07/04/2016 11:17 GMT+7

Chính quyền phải lấy lại vỉa hè cho dân

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Chiếm dụng lề đường để kinh doanh thật sự là một vấn nạn, một căn bệnh như nan y, bởi nghe nói đã chữa đi chữa lại nhiều lần với nhiều nỗ lực của nhà chức trách nhưng không dứt.

Thậm chí bệnh còn có dấu hiệu gia tăng, thể hiện qua sự lan rộng và trầm trọng của tình trạng lấn chiếm.

Ở nhiều nơi, không chỉ lề đường không còn chỗ cho người đi bộ sau giờ tan tầm do bàn ghế bày biện khắp nơi; việc xe cộ lên xuống, ra vào nhộn nhịp tại các tụ điểm ăn uống khiến cả lòng đường cũng bị vướng víu và trở nên nguy hiểm đối với người qua lại. Không ít tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Mỗi khi được chất vấn, hầu như tất cả đại diện cơ quan có thẩm quyền đều có chung một cách giải trình: nhà chức trách đã cố gắng đến hết mức khả năng, tuy nhiên do lực lượng quá mỏng, không đủ sức quán xuyến địa bàn mọi lúc mọi nơi nên không thể ngăn chặn, xử lý việc vi phạm pháp luật triệt để.

Mặt khác, quy định chế tài còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Thật ra chẳng ở quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, mà lực lượng bảo đảm thực thi pháp luật được bố trí dày đặc và thường trực mọi lúc mọi nơi: điều đó phi thực tế và là sự lãng phí không cần thiết.

Đáng nói là ngay tại nhiều nước có trình độ phát triển kinh tế, phát triển xã hội ít nhiều tương đồng với Việt Nam, tình trạng chiếm dụng lề đường để kinh doanh được kiểm soát, khống chế tốt hơn nhiều.

Thành phố Bangkok của Thái Lan là một ví dụ: người kinh doanh trên lề đường biết bố trí bàn ghế như thế nào để tạo một hành lang cho người đi bộ; xe cộ không được đậu trên lề đường hoặc trên lòng đường mà được đưa vào một khu vực riêng; khách ăn uống không gây ồn ào, cũng không xả rác bừa bãi...

Nguyên nhân chính của sự thành công trong việc tổ chức quản lý kinh doanh trên vỉa hè được cho là nhờ vào tính nghiêm minh của luật pháp.

Sự nghiêm minh được ghi nhận trước hết ở các quy định chế tài: người vi phạm trong việc sử dụng lề đường, gây mất trật tự, mất vệ sinh bị phạt tiền rất nặng, gấp nhiều lần số lợi có thể thu được; người tái phạm có thể bị cấm kinh doanh có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Sự nghiêm minh còn được thể hiện trong khâu thực thi luật pháp, đặc biệt ở tác phong, thái độ tác nghiệp kiên quyết, mạnh mẽ, dứt khoát của nhân viên công lực khi xử lý các vụ vi phạm.

Trong khung cảnh như thế, người kinh doanh chỉ có mỗi sự lựa chọn thông minh là nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật để có điều kiện kinh doanh yên ổn và bền vững.

Chính nhà chức trách, bao gồm các cơ quan xây dựng pháp luật và cơ quan tổ chức thực hiện các quy định luật pháp, phải là người cầm trịch trong việc bảo đảm các vỉa hè không bị xâm lấn, chiếm dụng trái phép.

Nhà chức trách phải tự mình giải các bài toán liên quan bao gồm việc hoàn thiện hệ thống luật pháp và tổ chức, chỉnh đốn lực lượng thực thi pháp luật để có thể làm tròn phận sự.

Để cho thiếu luật, thiếu tiền, thiếu người rồi rốt cuộc không hoàn thành được công việc mà người dân giao cho mình là lỗi của người có trách nhiệm.

Thời gian qua có trường hợp khi đối mặt với các lực lượng kiểm tra, xử lý việc chiếm dụng vỉa hè, người vi phạm còn la ó, chửi bới. Họ phản ứng hung hăng bởi đơn giản họ không sợ luật, cũng như không ngán ngại đương đầu với nhân viên công lực.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên