Phóng to |
SV Phó Thùy Dung (hàng trước, giữa) nhận giải thưởng đặc biệt tại cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh 2011 hồi cuối tuần qua - Ảnh: MINH TUẤN |
Đề án của hai nữ sinh viên này thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, có tên gọi “Phát triển dược liệu chống xói mòn và đa dạng hóa sản phẩm bản địa theo hướng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Thái ở xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La”. Ngoài 10 triệu đồng tiền thưởng, đề án này còn được Quỹ đầu tư Táo Xanh cam kết đầu tư tối đa 500 triệu đồng để triển khai. Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với Phó Thùy Dung - trưởng nhóm đề án:
* Bạn vui lòng chia sẻ nội dung đề án?
- Chúng tôi viết đề án này xuất phát từ nỗi trăn trở về hiện trạng diện tích đất độc canh cây ngô (bắp) đang dẫn đến hiện tượng bạc màu đất nông nghiệp và xói mòn đất ở địa phương vùng Tây Bắc và bài toán việc làm cho nguồn lao động sẵn có tại địa phương, đặc biệt là người cai nghiện trở về.
Trong số các cây mọc hoang dại, ngải cứu có hệ thống thân ngầm phát triển mạnh trong đất, thân lá chứa tinh dầu thơm có tác dụng chữa các bệnh phụ nữ, bệnh đau đầu, một số bệnh về xương khớp, tạo giấc ngủ sâu... Vậy sao không trồng cây ngải cứu để chống xói mòn đất, đồng thời dùng nó làm nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công bản địa như chăn, drap, gối, nệm... (các sản phẩm này ngoài tác dụng thông thường, khi có thêm ngải cứu trong thành phần vật liệu thì sẽ chăm sóc sức khỏe người sử dụng)? Một bộ phận lực lượng lao động có sẵn tại địa phương trong các hộ gia đình nghèo, các hộ gia đình có con em đi cai nghiện trở về cũng sẽ được giải quyết việc làm khi “dây chuyền” này được xúc tiến hiệu quả. Một giải pháp mang lại nhiều tác dụng là vậy!
Chúng tôi chọn xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, Sơn La làm địa điểm triển khai đề án vì đây là xã thường xuyên xảy ra tình trạng xói mòn đất, cây ngải cứu phát triển mạnh ở đây, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn... Trường đại học Tây Bắc có trụ sở tại thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, nên chúng tôi cũng có cơ hội tìm hiểu hiện trạng đất đai và đời sống người dân xã Chiềng Ly. Với dự án này, chúng tôi mong góp một phần nhỏ bé cải thiện tình hình kinh tế cho đồng bào xã Chiềng Ly và chống xói mòn đất.
* Các hoạt động cụ thể các bạn sẽ triển khai khi thực hiện đề án là gì?
- Quả thật, chúng tôi rất bất ngờ khi đề án đoạt giải đặc biệt và sẽ được đầu tư để triển khai. Chúng tôi cũng rất mong đề án nhanh chóng đi vào thực tế qua bốn hoạt động chính.
Thứ nhất, nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu bản địa. Cụ thể là tập huấn và tổ chức lớp học do các chuyên gia về phát triển cộng đồng giảng dạy.
Thứ hai, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế dược liệu ngải cứu cho các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nguồn. Phương pháp sử dụng là “đào tạo tiểu giáo viên”, do chuyên gia có kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển cây dược liệu giảng dạy. Và người học sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức đến nhiều người khác.
Thứ ba, xây dựng mô hình trồng dược liệu (ngải cứu) năng suất cao trên đất trống đồi núi trọc. Ở bước này, chúng tôi sử dụng “phương pháp phòng học trang trại”, tức là các kiến thức trong lớp học sẽ được thực hành ngay trên đất đai để người học nhớ lâu và nâng cao tay nghề.
Thứ tư, nâng cao tay nghề cho chị em phụ nữ trong việc tạo sản phẩm truyền thống đặc trưng nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Những chị em khéo léo, “chuyên nghiệp” trong làm hàng thủ công sẽ quản lý các nhóm nhỏ từ 3-5 người để làm một sản phẩm đặc trưng.
* Hiện là sinh viên năm 3, hai bạn có lo lắng việc học tập và những mối quan tâm khác sẽ khiến các bạn khó toàn tâm toàn ý với việc triển khai đề án?
- Tôi nghĩ rằng chỉ cần sắp xếp tốt thời gian thì chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý với đề án. Tôi tin rằng khi có nhiệt huyết, có quyết tâm cao thì chúng tôi sẽ thực hiện được. Khi càng vào chuyên ngành học, chúng tôi càng nhận ra mình say mê với lĩnh vực này và rất mong muốn đóng góp một phần kiến thức, năng lực cho xã hội.
* Bạn có thể giới thiệu về mình cũng như đồng tác giả Cà Thị Hạnh?
- Tôi 20 tuổi, người dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc. Khi viết đề án, chúng tôi có những thuận lợi nhất định, đó là bạn Cà Thị Hạnh, 21 tuổi, người dân tộc Thái ở Sơn La, rất khéo léo trong việc thêu khăn phiêu, may gối, dệt thổ cẩm... Thật tiếc là vì bận học nên chúng tôi chỉ có thể cử một người về Hà Nội nhận giải. Tôi và Hạnh đều giống nhau là cùng yêu thích các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở Tây Bắc. Chúng tôi còn gặp nhau trong niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Cuộc thi Ý tưởng kinh tế xanh do Trung tâm ý tưởng Táo Xanh phối hợp với Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) và Quỹ Phát triển bền vững (Foundation of the future - FOF) tổ chức. Diễn ra từ cuối tháng 4-2011 trên website www.kinhtexanh.vn, cuộc thi thu hút 114 cá nhân và nhóm tham gia với gần 150 bài dự thi, thuộc năm lĩnh vực: công nghệ xanh - năng lượng tái tạo; kiến trúc - xây dựng - giao thông; nông lâm ngư nghiệp; sản xuất - dịch vụ thương mại; tài nguyên môi trường. Tổng giá trị giải thưởng cho cuộc thi gần 1 tỉ đồng, dành cho ba đề án đoạt giải cống hiến (5 triệu đồng/giải); chín đề án được nhận giải thưởng của hội đồng thẩm định chuyên môn (10 triệu đồng/giải), trong đó đề án của Phó Thùy Dung và Cà Thị Hạnh - sinh viên khoa nông lâm Trường đại học Tây Bắc - giành thêm giải đặc biệt và được Quỹ đầu tư Táo Xanh cam kết đầu tư tối đa 500 triệu đồng để triển khai; và giải nhất giải thưởng do cộng đồng bình chọn (18 triệu đồng) thuộc về Nguyễn Thị Hồng Mai - kỹ sư đô thị, chuyên ngành cấp thoát nước của Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn Hà Nội - với đề án “Xử lý nước thải nông thôn bằng phương pháp thủy canh”. Ngoài ra còn có chín giải đồng hạng do cộng đồng bình chọn (1,5 triệu đồng/giải). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận