28/12/2010 08:29 GMT+7

"Chúng tôi thấy tổn thương"

JAN-OLOV AGRELL(*)HƯƠNG GIANG ghi
JAN-OLOV AGRELL(*)HƯƠNG GIANG ghi

TT - Quốc hội yêu cầu chính phủ cắt giảm ngân sách và khi đưa ra lựa chọn, chính phủ phân tích thấy bộ ngoại giao là nơi có thể cắt giảm chi tiêu vì bộ máy đại diện ngoại giao ở nước ngoài rất tốn kém. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc Thụy Điển đóng cửa đại sứ quán ở rất nhiều nước.

Về việc Thụy Điển đóng cửa đại sứ quán tại Việt Nam:

YBAY1blL.jpgPhóng to

Ông Agrell - Ảnh: H.Giang

Thụy Điển sẽ đóng cửa sứ quán tại VNXem bản tin tiếng Anh

Vấn đề là tại sao lần này lại đóng cửa đại sứ quán ở năm nước Angola, Argentina, Malaysia, Bỉ và VN? Tôi có thể hiểu được trường hợp Angola là nước mà Thụy Điển có ít quan hệ, với Malaysia thì chúng tôi không hề có quan hệ hợp tác phát triển, ở Brussels thì đại diện của Thụy Điển ở EU có thể kiêm nhiệm được. Còn với trường hợp Argentina và VN, tôi hoàn toàn không hiểu.

VN là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đang ở giai đoạn thu nhập trung bình, có lẽ không cần hợp tác phát triển nữa, nhưng quy mô quan hệ thương mại, đầu tư giữa Thụy Điển và VN không hề tương xứng với chiều dài lịch sử giữa hai nước. Các công ty Thụy Điển không giành lấy cơ hội đầu tư và làm ăn ở VN.

Điều này cũng có thể lý giải, vì trong hoàn cảnh chịu tác động của khủng hoảng, các công ty Thụy Điển sẽ tìm kiếm cơ hội ở những thị trường gần hơn trước khi vươn sang những nơi như VN, Trung Quốc...

Thiếu vắng đại sứ quán tại VN, các công ty Thụy Điển vẫn có thể tiếp tục đầu tư, làm ăn ở VN nhưng giữa hai nước sẽ không còn duy trì được đối thoại trực tiếp.

Trong thời gian tới, việc đóng cửa đại sứ quán theo lộ trình nào sẽ sáng tỏ dần, nhưng đến lúc này chúng ta vẫn chưa có thông tin chính thức gì. Các chương trình hợp tác phát triển, theo tôi, vẫn sẽ tiếp tục vì dù sao hai chính phủ cũng đã ký thỏa thuận đến năm 2013.

Vấn đề đặt ra là sau khi đại sứ quán đóng cửa thì các đối tác VN sẽ liên hệ đầu mối nào để tiếp tục các dự án đang dang dở hay đã được lên kế hoạch? Có lẽ sẽ vẫn còn đại diện của bộ phận hợp tác phát triển Thụy Điển ở lại để tiếp tục việc đó.

Một câu hỏi khác là đại sứ nào sẽ được chỉ định kiêm nhiệm làm đại sứ tại VN? Nếu theo hướng này, tôi đoán sẽ là đại sứ Thụy Điển tại Bangkok hoặc Bắc Kinh. Hoặc cũng có thể là Thụy Điển sẽ duy trì bộ phận lãnh sự ở VN để giải quyết các công việc lãnh sự giữa hai nước, chẳng hạn như cấp visa.

Dù cách giải quyết sẽ là thế nào, quyết định này thật sự làm tổn thương những người gắn bó quan hệ song phương như tôi và nhiều bạn bè khác. Các đồng nghiệp VN của tôi khi biết tin đều bỡ ngỡ và băn khoăn về tương lai quan hệ giữa hai nước.

Tại Thụy Điển, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối. Việc đóng cửa đại sứ quán sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ lâu dài mà cả hai bên đã nỗ lực rất nhiều mới xây dựng được.

(*) Ông Jan-Olov Agrell là cựu công sứ tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội (từ 2002-2006). Ông từng phụ trách chương trình hợp tác phát triển của Thụy Điển tại VN, được Bộ Tài nguyên - môi trường trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp tài nguyên - môi trường. Ông quay lại VN trên cương vị là cố vấn trưởng giai đoạn 2009-2010 cho chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra” của VN.

Về việc Chính phủ Thụy Điển vừa ra thông báo sẽ đóng cửa đại sứ quán tại một số nước trong năm 2011, trong đó có đại sứ quán ở Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Trường - nguyên đại sứ VN tại Thụy Điển (2002-2006) - nói:

- Việc Thụy Điển quyết định đóng cửa đại sứ quán ở nước này nước khác không phải là mới. Vấn đề là họ chọn thời điểm ngay sau khi quốc hội quyết định cắt giảm ngân sách cho chính phủ và sau khi thắng cử. Theo tôi được biết, tại Thụy Điển có nhiều người phản đối quyết định đóng cửa đại sứ quán tại Hà Nội, nhất là những người thuộc “thế hệ VN”.

* Theo thông lệ quốc tế, các công việc trong quan hệ song phương sẽ giải quyết thế nào nếu một nước đóng cửa đại sứ quán ở nước kia, thưa ông?

- Trong thời gian tới sẽ có phái đoàn công tác từ Thụy Điển sang và họ sẽ kiến nghị với Chính phủ Thụy Điển hướng đi tiếp theo. Có thể là duy trì bộ phận lãnh sự hoặc thương vụ ở một hình thức nào đó. Cũng có thể họ đóng cửa 100% và có thể một trong các đại sứ quán Bắc Âu khác như Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch sẽ đảm nhiệm công việc của cơ quan đại diện ngoại giao của Thụy Điển.

Không nhất thiết phải có đại sứ quán thì mới có quan hệ tốt đẹp. Riêng với tòa nhà đại sứ quán ở số 2 Núi Trúc, đó là một công trình đặc trưng của Bắc Âu mà nhiều người Thụy Điển đã gắn bó.

Chúng tôi đề xuất nếu đại sứ quán không ở đó thì VN nên xây dựng thành Trung tâm văn hóa Đông - Tây, có thể đặt tên là Trung tâm Olof Palmer, cựu thủ tướng Thụy Điển, một trong những người vô cùng yêu mến và ủng hộ VN trong chiến tranh.

* Theo ông, sự việc này đem lại bài học gì?

- Mặc dù đây là quyết định nội bộ của Thụy Điển nhưng đằng sau đó VN phải làm sao để các mối quan hệ truyền thống ngày càng mạnh mẽ và hai bên cùng có lợi. Đóng hay mở đại sứ quán là những việc có thể diễn ra. Có thể khi Thụy Điển hồi phục kinh tế sẽ lại có nhu cầu mở cửa đại sứ quán ở Hà Nội.

Có thể nói ở Thụy Điển còn rất nhiều người là bạn tốt của VN với tình cảm chân thành, không vụ lợi.

JAN-OLOV AGRELL(*)HƯƠNG GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên