Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 29-5, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, phương án phân bổ nguồn vốn dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí là giải quyết cơ bản nhu cầu vốn của một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách của nền kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy liên kết vùng, miền, vùng khó khăn...
Cụ thể, tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương được giao hằng năm trong cả giai đoạn để thực hiện và giải ngân ước đạt 964.950 tỉ đồng, bằng 86,16% tổng số (dự kiến là 1,1 triệu tỉ đồng).
Thiếu 155.050 tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn
Do đó để giải quyết phần thiếu hụt là 155.050 tỉ đồng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách; chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn, hằng năm và tiến độ thực hiện các dự án, tiết kiệm chi...
Trường hợp không đủ nguồn, sẽ được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời rà soát kế hoạch đầu tư, điều chuyển vốn kế hoạch giữa các dự án, xây dựng phương án phân bổ hợp lý.
Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ tổ chức triển khai rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, Chính phủ kiến nghị cho phép bố trí 4.069 tỉ đồng từ nguồn 10.000 tỉ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông vận tải.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh TUẤN PHÙNG
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho rằng việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho khoản thiếu hụt là khó khăn.
Do đó, ông Hải đề nghị Chính phủ đánh giá rõ nếu Quốc hội cho phép thực hiện theo đề xuất của Chính phủ thì số kế hoạch chuyển sang giai đoạn tiếp theo cần cụ thể là bao nhiêu dự án, với tổng số vốn như thế nào.
Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung, quyết định danh mục và chịu trách nhiệm về việc phân bổ trên nguyên tắc đảm bảo cân đối nguồn vốn hằng năm, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, đảm bảo hiệu quả...
Bố trí thanh toán nợ cho giải phóng mặt bằng chưa hợp lý
Đối với đề xuất liên quan 4.069 tỉ đồng thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, báo cáo thẩm tra cho rằng phương án bố trí của Chính phủ chưa đảm bảo trật tự ưu tiên, bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án này là chưa hợp lý.
"Có ý kiến cho rằng Chính phủ chưa báo cáo rõ việc phát sinh nghĩa vụ của ngân sách là do dự án thay đổi phương án tài chính, chưa làm rõ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được phê duyệt hay chưa và trong đề án có nội dung chi trả giải phóng mặt bằng cho dự án này hay không", ông Hải nêu.
Ông Hải cho biết nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, kết luận là thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỉ đồng như tờ trình của Chính phủ, trừ việc thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đúng nội dung kết luận trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận