Gần 300 người đào trầm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nói họ bị ăn chặn, thành viên trong đội kiểm tra liên ngành giữ kỳ nam họ đào được mà chưa chịu chia tiền.
Lời kể của người đào kỳ nam
Kỳ nam không thuộc danh mục quý hiếm Ông Trần Minh Thu - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Theo pháp luật VN, kỳ nam không thuộc danh mục thực vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên theo phụ lục 2 của Công ước quốc tế về buôn bán thực vật, động vật hoang dã quý hiếm (CITES), nếu bắt quả tang đối tượng nào đang khai thác, vận chuyển, buôn bán kỳ nam thì có thể xử lý như vi phạm đối với thực vật quý hiếm nhóm 2A của VN (hạn chế khai thác, vận chuyển, buôn bán). Lâu nay ở Khánh Hòa hầu như không bắt được vụ khai thác trầm, kỳ nam nào”. |
Chiều 4-10, những người tìm trầm càng bức xúc hơn khi có người xưng tên Hùng gọi điện thoại vào máy ông San nói chỉ chia cho 279 người với số tiền 100 triệu đồng. Khi bị những người đào trầm “vặn” là 1kg kỳ nam bán giá 9-10 tỉ đồng, vì sao chia cho họ số tiền ít như vậy thì ông Hùng nói ông chỉ là trung gian, không biết bán “hàng” được bao nhiêu và bán như thế nào. Ông Hùng cho biết nếu cần, những người tìm trầm cứ lên trung tâm huyện Khánh Sơn điện thoại cho ông để gặp nhau thương thuyết.
Trong khi những người tìm trầm chưa thống nhất được việc đi đòi tiền bán kỳ nam thì một số người đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa mời đến làm việc.
Công an tỉnh vào cuộc
Ngày 9-10, thượng tá Phạm Hồng Sơn - phó Công an huyện Khánh Sơn - cho biết lực lượng liên ngành có nộp cho công an huyện một đoạn rễ cây lớn bằng ngón tay cái, dài khoảng 25cm, thu được của người đào trầm. “Hiện đoạn rễ cây này đã được niêm phong và công an huyện đang bảo quản. Chúng tôi không rõ đó có phải là trầm, kỳ nam hay chỉ là rễ cây mục vì chưa giám định. Dự kiến công an huyện sẽ bàn giao tang vật cho công an tỉnh, nếu đó đúng là trầm hay kỳ nam sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Ông Sơn còn nói: “Công an không tịch thu đoạn rễ này mà do người dân giao nộp”.
Theo ông Trần Mạnh Dũng - chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: “Hai đội liên ngành được huyện giao nhiệm vụ vận động người tìm trầm rời núi, thu giữ các dụng cụ đào bới rừng... Huyện không hề có chủ trương thu giữ kỳ nam mà người dân tìm thấy”. Ông Dũng cũng nói có nghe việc một số cá nhân thu giữ kỳ nam do người dân đào được rồi đem bán chia nhau. “Tôi đã chỉ đạo công an huyện xác minh, nếu phát hiện cán bộ sai phạm phải xử lý nghiêm, nhưng đến nay công an huyện chưa có báo cáo kết quả xác minh vụ việc này” - ông Dũng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phạm Hồng Sơn và thượng tá Nguyễn Tiến (phó Công an huyện Khánh Sơn) cho biết vụ việc đang được công an tỉnh xác minh. Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, sáng 9-10 một số cá nhân trong đội liên ngành đã giao nộp lại số tiền họ được chia từ việc bán kỳ nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận