Chính phụ huynh với tham vọng đã đè nặng con họ

THIÊN LANG
THIÊN LANG

TTO - Câu chuyện đi học của một người vừa trải qua thời đi học phổ thông không bao lâu liệu có khác chuyện học của các bạn trẻ bây giờ?

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD
“Không thầy cô, nhà trường hay chương trình học nào đòi hỏi học sinh phải học hơn tám tiếng/ngày. Họa chăng chính là phụ huynh - những người luôn ép con cái học để ganh đua, học để điểm cao, dù không hề quan tâm con thích gì và muốn gì

Nhà tôi, như mọi nhà khác, cũng có truyền thống hiếu học. Cha mẹ tôi - một người chỉ học xong cấp II, một người học xong lớp 12 rồi lên trung cấp nhưng cả hai người đều tự bươn chải bằng chính sức lực của mình.

Cha mẹ cũng chính là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời của tôi. Như mọi bậc phụ huynh quan tâm tới con, cha mẹ tôi cũng kè kè kèm tôi học từ khi bước vào lớp 1. Hỏi han về bài vở, chỉ bài hằng ngày và khi tôi lên lớp 3, lớp 4 tôi đã đủ ý thức tự học, không cần ai nhắc.

Nhưng cha mẹ kèm tôi học, chứ không ép tôi học.

Nghĩa là đến một lúc nào đó, khi tôi tự chủ được việc học, cha mẹ “buông” tôi ra. Không phải không còn hỏi han hằng ngày, mà để tôi tự do trong việc quản lý thời gian của mình.

Tôi học hay không, làm bài hay không... họ không cần biết, miễn là kết quả cuối cùng vẫn tốt và tôi vẫn tiếp thu được bài.

Ngoài ra, suốt nhiều năm phổ thông, cha mẹ chưa bao giờ ép tôi học thêm. Đến tận lớp học thêm đầu tiên đầu năm lớp 6 cũng là do tôi tự xin đi (chủ yếu là để có thêm thời gian chơi với bạn bè và có cơ hội để trốn đi chơi game!).

Cha mẹ không ép tôi học ngày học đêm, cũng không ép tôi phải vào tốp này tốp nọ. Dĩ nhiên, năm nào cha mẹ cũng theo dõi sát điểm của tôi và luôn muốn tôi đứng hạng cao, nhưng cũng chẳng phải sống chết để tranh suất nhất nhì.

Suốt phổ thông, tôi muốn học thì học, muốn chơi thì chơi. Năm lớp 8 tôi không còn học thêm nữa, đến năm lớp 10 theo 1-2 lớp học thêm một thời gian rồi cũng bỏ vì nó không cần nữa.

Sau giờ học, tôi đi chơi, đi đá banh, đi hẹn hò bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường, lên mạng kiếm cái này cái kia, đọc này nọ...

Tới giờ, ra trường và đã đi làm, tôi mới thấy thời phổ thông của mình rảnh ghê gớm, rảnh đến nỗi nhiều lúc còn thấy tiếc khi chưa làm được cái gì “cho có với người ta”.

Nhưng may mắn thay, dù không cần cặm cụi miệt mài học hành, dù không “cày đêm cày ngày” đến nỗi không có thời gian và bị áp lực, tôi vẫn tốt nghiệp đại học, vẫn học hành ngon lành, vẫn biết đủ thứ, vẫn đủ sức tự kiếm việc làm và sống được ở bất cứ đâu. Bạn tôi, nhiều đứa cũng y như vậy.

Việc học sinh học nhiều có phải đổ hết lên đầu nhà trường và thầy cô không?

Tôi không nghĩ vậy. Không ai ép chúng ta phải đi học thêm, phải cày cuốc trên trường, phải làm bài tập liên tục, phải cắm mặt vào sách vở đến mụ mị cả người.

Không thầy cô, nhà trường hay chương trình học nào đòi hỏi học sinh phải học hơn tám tiếng/ngày. Họa chăng đó chính là những bậc phụ huynh, những người luôn ép con cái học để ganh đua, học để điểm cao, dù không hề quan tâm con thích gì và muốn gì.

Nhiều phụ huynh mà tôi biết rất thích ép con học.

Đè con ra học thêm các môn trong trường chưa đủ, còn bắt học các môn năng khiếu.

Vậy mà khi trường cho đi ngoại khóa, hoặc con tự xin được đi với bạn bè, họ lại luôn lấy lý do là “con còn nhỏ, không nên đi xa, biết gì đâu mà đi, ở nhà lo học bài cho xong...”, và rồi ngăn cấm bất kỳ hoạt động nào của con.

Đến khi con lớn và ù lì với việc học, phụ huynh lại đổ cho nhà trường không dạy cho con họ kỹ năng mềm, để đứa trẻ lớn tướng mà không biết xác định phương hướng, không biết giao tiếp, ứng xử, không biết làm việc nhóm... trong khi toàn bộ thời gian của con đã bị phụ huynh ép vào thứ mà họ cho là đúng.

Tôi vẫn cho rằng giáo dục, như mọi vấn đề khác trong xã hội, phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Bản thân tôi, với trải nghiệm của mình, chẳng thấy nặng nề trong chương trình học.

Mà chính phụ huynh lại luôn muốn đè nặng con họ, với những mong muốn, tham vọng không bao giờ có cùng hướng suy nghĩ của bọn nhỏ.

Vậy học có áp lực không? Tôi cho là có và dĩ nhiên phải có.

Học mà không có áp lực thì sẽ không thành công.

Nhưng chúng ta phải biết mục tiêu của chúng ta và con em chúng ta là gì. Gốc của việc học là gia đình, nhà trường và xã hội chỉ là phụ.

Khi gia đình hiểu con mình và cho con mình làm theo ý thích của chúng, miễn vẫn trở thành người tốt và có ích cho xã hội, thì lúc đó mới là lúc học không còn áp lực tiêu cực nữa.

THIÊN LANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên