24/12/2010 07:40 GMT+7

Thụy Điển sẽ đóng cửa sứ quán tại VN

L.T.ANH - H.GIANG
L.T.ANH - H.GIANG

TT - Ngày 23-12, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã có thông cáo báo chí về việc Chính phủ Thụy Điển quyết định đóng cửa đại sứ quán tại năm nước gồm Việt Nam, Bỉ, Argentina, Malaysia và Angola trong năm 2011.

Lý do đưa ra là Quốc hội Thụy Điển vừa quyết định cắt giảm 300 triệu krona (tương đương hơn 44 triệu USD) ngân sách dành cho chính phủ.

Xem bản tin tiếng Anh

8qrCvqUW.jpgPhóng to
Đại sứ Bjorn Staffan HerrstrÖm trong buổi khai mạc lớp đào tạo báo chí dành cho các nhà báo Việt Nam tại TP.HCM ngày 15-11-2010 Ảnh: T.L.

Trước việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết: “Việt Nam rất lấy làm tiếc về quyết định của Chính phủ Thụy Điển đóng cửa Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội cùng với việc đóng cửa đại sứ quán Thụy Điển ở một số quốc gia khác do những khó khăn về ngân sách. Đây là quyết định nội bộ của Thụy Điển”.

“Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với Thụy Điển đã được gìn giữ và phát triển bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước trong nhiều năm qua. Chúng tôi mong muốn hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới, thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Thụy Điển sớm mở lại đại sứ quán tại Việt Nam khi điều kiện cho phép” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Thụy Điển là một trong những nước phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam (năm 1969) và có nhiều hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho Việt Nam trong quá trình giành độc lập và xây dựng Tổ quốc. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai bên có một số điều chỉnh khi chuyển từ hình thức viện trợ đơn thuần sang quan hệ đối tác. Mục đích chính của sự hợp tác này, theo website chính thức của Đại sứ quán Thụy Điển ở Việt Nam, là tăng cường quản trị dân chủ, tôn trọng nhân quyền và phát triển bền vững về môi trường.

Biết tin này từ ngày 21-12, trên blog của mình ngày 23-12, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Bjorn Staffan Herrström tâm sự: “Hai ngày qua nhiều người đã rơi nước mắt, trong đó có tôi”. Đại sứ cho biết những người như ông được bổ nhiệm không chỉ nhằm xử lý các quá trình đơn giản mà còn cả những ngày tháng khó khăn như những ngày này.

“Những suy nghĩ của tôi xoay quanh các đồng nghiệp ở số 2 Núi Trúc (trụ sở của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội - PV). Về các thách thức của họ. Tương lai của họ”. Đại sứ Herrström nhận nhiệm vụ tại Hà Nội từ ngày 9-1-2010. Ngoài đại sứ quán, Thụy Điển còn có Lãnh sự quán danh dự và Hội đồng thương mại Thụy Điển ở TP.HCM. Số phận của các cơ quan đại diện ngoại giao này chưa được đề cập. Trong khi đó, nhiều nhân viên của đại sứ quán tỏ ra bất ngờ và vô cùng buồn rầu trước thông tin này.

Trả lời Tuổi Trẻ, đại sứ Herrström cho biết các công việc liên quan tiếp theo sẽ được chuẩn bị dần để đại sứ quán chính thức đóng cửa trong năm 2011. Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết thời điểm có thể là tháng 6-2011. Tuy nhiên, đại sứ khẳng định với Tuổi Trẻ: “Về cơ bản, việc này không ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Tất nhiên, chúng tôi sẽ gặp các thách thức trong quá trình thay đổi, nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức để tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ tuyệt vời mà chúng ta đã có hơn 40 năm qua với những phương tiện có sẵn và trong tình hình mới”.

Cắt giảm ngân sách!

Theo RTL, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Steven Vanackere cho biết cảm thấy hài lòng khi biết Thụy Điển vẫn sẽ giữ một đại sứ phụ trách quan hệ song phương tại Bỉ dù đóng cửa sứ quán tại đây. Theo cuộc trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Thụy Điển, ông Carl Bildt, vào trưa 22-12, ngoại trưởng Thụy Điển giải thích rằng quyết định đóng cửa năm sứ quán ở nước ngoài là vì lý do ngân sách bị cắt giảm. Trong trường hợp ở Bỉ, đại sứ Thụy Điển sẽ cơ cấu vào làm việc tại Ban đại diện thường trực của Thụy Điển tại Liên minh châu Âu ở Brussels.

Còn theo RTBF, chính phủ trung hữu của Thủ tướng Frederik Reinfeldt chỉ chiếm được đa số rất nhỏ (hơn hai ghế) ở quốc hội nên không thể thuyết phục được phe đối lập trong vấn đề cắt giảm ngân sách. Ngoại trưởng Carl Bildt tuyên bố: “Quyết định đau lòng này là kết quả của quyết định mới đây của quốc hội cắt giảm 300 triệu krona (44 triệu USD) ngân sách của chính phủ”.

* Theo AP, tháng 11-2010, Bộ Ngoại giao Bulgaria cũng dự kiến đóng cửa bảy sứ quán ở nước ngoài vì thiếu ngân sách. Các sứ quán đó gồm Sudan, Angola, Zimbabwe, Campuchia, Thái Lan, Mexico và Tunisia và 101 nhân viên sứ quán sẽ bị triệu hồi về nước.

* Tại Canada, tháng 11-2010, khi Bộ Ngoại giao nước này dự kiến đóng cửa 3-4 sứ quán ở châu Phi đã bị phản ứng rất nhiều vì các chuyên gia cho rằng quyết định đó làm mất đi quan hệ đã được gầy dựng trong 60 năm qua. Các chuyên gia ở Canada phàn nàn rằng trong khi các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tìm cách lấn sân vào châu Phi do đánh giá được tiềm năng kinh tế thì chính quyền lại có quyết định sai lầm là “tháo lui” và như thế sẽ là “một thất bại ngoại giao”.

* Tháng 9-2010, vì lý do thiếu hụt ngân sách, Đan Mạch cũng đã phải đóng cửa các sứ quán ở Algeria, Jordan, Nicaragua và Hong Kong. Mỗi khi gặp khủng hoảng kinh tế, Đan Mạch vẫn thường phải đóng cửa một số sứ quán. Trong trường hợp ở Algeria, Đan Mạch từng quyết định đóng cửa sứ quán hồi năm 1994 rồi sau đó mở lại vào năm 2000 và đóng cửa một lần nữa vào năm 2010.

* Cuối tháng 8-2010, theo Radio Czech, chính phủ nước này cũng đã phải đóng cửa năm sứ quán và một tổng lãnh sự quán, bước đầu tiên trong các biện pháp cắt giảm chi tiêu ở Bộ Ngoại giao nước này. Thậm chí Ngoại trưởng Karel Schwarzenberg còn dự kiến bán cả lâu đài Štirín ở cửa ngõ thủ đô Prague là tài sản của bộ để có thêm kinh phí. Tòa lâu đài sang trọng đó được định giá đến 80 triệu euro.

v5ks2vo6.jpgPhóng to

Thomas Kanger (ảnh) - một nhà văn và nhà báo Thụy Điển, người từng gắn bó với Việt Nam từ hồi chiến tranh chống Mỹ - cho biết: “Tôi choáng váng, không tin vào mắt mình khi đọc thông cáo báo chí của chính phủ. Vừa mới đêm hôm trước tôi với người bạn thân còn ngồi ôn lại những kỷ niệm hồi trai trẻ khi chúng tôi cùng xuống đường biểu tình chống chiến tranh. Thế hệ chúng tôi ai cũng nhớ mãi những cảm xúc mãnh liệt ngày giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh bạn tôi còn nhớ rõ từng chi tiết đã gặp và yêu cô vợ đầu tiên như thế nào trong ngày lễ ăn mừng chiến thắng ấy. Năm ngoái, sứ quán Thụy Điển vừa kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao khăng khít giữa hai nước. Vậy mà...”.

Đề cập đến dư luận ở Thụy Điển, ông nói: “Quyết định vừa ra nên thông tin rất ít. Nếu đúng là sứ quán phải đóng cửa thật thì đó sẽ là một ngày buồn đối với cá nhân tôi và chắc chắn là cả đối với rất nhiều người Thụy Điển khác. Nhưng phải nói rằng tôi không tin đây đã là kết luận cuối cùng”.

L.T.ANH - H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên