18/06/2013 19:16 GMT+7

Nên cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ 2014

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Trước việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành xây dựng đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở tờ trình về đề án của TP.HCM, ông Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nói:

yhwyMX8N.jpgPhóng to
Ông Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - Ảnh: Việt Dũng

- Đây là một kết luận thuận lợi cho Chính phủ và TP.HCM triển khai các công việc liên quan đến việc xây dựng chính quyền đô thị. Nếu như cuối năm nay ban hành Hiến pháp (sửa đổi) thì vấn đề chính quyền địa phương cũng chỉ quy định về nguyên tắc, phải chờ Luật tổ chức chính quyền địa phương sau này mới quy định cụ thể được. Nhưng nếu cho làm thí điểm từ năm 2014 thì từ thực tiễn sẽ có cơ sở để chúng ta đóng góp vào xây dựng các đạo luật liên quan trong thời gian tới.

* Như vậy, tới đây chỉ nên thí điểm ở TP.HCM hay mở rộng hơn?

- Theo tôi, khi Chính phủ triển khai thí điểm mô hình này không nhất thiết chỉ làm ở TP.HCM, có thể chọn thêm Đà Nẵng là TP trực thuộc trung ương và một TP nhỏ hơn trực thuộc tỉnh (quy mô tương đương với các đô thị bên trong mà TP.HCM sẽ xây dựng).

* Hiện Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án chính quyền đô thị, vậy có chồng chéo với đề án của TP.HCM?

- Không. Bộ Nội vụ xây dựng những nguyên lý chung cho chính quyền đô thị trong tương lai, làm cơ sở để xây dựng luật. Còn TP.HCM là đi vào cụ thể, đặc thù.

* Đâu là những lợi ích mà người dân được hưởng khi TP.HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị?

- Với cơ chế tự quản mạnh mẽ, chính quyền đô thị hoàn toàn có thể huy động nguồn lực để tăng phúc lợi cho đô thị đó, chúng ta không cào bằng. Đô thị nào làm tốt thì phúc lợi công cộng ở đó nhiều hơn.

Trên thế giới, các đô thị không giống nhau, có nơi người dân được hưởng nhiều phúc lợi hơn về không gian công viên, vui chơi giải trí, cây xanh, phương tiện giao thông công cộng... Có nơi ngược lại.

Vấn đề ở đây là người dân được hưởng thành quả đóng góp của họ một cách rõ ràng với cơ chế giám sát tốt. Trong mô hình tổ chức này, HĐND ở các đô thị có tính trách nhiệm rất cao trong việc đưa ra quyết sách, giám sát thực thi.

* Trong số các phương án của Bộ Nội vụ có phương án thị trưởng do cử tri của địa bàn bầu trực tiếp, ông nghĩ sao?

- Nếu không chọn quy mô lớn như toàn bộ TP.HCM mà ở các đô thị trực thuộc, thí điểm ở một, hai đô thị cho dân bầu thị trưởng trực tiếp thì rất tốt, không có vấn đề gì cả. Tôi từng nói rằng muốn giảm hội họp thì nên chuyển từ cơ chế tập thể sang cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên