30/09/2013 01:33 GMT+7

Quân dân miền Trung đang căng người phòng chống bão

Đ.NAM - H.KHÁ - V.MINH - L.GIANG - Q.NAM - NG.LINH
Đ.NAM - H.KHÁ - V.MINH - L.GIANG - Q.NAM - NG.LINH

TT - Trước cơn bão mạnh, các tỉnh thành miền Trung tích cực triển khai biện pháp phòng chống bão trong lo âu, phập phồng.

Miền Trung di dời hàng ngàn hộ dân tránh bão số 10Bão số 10: Trung Bộ gió mạnh, mưa to từ sáng 30-9

SYQIFOXz.jpgPhóng to

Người dân thôn Tân Định (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đưa thuyền lên bờ tránh bão - Ảnh: Tiến Long
4JNHMTjn.jpgPhóng to
Cả các cụ già ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) cũng buộc ghe cho chặt - Ảnh: Đăng Nam

Quảng Bình: túc trực 24/24 những nơi nguy hiểm

UBND tỉnh Quảng Bình đã họp khẩn với các ban, ngành, địa phương vào sáng 29-9, ngay sau đó cử ba đoàn về các huyện có nguy cơ lũ quét và ngập lụt lớn là Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Thủy để kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão. Đến 17g ngày 29-9, tất cả 3.750 tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh đã vào bờ trú bão an toàn. Người dân ở vùng sát bờ biển đã tích cực chằng chống nhà cửa, xếp đặt bao cát chống tốc mái... Tỉnh đã lên phương án di dời khoảng 10.000 hộ dân ở ven biển, ven sông và thấp trũng trong sáng 30-9. Theo lệnh của UBND tỉnh, các địa phương đã cắt đặt lực lượng canh gác 24/24 giờ ở những điểm nguy hiểm như ngầm vượt sông, đập tràn, bến đò... và kiên quyết ngăn chặn người, xe vượt sông khi trời đã mưa to. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn chủ chốt là bộ đội biên phòng, công an, quân sự đã lập các đơn vị trực chiến với đầy đủ phương tiện như canô, ôtô, lều bạt, lương thực, nước uống... cho công tác cứu hộ trong và sau bão.

jnVOWwA0.jpg
Người dân vùng biển Phú Hải (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) ràng buộc nhà cửa tránh bão - Ảnh: Nguyên Linh

Quảng Trị: di dời hơn 20.000 dân

Đến tối 29-9, gần một nửa trong tổng số hơn 20.000 dân ở vùng xung yếu của tỉnh Quảng Trị đã được di dời đến nơi an toàn tránh bão. Trong đó chủ yếu là người già và trẻ em. Số còn lại tiếp tục di dời vào sáng nay 30-9.

Chiều 29-9, tại vùng ven biển các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, những ngôi nhà thiếu an toàn đã được người dân cấp tốc gia cố bằng dây thừng và bao cát. Những hàng quán ven biển được người dân chủ động tháo mái để giảm thiệt hại. Tàu thuyền cũng được ngư dân kéo vào nơi trú ẩn an toàn.

Đà Nẵng: 5 tàu trực chiến

Chiều 29-9, Bộ tư lệnh Vùng 3 hải quân (đóng tại Đà Nẵng) đã chỉ đạo lữ đoàn 161 và lữ đoàn 172 chuẩn bị năm tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng. Ngoài ra hai tàu đầu kéo, 22 xuồng cao tốc, xuồng cao su, 22 xe tải, xe cẩu, xe cứu thương cùng 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu dân. Người dân ở các quận ven biển như Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà... đã đổ ra biển lấy bao cát về chằng chống nhà cửa.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Đà Nẵng, cho biết hiện tất cả tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng đã vào bờ.

Quảng Ngãi: thông tin 24/24 giờ với tàu bè

Đến cuối giờ chiều 29-9, theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, đến 16g cùng ngày tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 680 tàu với 6.655 ngư dân. Trong đó, tại Hoàng Sa có 14 phương tiện với 97 ngư dân (10 phương tiện đang trên đường chạy gấp vào bờ, 4 phương tiện chạy lên hướng bắc Hoàng Sa né bão). Vùng biển Trường Sa còn 176 tàu với 3.313 ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi được 3.274 tàu với 15.082 ngư dân vào đến đất liền tránh bão số 10, tiếp tục duy trì thông tin với đài canh cộng đồng 24/24 giờ để các tàu bè đang hoạt động trên biển biết tình hình hướng đi của bão số 10.

Thừa Thiên - Huế: dân vẫn chủ quan

Trong ngày 29-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên phương án di dời tránh bão cho khoảng 2.000 hộ dân vùng xung yếu, sạt lở, vùng ven biển, cửa biển. Các hồ thủy điện lớn đã phải xả nước để có dung tích đón lũ mới. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lập ba sở chỉ huy đóng tại trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, nhà khách Điện Biên và trung đoàn bộ binh 6, đồng thời huy động hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với bão số 10. Hàng trăm loại phương tiện, dụng cụ cứu hộ cứu nạn như ôtô lội nước, xuồng cao tốc, phao tập thể, áo phao cứu sinh, máy phát điện, hệ thống nhà bạt... được phân về các vùng xung yếu để chống bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đã đến kiểm tra các vùng xung yếu, điểm sạt lở và vùng ven biển, đầm phá về công tác triển khai phòng tránh bão số 10. Ông Cao e ngại tâm lý chủ quan của một số người dân do cơn bão số 8 họ đã phòng tránh khá tốt, tuy nhiên sau đó bão không vào. UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thông báo đến từng thôn xóm phải chủ động các phương án chống bão theo phương châm “5 tại chỗ”, nếu không chủ động ứng phó thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khi nhận tin về bão số 10, phần lớn hộ dân vùng ven biển các huyện Phú Vang, Phú Lộc đã chủ động chằng néo nhà cửa để tránh bão. Tuy nhiên, một số người dân vẫn có tâm lý chủ quan, cho rằng chưa chắc bão sẽ đi qua nơi ở của họ. Đến cuối chiều 29-9, tại những điểm xung yếu, cửa sông, vùng sạt lở của tỉnh này đã có mưa và gió mạnh dần.

Đ.NAM - H.KHÁ - V.MINH - L.GIANG - Q.NAM - NG.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên