diện tái định cư tại chỗ về vị trí, thời gian nhận căn hộ tái định cư; tính toán có chính sách hỗ trợ những hộ dân đã nhận tiền đền bù (không thuộc diện tạm cư chờ tái định cư).

Bệnh viện tuyến dưới còn “thủng lưới” quá nhiều

Về vấn đề bệnh viện quá tải, Chủ tịch nước nói: Bà con ở TPHCM và Hà Nội cứ than phiền từ sau giải phóng tới giờ, có rất ít bệnh viện mới- dẫn tới quá tải. Nhưng chủ trương của trung ương là làm sao trang trải cho đồng đều cả nước. Nhà nước có thiếu sót là chưa đầu tư được những trung tâm y tế công nghệ cao. Bệnh viện tuyến dưới còn “thủng lưới” quá nhiều, người bệnh cứ chạy lên tuyến trên là do chúng ta cai quản đất nước còn kém.

Mỗi năm, nước ta có vài tỷ USD chảy ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu chữa bệnh- đây một nguồn tiền rất lớn trong khi GDP của cả nước cũng chỉ ở mức chưa đầy 150 tỷ USD/năm. Chuyện này sắp tới phải tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cho y tế trong nước thì mới mong dần dần khắc phục được.

MAI HƯƠNG – QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên