* Tâm chấn 7 độ Richter tại Myanmar
Read this on Tuoitrenews.vnHà Nội rung chấn khá lâu do ảnh hưởng động đất ở Thái Lan Những điều cần biết khi xảy ra động đất
Phóng to |
Người dân chung cư 671 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội chạy hết xuống tầng trệt sau cơn chấn động bởi động đất ở Myanmar - Ảnh: THU HÀ |
Video clip "Phản ứng của người dân Hà Nội khi rung chấn xảy ra" - Nguồn: bạn đọc PHƯƠNG THỊ THU GIANG cung cấp |
Một trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra tại Myanmar hồi 20g55 đêm qua (24-3) đã làm chấn động tới tận Hà Nội.
Rất nhiều người sống trên các tòa nhà cao tầng của thủ đô hoảng hốt khi nhận thấy tòa nhà rung lắc mạnh.
Phóng to |
Tâm chấn trận động đất ở Myanmar trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu địa chất Mỹ - Đồ họa: Như Khanh |
Nhiều nhà cao tầng rung lắc mạnh
Chị Nguyễn Thu Hồng, sống trên tầng 13 của một tòa nhà trong khu đô thị Nam Trung Yên, cho biết chị đang tiếp khách trong nhà thì cảm thấy chóng mặt. Ban đầu chị tưởng mình bị rối loạn tiền đình nhưng sau đó lại thấy cảm giác chông chênh và nhìn thấy chậu trúc cảnh trong nhà đột nhiên bị nghiêng. Lúc này cả chủ lẫn khách đều hoảng hốt nhận ra đang có động đất làm tòa nhà lắc lư nên vội vàng tìm cách thoát ra khỏi tòa nhà.
Dưới mặt đất, người dân từ các chung cư khác trong khu Nam Trung Yên cũng đang tập trung rất đông sau khi thoát ra khỏi các tòa nhà. Những người sống ở tầng từ 17-24 đều khẳng định tòa nhà lắc lư rất mạnh. Chưa hết bàng hoàng sau chấn động, chị Hồng cho hay ít nhất ba lần cảm nhận được tòa nhà rung rinh.
Cũng như chị Hồng, vào thời điểm động đất gây chấn động tới Hà Nội, chị Hồ Điệp ở tầng 13 chung cư 671 Hoàng Hoa Thám bỗng thấy chóng mặt, chùm đèn trước mặt đung đưa, bàn ghế ngả nghiêng, chị tưởng mình bị đau đầu hoa mắt.
Nhưng chùm đèn cứ chao qua chao lại càng lúc càng mạnh, cửa sổ, cửa ra vào kêu kẽo kẹt và sàn nhà nghiêng đi thì chị sực tỉnh và hét lên: “Động đất”. Chị kéo con ngồi thụp xuống sàn, ôm chặt lấy đầu, chịu đựng cơn rung lắc. Lúc này, cư dân khu nhà cao 19 tầng này cũng nháo nhào bổ ra hành lang, vừa chạy vừa kêu: “Động đất, không vào thang máy, chỉ xuống thang bộ”. Tất cả các gia đình dắt díu nhau chạy xuống qua thang bộ.
Mọi người đổ xô xuống tầng một, chạy ra đường hoặc vào bãi đỗ xe - khoảng trống duy nhất có thể chạy được. Trời rét nhưng hầu hết đều không kịp mặc đồ đủ ấm. Hoàn hồn, tất cả đều hỏi nhau: “Đồ đạc có bị đổ vỡ gì không? Có kịp ngắt điện chưa?”. Hỏi chuyện giữa các chủ hộ, mọi người nhận ra càng ở tầng cao thì rung lắc càng mạnh. Những nhà ở tầng cao nhất thì chén đĩa trên bàn rơi xuống đất và cá nhảy khỏi bể cá cảnh, từ tầng năm trở xuống chỉ thấy ngọn đèn hơi đung đưa dù trời không có gió.
Theo ông Nguyễn Đình Xuyên - nguyên viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học - công nghệ VN), vị trí xảy ra động đất cách Hà Nội trên 1.000km. Ông Xuyên cho biết trận động đất nằm trên một đới động đất giữa Myanmar và Vân Nam (Trung Quốc). Đây là một đới động đất rất mạnh, từng xảy ra động đất mạnh 7,5 độ Richter. Ông Xuyên khẳng định với cường độ 7 Richter, trận động đất này gây chấn động tới nhiều tỉnh ở phía bắc VN, trong đó những khu vực phía tây bắc bị chấn động mạnh hơn. Tuy nhiên, do Hà Nội có nhiều tòa nhà cao tầng nên cảm nhận chấn động rõ hơn các địa phương khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết tại Điện Biên có thể cảm nhận rõ dư chấn của trận động đất này. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho biết không có thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Chấn động cấp 5 ở Hà Nội
Ngay trong buổi tối qua, thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu cho biết chấn động xảy ra ở Hà Nội và một số địa phương Tây Bắc, do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra lúc 13g55 giờ GMT (tức 20g55 giờ Hà Nội) tại tọa độ 20,86 vĩ độ bắc - 100,87 độ kinh đông tại Myanmar, nằm gần biên giới Lào - Thái Lan, độ sâu chấn tiêu của trận động đất khoảng 10km.
Theo đánh giá ban đầu, trận động đất gây chấn động cấp 5 (theo thang MSK - 64) ở Hà Nội. Tại trạm địa chấn Điện Biên cũng ghi nhận được chấn động cấp 6 ở Điện Biên và một số tỉnh Tây Bắc.
Tại VN, trận động đất gần đây nhất xảy ra được Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận là trận động đất hồi 21g59 ngày 6-3-2011 ở khu vực ngoài khơi Phan Rang - Phan Thiết có cường độ 4,75 độ Richter. Trận động đất này có độ sâu chấn tiêu 10km, được xem là xuất hiện trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 ở vùng thềm lục địa khu vực ngoài khơi các tỉnh Nam Trung bộ.
Một trận động đất mạnh đến 7 độ Richter xảy ra ở khu vực đông bắc Myanmar tối 24-3 với chấn động có thể cảm nhận được tại Hà Nội và Bangkok (Thái Lan). Theo Trung Tâm Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS), trận động đất diễn ra vào khoảng 21g giờ VN với tâm chấn cách thị trấn Chiang Rai của Thái Lan khoảng 111km về phía bắc, thuộc khu vực biên giới ba nước Lào - Myanmar - Thái Lan. Trận động đất có tâm chấn rất nông, cách mặt đất khoảng 10km. Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhân chứng cho biết một số tòa nhà ở Bangkok, cách tâm chấn 800km, cũng bị rung chuyển. Trận động đất mạnh 7 độ Richter ở độ sâu chỉ 10km có thể gây thiệt hại lớn, ước tính có 600.000 người cảm nhận chấn động từ mạnh đến rất mạnh và nhà cửa sẽ bị hư hại từ trung bình đến rất nặng. Bangkok Post đưa tin một phụ nữ ở thành phố Chiang Rai thiệt mạng sau trận động đất. Nạn nhân tên Hong Kampin, 55 tuổi, bị bức tường nhà đổ sập lên người khi đang ngủ. Lãnh đạo thị trấn Chiang Rai, Somchai Hatayatanti, cho biết đã cho điều tra thiệt hại tại địa phương. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cũng cho biết khả năng xảy ra sóng thần trên Ấn Độ Dương gây thiệt hại lớn là rất thấp do trận động đất nằm khá sâu trong đất liền. Trước đó vài giờ, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển tỉnh Miyagi và các vùng phụ cận. Theo JMA, mực nước biển có thể thay đổi sau trận động đất nhưng không gây thiệt hại. Trước đó sáng cùng ngày, đã xảy ra một trận động đất mạnh 4,9 độ Richter tại khu vực Kanto gần thủ đô Tokyo nhưng không có cảnh báo sóng thần. |
Làm gì khi xảy ra động đất? *Ở trong nhà: - Chui xuống gầm một chiếc bàn vững chắc, chờ cho đến khi mặt đất ngừng rung chuyển. Nếu ở gần bạn không có chiếc bàn nào, hãy dùng tay ôm lấy mặt, đầu và ngồi vào một góc nhà; Tránh xa cửa kính, gương, cửa ra vào và bất cứ vật gì có thể đổ; Nếu đang ở trên giường, hãy ở nguyên tại đó, bảo vệ đầu bằng một chiếc gối; Ở trong nhà cho đến khi mặt đất ngừng rung và khi bạn biết chắc rằng ra ngoài là an toàn; Không sử dụng thang máy. * Ở ngoài trời: - Không chạy vào trong nhà; Tránh xa các tòa nhà, cột đèn đường, dây điện; Ở nguyên ngoài trời cho đến khi mặt đất ngừng rung. Mối nguy cơ lớn nhất xuất phát từ chính cửa ra vào các tòa nhà và các bức tường bên ngoài. Mặt đất rung chuyển rất hiếm khi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong. Phần lớn thương vong do động đất xuất phát từ tường đổ, gương kính vỡ, các vật rơi xuống đất. * Nếu đang đi xe: - Ngừng xe ngay lập tức ở vị trí cho phép và ở lại trong xe (ôtô). Tránh đỗ xe ở dưới hoặc gần các tòa nhà, cây cối, các cây cầu bắc qua đường, đường dây điện; Di chuyển cẩn trọng sau khi mặt đất ngừng rung chuyển; Tránh các con đường, cầu, dốc bị động đất gây hư hại. * Nếu bị mắc kẹt dưới đống đổ nát: - Không bật diêm hay hộp quẹt; Không di chuyển hoặc làm tung bụi lên mù mịt; Che miệng bằng khăn tay hoặc một mảnh vải; Gõ vào một đường ống hoặc mảnh tường để nhân viên cứu hộ có thể xác định vị trí bạn bị mắc kẹt. Hô lớn chỉ là giải pháp cuối cùng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận