Phóng to |
Ông Dương Trung Quốc - Ảnh: L.KIÊN |
Ông Quốc chính là người công khai phát biểu trước Quốc hội cho rằng cần “hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi”.
* Thưa ông, tại kỳ họp cuối năm của HĐND các cấp vừa qua có nhiều vị lãnh đạo chính quyền đã đưa ra lời xin lỗi, thậm chí có tỉnh cả bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND tỉnh cùng xin lỗi nhân dân. Ông bình luận gì về hiện tượng này?
- Tôi cho rằng có lẽ đó là hiệu ứng của nghị quyết trung ương 4 và kết quả của hội nghị trung ương 6, có nhiều người đã “được phê bình” và “tự phê bình” nên đã nhận ra lỗi của mình và đưa ra lời xin lỗi.
Trong các quan hệ xã hội, việc người có lỗi biết nhận lỗi và xin lỗi là đáng trân trọng. Nhưng quan trọng hơn là hối lỗi, sửa chữa lỗi lầm và biết chuộc lỗi do mình gây ra. Tất nhiên có những lỗi khắc phục được, có những lỗi chỉ khắc phục được một phần và có những lỗi rất khó khắc phục. Mặt khác, lời xin lỗi cũng có thể bị lạm dụng để che đậy sai phạm, xin lỗi nhiều quá thì thành mị dân, lợi dụng lòng thương của người khác.
Trước đây, việc nhận trách nhiệm và xin lỗi là khá nặng nề, nhưng khi người ta thấy nhận trách nhiệm và xin lỗi mà không ai bị làm sao cả nên có người động viên nhau hoặc tự động viên mình là “thôi, nhận trách nhiệm cho nó xong đi”.
Trước Quốc hội, tôi đề nghị chúng ta cần có lộ trình để đoạn tuyệt với lời xin lỗi. Trước hết, bởi xin lỗi ở Quốc hội, cũng như xin lỗi ở HĐND, không phải là lời xin lỗi thông thường trong quan hệ hằng ngày giữa cá nhân với nhau, hoặc giữa nhóm người trong phạm vi hẹp, mà nó là lời xin lỗi của những vị có chức trách trước những người đại diện cho dân và trước nhân dân.
Cần lưu ý rằng những người có chức trách thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo pháp luật, do đó khi sai sót, sai phạm, sai lầm thì cần căn cứ theo pháp luật, theo quy định của Nhà nước để xử lý. Hoặc bản thân anh thấy năng lực không đáp ứng được yêu cầu của công việc thì anh có thể xin từ chức. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta khó có thể chấp nhận những lời xin lỗi suông.
* Thưa ông, vậy cần phải làm thế nào để “đoạn tuyệt với những lời xin lỗi”, nhìn từ phía những người được nhận lời xin lỗi như ông là một đại biểu Quốc hội thì sao?
- Tôi cảm nhận được rằng cử tri, nhân dân đòi hỏi Quốc hội, HĐND không được dễ dãi với những lời xin lỗi. Chúng ta đặt ra câu hỏi là có người xin lỗi thì ai chấp nhận lời xin lỗi đó, ai cho qua? Quốc hội, HĐND là tập thể chứ không phải cá thể. Chúng ta cần hành xử theo pháp luật và các quy định của Nhà nước, mà pháp luật thì không quy định cho người có chức vụ, quyền hạn có sai phạm, sai sót thì xin lỗi là xong. Đây còn là vấn đề văn hóa nữa, chúng ta thấy ở nhiều quốc gia khác quan chức gặp phải bê bối, thậm chí bê bối đó chỉ do cấp dưới hoặc người nhà của họ gây ra thì họ cũng xin lỗi, nhưng ngay sau xin lỗi là từ chức.
Chúng ta cũng đang có những quy định mở đường cho việc hình thành văn hóa từ chức, như việc tới đây đại biểu sẽ sử dụng lá phiếu tín nhiệm của mình để đánh giá những người giữ trọng trách trong bộ máy.
Tôi có thêm một đề nghị, có thể tới đây Quốc hội sửa hiến pháp thì cần quy định trong đó hình thức tuyên thệ hoặc tuyên hứa đối với những người được bầu giữ trọng trách của đất nước, giống như nhiều nước có quy định trong lễ nhậm chức thì người ta phải đặt tay lên hiến pháp hoặc tuyên thệ trước một hội đồng. Việc đưa ra lời tuyên thệ ấy sẽ thiêng liêng và người ta phải luôn giữ gìn để không phạm vào lời thề của mình, còn nếu không thực hiện được lời thề, lời hứa thì cách tốt nhất là nên từ chức để rút lui.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận